Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Dù dốc tiền mua, người Việt vẫn chê mỹ phẩm Trung Quốc

Sở hữu số lượng lớn sản phẩm làm đẹp Trung Quốc, nhưng không ít người tiêu dùng Việt Nam chưa hài lòng, chỉ ra nhiều khuyết điểm của các mặt hàng này so với mỹ phẩm Hàn Quốc, Mỹ.

Mỹ phẩm Trung Quốc được lòng khách hàng Việt, song cần cải thiện để hoàn toàn chinh phục người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: @chanchan.0411.

Trong thời gian nghỉ trưa ở văn phòng, Phương Nhi (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên theo dõi web drama Trung Quốc. Thời lượng khoảng 30 phút, cốt truyện hấp dẫn, gay cấn của các bộ phim này phù hợp với những quãng nghỉ ngắn của dân công sở như cô.

Điểm đặc biệt của các web drama này là phần quảng cáo sản phẩm được lồng ghép tinh tế. Nhiều người bán hàng trung gian, shop online thường dịch lời thoại sang tiếng Việt, từ đó khéo léo tiếp thị sản phẩm mà họ nhập về bán.

Từ hình thức giải trí này, Phương Nhi bắt đầu hứng thú với mỹ phẩm nội địa Trung. Cô cho biết nhiều người bán gắn link sản phẩm ngay trong phần chú thích nội dung phim, giúp khán giả dễ dàng mua hàng chỉ qua một click.

my pham Trung Quoc, my pham noi dia Trung,  lam dep Trung Quoc,  MXH,  makeup Douyin,  makeup Trung Quoc,  my pham han quoc,  my pham My anh 1

Phương Nhi chuộng mỹ phẩm Trung sau khi xem web drama của đất nước này. Ảnh: NVCC.

“Tôi thường nhắn tin trực tiếp cho người bán để yêu cầu tư vấn, đặt mua hàng. Đối với những món mỹ phẩm Trung từng dùng và yêu thích, tôi đặt mua luôn qua sàn TMĐT, không cần nghe lời khuyên”, Nhi nói.

Sau hơn 3 năm sử dụng, Phương Nhi dần nâng tỷ lệ sản phẩm làm đẹp đến từ Trung Quốc trong bộ makeup cá nhân lên đến 50%. Giá thành phải chăng 100.000-300.000 đồng, sự phù hợp với gương mặt, thẩm mỹ của người châu Á giúp mỹ phẩm Trung chinh phục cô.

Phương Nhi là một trong nhiều tín đồ trang điểm Việt Nam ngày càng ưa chuộng mỹ phẩm Trung Quốc. Lý do dẫn đến sự yêu thích trên được khách hàng nhận định là mức giá rẻ và sự đa dạng của sản phẩm làm đẹp đến từ xứ tỷ dân. Song, một số vẫn chỉ ra khuyết điểm của các mặt hàng này sau một thời gian sử dụng.

Theo báo cáo thị trường Sản phẩm thương hiệu làm đẹp nội địa Trung Quốc từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2024 của Metric, tổng doanh thu đến từ mỹ phẩm Trung trên 3 sàn TMĐT Shopee, Lazada và Tiki tại Việt Nam đạt 1.005 tỷ đồng.

Ngành hàng này tăng trưởng gấp khoảng 3 lần từ năm ngoái đến năm nay, đạt đỉnh doanh thu gần 100 tỷ đồng vào tháng 1/2024.

Với sự tăng trưởng vượt bậc, sản phẩm làm đẹp nội địa Trung Quốc ngày càng chứng minh vai trò, vị thế tại thị trường Việt Nam. Các nhãn hàng phổ biến trong danh mục này bao gồm Focallure, Perfect Diary, Colorkey,…

Xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm mới

Makeup artist Lan Phương (quận 3, TP.HCM) thường xuyên sử dụng các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc như Focallure, Perfect Diary và Carslan.

Chuyên gia trang điểm với 5 năm kinh nghiệm đánh giá cao phấn mắt và má hồng của các nhãn hàng này bởi sự đa dạng về màu sắc, phù hợp với phong cách trang điểm trẻ trung hiện nay.

Khách hàng trẻ tuổi của Lan Phương, đặc biệt là sinh viên, có cái nhìn tương đối cởi mở với mỹ phẩm nội địa Trung. Nhiều người thậm chí còn yêu cầu chuyên viên trang điểm dùng sản phẩm làm đẹp Trung Quốc trong quá trình makeup.

Nghệ sĩ trang điểm này nhận định rằng sự bùng nổ của các xu hướng làm đẹp trên TikTok và Douyin trong khoảng một năm trở lại đây đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu sử dụng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc. Các video hướng dẫn trang điểm, review sản phẩm và thử thách làm đẹp trên các nền tảng này đã tạo nên làn sóng mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Sự thay đổi này có thể thấy rõ qua trường hợp của Xuân Nhi (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Nhân viên văn phòng 27 tuổi bắt đầu sử dụng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc từ năm 2020, hiện các sản phẩm này chiếm khoảng 20% trong bộ sưu tập trang điểm của cô.

my pham Trung Quoc, my pham noi dia Trung,  lam dep Trung Quoc,  MXH,  makeup Douyin,  makeup Trung Quoc,  my pham han quoc,  my pham My anh 4

Xuân Nhi ưa chuộng mỹ phẩm Trung Quốc vì mức giá phải chăng. Ảnh: NVCC.

Nhi thường mua mỹ phẩm Trung Quốc trên các gian hàng TMĐT chính hãng của Trung Quốc thay vì mua tại cửa hàng trực tiếp, bởi giá tốt hơn và sản phẩm lại đa dạng hơn.

Zeesea và Perfect Diary là hai trong số những thương hiệu “ruột” của Nhi. Cô biết đến những cái tên này thông qua các nền tảng mạng xã hội như Douyin, TikTok, Facebook và từ lời giới thiệu từ bạn bè. Hiện tại, cô đặc biệt ưng ý với bút kẻ mắt Zeesea, phấn phủ và bảng mắt Perfect Diary.

“Chất lượng các sản phẩm này tốt mà giá cả lại ‘mềm’ hơn so với mỹ phẩm Hàn Quốc hay Mỹ, chỉ dao động 100.000-400.000 đồng thôi”, cô cho biết.

Xuân Nhi nhận xét mỹ phẩm Trung Quốc có bao bì đẹp mắt, sáng tạo. Cô tin tưởng vào chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm này, đồng thời cho rằng bất kỳ sản phẩm nào cũng có loại tốt và loại kém.

“Nếu một sản phẩm được đầu tư, minh bạch và có đánh giá tốt từ người tiêu dùng thì đáng để trải nghiệm”, Nhi nói.

Vẫn chưa đạt kỳ vọng

Dù đánh giá cao sự đa dạng, giá thành phải chăng của mỹ phẩm Trung Quốc, chuyên gia trang điểm Lan Phương vẫn thẳng thắn nhận định khuyết điểm của một số sản phẩm như kem nền hay phấn tạo khối.

“Đối với những sản phẩm chủ đạo như kem nền và tạo khối, tôi vẫn tin dùng các thương hiệu high-end (cao cấp) đến từ Mỹ với giá 1 triệu đồng trở lên”, Phương cho biết.

my pham Trung Quoc, my pham noi dia Trung,  lam dep Trung Quoc,  MXH,  makeup Douyin,  makeup Trung Quoc,  my pham han quoc,  my pham My anh 5

Chuyên gia trang điểm Lan Phương chưa đánh giá cao chất lượng một số món mỹ phẩm Trung. Ảnh: NVCC.

Cô cho rằng các loại kem nền giá rẻ và tầm trung, mặc dù có chất lượng và độ che phủ tốt trong tầm giá, nhưng chỉ phù hợp để sử dụng cho những khách hàng có ngân sách giới hạn. Trong trường hợp này, cô sẽ giảm 50% giá dịch vụ trang điểm.

Lan Phương cũng cho biết mỹ phẩm Trung thường không được lòng khách hàng lớn tuổi. Phần lớn khách ở độ tuổi trung niên luôn hỏi kỹ về sản phẩm mà cô sử dụng trên da họ, đồng thời bày tỏ sự không hài lòng nếu biết chuyên gia trang điểm dùng phấn phủ, kem nền đến từ Trung Quốc.

Tương tự, Linh Nga (22 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), người mẫu ảnh, livestream, cũng nhận thấy một số nhược điểm của mỹ phẩm nội địa Trung sau 2 năm sử dụng.

Sở hữu gương mặt mang nhiều nét Á Đông, Nga đặc biệt ưa thích lối “makeup Douyin” - kiểu trang điểm phổ biến trên mạng xã hội Douyin Trung Quốc. Đó cũng là lý do cô thường xuyên sắm son, phấn mắt và má hồng Trung trên sàn TMĐT.

Tuy nhiên, với đặc thù công việc phải trang điểm hàng ngày, hoạt động trong thời gian dài ngoài trời, Linh Nga nhận ra mức độ phai, trôi của một số món mỹ phẩm. Dù tự nhủ “tiền nào của nấy”, cô vẫn không khỏi thất vọng.

Hơn nữa, tông màu, sắc độ, đặc tính của nhiều sản phẩm làm đẹp Trung Quốc chỉ phù hợp với kiểu makeup Douyin. Nếu muốn chuyển sang lối trang điểm Âu - Mỹ, Nga không thể dùng những món đồ này.

“Nếu ngân sách dành cho đồ makeup gia tăng, tôi chắc chắn sẽ mua nhiều sản phẩm đến từ các thương hiệu Hàn Quốc hoặc Mỹ hơn”, người mẫu ảnh 22 tuổi nói.

Báo cáo của Metric cho biết số lượng mỹ phẩm Trung Quốc giao hàng thành công qua sàn TMĐT trong thời gian thống kê là 10,8 triệu sản phẩm. 1.012 là số gian hàng kinh doanh mặt hàng này.

Mức giá phổ biến nhất của mỹ phẩm nội địa Trung là 200.000-350.000 đồng. Phân khúc này thu về gần 290 tỷ đồng cho thị trường.

Trong khi 92,5% gian hàng là shop chính hãng, 79,8% sản phẩm đến từ các kho hàng quốc tế. Số liệu này cho thấy phần lớn thương hiệu sản phẩm làm đẹp Trung Quốc phân phối trên sàn TMĐT chuyển hàng từ kho Trung Quốc đến tận tay khách hàng Việt Nam.

Mỹ phẩm Trung Quốc vượt mức 1.000 tỷ đồng ở Việt Nam

Theo thống kê từ các sàn TMĐT, thị trường sản phẩm làm đẹp nội địa Trung tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt đỉnh doanh thu gần 100 tỷ đồng vào tháng 1/2024.

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.

Linh Vũ - Như Phương

Bạn có thể quan tâm