Bị cáo Phạm Văn Tùng tại tòa. |
Ngày 28/2, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Tùng (SN 1989, trú huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) 9 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Vì ghen tuông vô cớ, Tùng đã thiêu rụi xưởng may của anh N.Đ.B. (SN 1990).
Theo cáo trạng, Phạm Văn Tùng và chị Lưu Thị Yến (SN 1994) là là vợ chồng, có 2 con chung. Cuối năm 2020, chị Yến đến làm thợ may thuê tại xưởng may do anh N.Đ.B. làm chủ ở huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đầu năm 2021, Tùng nghi ngờ anh N.Đ.B. có quan hệ tình cảm với vợ mình. Do sức ép của chồng, đến tháng 3/2021, chị Yến nghỉ việc, không làm tại xưởng may nữa. Tuy nhiên, Tùng vẫn nảy sinh ý định đốt xưởng may của anh N.Đ.B. để cảnh cáo và trả thù.
Qua theo dõi trang cá nhân Facebook của anh N.Đ.B., Tùng biết được sáng sớm 14/3/2022, anh N.Đ.B. và công nhân xưởng may đi lễ chùa không làm việc tại xưởng. Do đó, khoảng 4h hôm đó, Tùng chuẩn bị sẵn 1,5 lít xăng đựng trong chai nhựa, đi xe máy đến xưởng may để đốt.
Đến nơi, Tùng để xe máy trên đường đê rồi cầm theo chai xăng đi bộ ra phía sau xưởng may. Tùng mở cửa sổ, đổ xăng vào đống vải sát cửa, vứt vỏ chai nhựa vào trong xưởng, rồi châm lửa đốt.
Đốt xong, Tùng bỏ chạy ra nơi để xe máy thì phát hiện đã làm rơi chìa khóa xe tại xưởng may. Không tìm thấy chìa khóa, Tùng dắt xe ra bến đò rồi gọi điện thoại cho bố đẻ mang chìa khóa phụ đến.
Hành vi của Tùng đã khiến toàn bộ xưởng may của gia đình anh N.Đ.B. bị thiêu rụi, thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng. Cùng ngày, Tùng bị Công an huyện Thường Tín bắt giữ về hành vi Hủy hoại tài sản.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…