Luật giáo dục ĐH có hiệu lực, thay vì Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo thì các trường được phép tự xác định chỉ tiêu cho mình theo năng lực đào tạo. Nhưng để kiểm soát các trường không xác định chỉ tiêu một cách tùy tiện, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trong thông tư này, để xác định chỉ tiêu, các trường dựa vào 2 tiêu chí: Quy đổi giảng viên và cơ sở vật chất. Thế nhưng chỉ sau khi thông tư ra đời không lâu, chỉ tiêu của các trường vẫn đua nhau phình ra!
Quy mô đào tạo ở không ít trường ĐH ngày càng phình to, trong khi số lượng cử nhân thất nghiệp ngày một nhiều. Ảnh: Tiền Phong. |
Để siết chặt hơn, năm 2015, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư 32 về xác định chỉ tiêu đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thay thế Thông tư 57 năm 2011.
Thông tư 32 có thêm 1 tiêu chí mới và sửa đổi 2 tiêu chí cũ. Đối với tiêu chí quy đổi đội ngũ giảng viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu xác định theo nhóm ngành, không xác định theo “gói” chung. Tiêu chí về cơ sở vật chất, từ không dưới 2 m2/sinh viên lên không dưới 2,5 m2/sinh viên.
Dù Bộ GD&ĐT đã “rào” bằng nhiều văn bản nhưng các trường vẫn có thể lách luật. Đơn cử, nếu chiếu theo quy định của Bộ GD&ĐT, với quy mô 35.000 sinh viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cả chính quy và không chính quy của trường) thì diện tích cơ sở vật chất của trường phải là 87.500 m2 (theo Thông tư 32). Còn tính riêng sinh viên chính quy thì diện tích trường cần đáp ứng là 75.000 m2.
Nhưng đại diện lãnh đạo của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lý giải rằng: Diện tích phòng học của trường là 41.731 m2, sinh viên chỉ học một ca, nên nếu sử dụng 2 ca thì diện tích sử dụng thực của trường sẽ gấp đôi là 83.462 m2, đủ đáp ứng cho 30.000 sinh viên Hệ chính quy học theo quy định.
Như vậy, với cách giải thích này thì nếu trường tổ chức học 3 ca/ngày, không lẽ mỗi mét vuông sàn xây dựng sẽ được nhân lên làm 3 lần? Nội dung này đã không được quy định rõ trong văn bản của Bộ GD&ĐT.
Hơn nữa, việc Bộ GD&ĐT gộp tất cả các tiêu chí nhỏ (diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo gồm các hạng mục: Hội trường, giảng đường, phòng học các loại; Thư viện, trung tâm học liệu; Phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng) lấy diện tích trung bình không dưới 2,5 m2 sẽ dẫn đến tình trạng các trường chỉ cần đáp ứng đủ diện tích.
Chính vì vậy, việc Viện ĐH Mở Hà Nội có thể thuê cho sinh viên học tại các tòa nhà trung tâm thương mại nằm sát đường tàu, gần chợ ồn ào... cũng không bị xử lý hay “tuýt còi”.
Khe hở trong quản lý giảng viên
Với tiêu chí quy đổi giảng viên, một chuyên gia giáo dục lý giải lý do vì sao các trường ngoài công lập có thể dễ dàng phình chỉ tiêu.
Theo vị chuyên gia này, sở dĩ các trường công lập khó tăng chỉ tiêu đột biến vì đội ngũ giảng viên phải dựa vào ngân sách cấp, chỉ tiêu do các bộ chủ quản xác định. Còn với đội ngũ giảng viên đã hết tuổi, muốn giữ lại trường, các trường chỉ được ký hợp đồng, không được coi là giảng viên cơ hữu.
“Bộ cũng cùng quan điểm với báo Tiền Phong nên rất lo lắng về việc mở tự chủ ĐH khi chưa đủ điều kiện về chất lượng”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, tại các trường ngoài công lập, các trường được phép tự tuyển giảng viên, tuyển từ người còn độ tuổi lao động hoặc những người đã quá tuổi lao động. Theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 57, giảng viên tại các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập là giáo viên, giảng viên hợp đồng lao động dài hạn, làm việc toàn phần tại cơ sở đào tạo.
Tại Thông tư 32, quy định này đã rõ hơn như giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn...
Chính quy định này đã tạo “kẽ hở” để các trường ngoài công lập có được một danh sách giảng viên cơ hữu theo mong muốn. Bởi các trường vẫn ký hợp đồng, nhưng lương trả theo tiết giảng. “Có giảng viên cơ hữu có khi cả năm không có dạy tiết nào cũng có tên trong danh mục của nhiều trường” – vị chuyên gia khẳng định.
Trong khi đó, với khoảng hơn 400 trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT khó có thể thanh tra đồng loạt tất cả các trường mỗi mùa tuyển sinh. Do vậy, các trường vẫn làm và nếu bị thanh tra đến và phát hiện tuyển vượt so với thực tế thì chấp nhận phạt, chấp nhận trừ chỉ tiêu năm sau.
Chia sẻ về thực tế này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nói: “Bộ rất lo lắng về việc mở tự chủ ĐH khi chưa đủ điều kiện về chất lượng. Trên thực tế, việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề hầu như chưa được hình thành, việc tuyển dụng lao động còn hình thức và nhiều tiêu cực; thống kê sinh viên thất nghiệp chưa đáng tin cậy, không thống kê do trường nào đào tạo ra... nên không tạo ra sức ép để buộc các trường phải đầu tư chất lượng...”.
Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, trong điều kiện đó, nếu cứ muốn cho trường được tự chủ tối đa còn Bộ có trách nhiệm đi giải trình về chất lượng đào tạo thì thật khó. “Các khâu khác trong quy trình đào tạo-đánh giá-sử dụng... không liên kết được với nhau thì không có Bộ GD&ĐT nước nào quản được chất lượng” – bà Phụng chia sẻ.