Sau nhiễm virus SARS-CoV-2 chị T.M.A. (24 tuổi, sống ở Hoài Đức, Hà Nội) không bị hụt hơi, khó thở, mất ngủ nhưng sức khỏe tình dục suy giảm, hay căng thẳng, lo lắng.
Trước đây, tần suất quan hệ vợ chồng từ 2-3 lần/tuần. Sau khi khỏi Covid-19 chị A. bị giảm ham muốn tình dục. Người phụ nữ mới kết hôn được một năm, công việc không áp lực nhưng lại mất hứng thú khi quan hệ với chồng.
Nguyên nhân?
Lo lắng việc giảm ham muốn ảnh hưởng đến sinh sản, chất lượng cuộc sống chị đã cùng chồng đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm khám.
Tại bệnh viện bác sĩ đã tư vấn, chỉ định các xét nghiệm cần thiết, đánh giá thang điểm chỉ số chức năng tình dục nữ (FSFI) cho bệnh nhân. Kết quả điểm số FSFI đạt 20 cho thấy chức năng tình dục nữ suy giảm.
Sau khi có kết quả bác sĩ đã tư vấn lộ trình tâm lý liệu pháp, hướng dẫn bài tập yoga, tăng sức cơ, cải thiện tưới máu vùng chậu, sử dụng thuốc điều trị. Hiện tại, sức khỏe của người phụ nữ này đã được cải thiện rõ rệt, ham muốn tình dục trở lại.
“Lần đầu tiên sau gần 3 tháng mắc Covid-19 tôi mới cảm nhận được ham muốn trong chuyện ấy”, chị tâm sự.
Sau nhiễm nCoV nhiều phụ nữ bị suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh: IStockphoto. |
Theo ThS.BS Phạm Minh Ngọc, nhiều nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục, giảm ham muốn hậu Covid-19.
Cụ thể, sau khi giải trình tự gene, phân tích protein theo cặp các nhà khoa học thấy SARS-CoV-2 thường tấn công vào bề mặt các tế bào có Angiotensin-conversing enzyme 2 (ACE-2) sử dụng nó như một điểm xâm nhập vào các tế bào. Ngoài tập trung ở đường hô hấp, ACE-2 còn có ở buồng trứng gây mất cân bằng hormone sinh dục nữ dẫn tới suy giảm ham muốn.
Đặc biệt, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến việc gặp gỡ, tiếp xúc bạn tình bị hạn chế vì cách ly, giãn cách xã hội; tâm lý căng thẳng, lo lắng do công việc, thu nhập bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiều người có các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, hụt hơi khi quan hệ trong nhiều tháng sau nhiễm bệnh. Theo thời gian tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục.
Làm gì để tìm lại cảm xúc?
Thời gian gần đây số lượng bệnh nhân nữ đến viện khám, tư vấn, điều trị về các vấn đề sinh lý, tình dục hậu Covid-19 gia tăng. Phổ biến nhất là các trường hợp cảm thấy mất hứng thú trong chuyện chăn gối sau khi khỏi bệnh.
Nhiều phụ nữ tiết lộ tần suất quan hệ giảm, không còn động lực trong chuyện vợ chồng. Có cặp đôi khỏi Covid-19 nhưng chưa quan hệ tình dục vì không có ham muốn. Một số trường hợp khác thấy mức độ đáp ứng với kích thích tình dục giảm, "cô bé" không tiết đủ chất nhờn khi quan hệ dù đối tác nam đã cố gắng kích thích.
Thậm chí, không ít người còn suy giảm cường độ cực khoái hoặc mất cực khoái khi quan hệ ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục.
ThS.BS Phạm Minh Ngọc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
ThS.BS Phạm Minh Ngọc nhận định giảm ham muốn là một trong những rối loạn hay gặp trong số các rối loạn về chức năng tình dục nữ, ước tính từ 30% đến 40%. Tỷ lệ và mức độ giảm ham muốn tình dục tăng dần theo tuổi, trung bình 27% ở độ tuổi 18-44; 45% ở tuổi 45-64, hơn 80% ở người trên 65 tuổi.
Để khắc phục tình trạng trên, chuyên gia khuyến cáo ngoài việc tập thể dục điều độ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, nữ giới cần chú ý vấn đề tinh thần.
Một số biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng nữ giới có thể áp dụng như:
- Lắng nghe cơ thể, dành thời gian nghỉ ngơi.
- Thư giãn, hoạt động theo sở thích như nghe nhạc, đạp xe, vẽ tranh, mua sắm,… sau thời gian dài làm việc mệt nhọc.
- Tập yoga, dưỡng sinh, thiền, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
- Ngủ đủ giấc, không dùng rượu, bia, hút thuốc, các chất kích thích.
- Giữ mối quan hệ tốt với bạn đời.
Nếu đã cố gắng thực hiện các biện pháp nhưng không hiệu quả người bệnh có thể đến gặp các chuyên gia tình dục để nghe tư vấn, tìm hướng điều trị phù hợp.