Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng tình 'bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung'

Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Ngày 6/11, Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Ghi âm hoạt động hỏi cung

Bên cạnh các quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; quy định thời hạn tạm giam; bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra... hoạt động ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung, xét hỏi được đa số các đại biểu đồng tình.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh ( TP HCM), việc bắt buộc ghi âm ghi hình là cần thiết để tránh ép cung, bức cung và đảm bảo được yếu tố khách quan. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm việc mỗi lần hỏi cung phải ghi âm ghi hình hay chỉ cần một lần? Việc bảo quản dữ liệu phải được thực hiện thế nào và khi nào được phép sử dụng... cần được ghi thẳng vào luật.

Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đồng tình ghi âm ghi hình trong hỏi cung bị can để bảo vệ người được hỏi cung. Tuy nhiên, chỉ cần ghi âm ghi hình trong các buổi hỏi cung không có người bào chữa tham gia.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau. Có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người.

Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.
Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác (như tại nơi tiến hành điều tra, tại chỗ ở của bị can) thì được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra phải được ghi âm, ghi hình”.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được, phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".

Người bị tạm giữ có quyền trình bày lời khai

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.

UBTVQH nhận thấy, việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982 là cần thiết, như sau: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến,không buộcphải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Về căn cứ và thời hạn tạm giam, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị cần cụ thể hóa căn cứ “có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” để tránh lạm dụng tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ quy định " không áp dụng tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên". 

UBTVQH nhận thấy, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người từ 70 tuổi trở lên còn có hành vi mua bán ma túy, giết người, hiếp dâm...; việc không tạm giam đối với những trường hợp này sẽ khó khăn cho các công tác xử lý tội phạm. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bỏ quy định " không áp dụng tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên" và chỉnh lý theo hướng giữ quy định hiện hành: không tạm giam đối với người già yếu nếu họ có nơi cư trú và lai lịch rõ ràng.

http://www.baogiaothong.vn/dong-tinh-bat-buoc-ghi-am-ghi-hinh-khi-hoi-cung-d126775.html

Theo Lê Phong/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm