Bộ GD&ĐT vừa đồng ý cho 10 trường tuyển sinh theo nhóm (viết tắt nhóm trường GX) do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, cùng sự tham gia của Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải.
Thí sinh gian lận sẽ mất cơ hội
Trước lo ngại thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào quá 2 trường trong nhóm GX, PGS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi - cho rằng việc này nằm ngoài kiểm soát của nhóm 10 trường. Bộ GD&ĐT cần can thiệp để ngăn chặn thí sinh gian lận.
Theo PGS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, trường hợp thí sinh gian lận nộp vào 4 trường, phần mềm xét tuyển chỉ tự động nhập 2 trường ngẫu nhiên. Như vậy, thí sinh sẽ thiệt thòi khi có thể không được học đúng chuyên ngành hoặc trường mình thích.
Ông Nghĩa khuyến cáo, thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội của mình.
Ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: Tuyển sinh theo nhóm, thí sinh gian lận sẽ đánh mất cơ hội của mình. Ảnh: Quyên Quyên. |
Tăng khả năng trúng tuyển
Ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, đề án tuyển sinh theo nhóm không hạn chế trường tham gia, kể cả trường ngoài công lập.
Theo đại diện 10 trường, đây là phương án giảm "trúng tuyển ảo", đồng thời tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân - cho hay, thí sinh đăng ký vào nhóm GX có khả năng trúng tuyển cao hơn. Còn PGS.TS Trần Văn Nghĩa nhận định, với nhóm tuyển sinh 10 trường, khả năng tồn tại thí sinh "ảo" vẫn còn nhưng ít.
PGS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi - thông tin, sắp tới, nhóm GX sẽ họp bàn và đẩy mạnh truyền thông đến các trường THPT, trước khi học sinh kết thúc năm học.
Những lưu ý khi xét tuyển theo nhóm
Đại diện các trường cho biết, dự kiến có hai mẫu đăng ký xét tuyển, một của Bộ GD&ĐT dùng chung, một mẫu của nhóm GX.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay, mẫu đăng ký xét tuyển của nhóm GX không khác của Bộ GD&ĐT. Các em có thể tải trên mạng.
Ngoài hai phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến và chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, sĩ tử có thể nộp trực tiếp tại trường.
Những em đăng ký xét tuyển vào ĐH Thủy lợi hoàn toàn có thể đến ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục. Việc đăng ký xét tuyển vào nhóm không phức tạp hơn so với đăng ký vào trường ngoài nhóm.
Theo phương thức tuyển sinh của GX, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Các em có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm.
Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào một trường trong nhóm và một trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên, nếu nộp vào hai trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung, các em sẽ không được đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm.
Theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng xếp trên sẽ không được xét các nguyện vọng sau.
Điểm trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.
Phương thức tuyển sinh của nhóm GX tuân thủ theo một số nguyên tắc chung: Sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển; sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý; áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu đăng ký xét tuyển (được quy định trong Đề án) và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, phương thức xét tuyển này tiếp tục được thực hiện cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.