Gần đây, trào lưu trị mụn bằng cách chấm tỏi sống lên nốt mụn trứng cá lan truyền khắp TikTok. Hàng trăm video hướng dẫn cách thực đang được chia sẻ rầm rộ, thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn của phương pháp này, New York Post đưa tin.
Bác sĩ da liễu Ketaki Bhate (London, Anh) cho biết việc thoa tỏi sống lên da có thể gây kích ứng, thậm chí bỏng hóa chất, để lại vết thâm sau viêm. Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ da liễu Shereene Idriss khẳng định tỏi không thể trị mụn, đặc biệt là mụn nội tiết tố, loại mụn thường cần điều trị bằng thuốc theo đơn.
"Điều quan trọng là phải điều trị tận gốc nguyên nhân để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn như sẹo lâu dài", bà Idriss nhấn mạnh.
Mặc dù không khuyến khích dùng tỏi đắp lên da, các chuyên gia vẫn công nhận lợi ích của việc ăn tỏi.
"Tỏi là một nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin C và B6, mangan và selen. Ngoài ra, tỏi còn chứa các hợp chất lưu huỳnh, chẳng hạn như allicin, đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn", chuyên gia dinh dưỡng Emily English cho biết.
Phương pháp chấm tỏi sống lên các nốt mụn nhận nhiều phản đối từ các chuyên gia da liễu. Ảnh: @cb.nofilter, @anna.antonje. |
Bên cạnh việc bổ sung tỏi vào chế độ ăn, bà English cũng khuyên người bị mụn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, glycemic, Omega-3, probiotic và kẽm để cải thiện tình trạng da.
"Mỗi người có một làn da khác nhau, không nên áp dụng một phương pháp điều trị chung cho tất cả. Hãy ưu tiên sử dụng các sản phẩm không gây mụn và xây dựng một quy trình chăm sóc da đơn giản, tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm cùng lúc có thể gây kích ứng", bác sĩ Bhate nói.
Đối với các trường hợp mụn viêm nhẹ, bác sĩ Idriss gợi ý sử dụng các axit tẩy tế bào chết.
"Các axit tẩy tế bào chết, đặc biệt là BHA như axit salicylic, giúp làm sạch bã nhờn dư thừa bên trong lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn mới hình thành. Benzoyl peroxide cũng là một lựa chọn tốt để giảm lượng vi khuẩn trên da", bà chia sẻ.
Ống hút "chống lão hóa" từng là trào lưu thịnh hành trên TikTok. Ảnh: @rachelmadisoncarlisle. |
Bác sĩ Idriss cũng chia sẻ thêm về việc retinol và retinal hỗ trợ điều chỉnh quá trình tái tạo tế bào da. Đối với những nốt mụn lớn, sưng viêm, miếng dán hydrocolloid có thể giúp giảm viêm nhanh chóng, tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp lâu dài.
Josie O'Brien, Giám đốc nghiên cứu tiêu dùng về sức khỏe và sắc đẹp của công ty phân tích người tiêu dùng Kantar, cho biết TikTok chứa hàng triệu video về chủ đề chăm sóc da, theo The Guardian. Tuy nhiền, nhiều trong số đó thiếu cơ sở khoa học, có thể gây hại đến làn da và sức khỏe người dùng nếu thực hiện sai cách.
Một trong những trào lưu mới đây thu hút giới trẻ Mỹ là sử dụng ống hút được quảng cáo là có khả năng "chống lão hóa". Tuy nhiên, bác sĩ Ross Perry, Giám đốc Y tế hệ thống phòng khám da liễu Cosmedics (Anh), cho rằng đây chỉ là chiêu trò marketing.
Ông giải thích việc mím môi và hút liên tục qua ống hút có thể góp phần tạo thành các nếp nhăn nhỏ quanh miệng, vốn là vùng dễ xuất hiện dấu hiệu lão hóa sớm. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh loại ống hút đặc biệt này có tác dụng chống lão hóa như quảng cáo.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.