Châu Âu hứng chịu đợt bão tuyết kỷ lục khi mới bước vào tháng 12, trái ngược với thời tiết ấm áp và không có tuyết bất thường vào cùng thời điểm năm ngoái.
Theo Washington Post, trận bão tuyết vào cuối tuần trước ở Munich - thành phố lớn thứ ba của Đức - là trận bão tuyết lớn nhất tại đây kể từ đầu tháng 3/2006. Lượng tuyết dày lên đến 1,5 m.
Sân bay Munich lần đầu tiên đóng cửa vào ngày 2/12 vì tuyết phủ kín đường băng và máy bay. Hôm 4/12, hơn 80% trong số 771 chuyến bay bị hủy. Cùng ngày, Sở Cảnh sát thành phố Munich khuyến nghị người dân không nên sử dụng ôtô đi lại nếu không cần thiết, tờ Euronews đưa tin.
Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng lớn tới cư dân và cả các du khách. Cặp đôi Nam Thái - Bích Ngọc (33 tuổi) cũng đối mặt nhiều tình huống dở khóc dở cười khi lần đầu chứng kiến cảnh tượng thiên nhiên này ở Đức.
Theo Nam Thái, ban đầu, Munich là một trong số điểm dừng chân trên hành trình kéo dài 3 tuần của cặp đôi, khám phá các khu chợ Giáng sinh nổi tiếng tại châu Âu. Tuy nhiên, bão tuyết bất ngờ ập đến, chuyến đi không suôn sẻ như mong đợi.
Tiến thoái lưỡng nan
Khi tuyết rơi cường độ dày đặc tại thủ phủ bang Bayern (Đức) cũng là lúc cặp đôi đang trên đường về đến khách sạn. Cảnh quan hai bên đường có phần hỗn độn. Dù từng chứng kiến một đợt bão tuyết tại Iceland, Nam Thái vẫn hơi rùng mình, thậm chí là khó chịu với cường độ gió khá mạnh, cuốn theo tuyết che lấp tầm nhìn.
“Các phương tiện di chuyển rất khó khăn, tất cả đều đi chậm lại. Lần đầu tiên tôi thấy tuyết rơi dày, phủ trắng xóa cả một vùng như vậy”, anh Thái chia sẻ với Znews.
Anh Thái cho biết thời điểm anh có mặt tại Munich, thời tiết dần chuyển biến xấu, mọi giao thông tê liệt, phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa và xe buýt đều bị hoãn. Hàng quán cũng tạm đóng cửa.
Tuyết dày khiến sân bay, phương tiện công cộng ngưng trệ. Ảnh: NVCC/ @MUC_Airport. |
Khó khăn chỉ mới bắt đầu.
Chỉ sau một đêm, anh Thái ngỡ ngàng khi tuyết đã phủ kín xe, hàng loạt xe nằm “bất động”, mặt đường đóng băng, có chỗ tuyết dày gần 1 m. Giao thông gần như tê liệt toàn bộ cộng thêm cái rét của trời đông khiến hoạt động có phần “bế tắc”, lui cũng không được mà tiến cũng chẳng xong.
“Hôm sau khi tôi tới Munich, thời tiết xuống tới -12 độ C. Dù sử dụng lốp xe ôtô mùa đông, tôi vẫn phải nhờ hai thanh niên lực lưỡng của nước bạn hỗ trợ, hì hục đẩy rồi kéo, đào bới, xe mới ra tới đường”, anh Thái bộc bạch.
Tương tự, Trần Nhung (28 tuổi) cũng cảm thấy năm nay thời tiết ở Munich lạnh sớm hơn mọi năm.
"Sinh sống và làm việc ở Munich gần 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tuyết rơi dày như năm nay. Mặt đường hệt như cục đá đông lạnh. Trước đây, tháng 1-2 mới là thời điểm lạnh nhất ở Đức, nhưng năm nay chưa hết năm đã âm độ. Vì sức đề kháng yếu nên tôi hạn chế ra khỏi nhà", chị Nhung tâm sự.
Lúc tuyết còn bám trên đường, chưa có công nhân dọn, đường “rất” trơn trượt, gây khó khăn trong việc di chuyển, phanh xe gần như mất tác dụng. Anh Thái luống cuống, suýt không giữ được tay lái.
Khó khăn chồng chất, song cả Nam Thái và Bích Ngọc cũng không từ bỏ kế hoạch. Trong ảnh, chị Bích Ngọc check-in với lớp tuyết dày tại Munich, Đức. Ảnh: NVCC. |
Anh kể lại rằng hồi bão tuyết ở Iceland anh dùng xe ôtô hai cầu, lốp đinh, việc di chuyển có phần an toàn hơn. Ở Munich, anh đi lại bằng xe nhà, một cầu trước và chỉ là lốp mùa đông thông thường, nếu sơ suất, tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, lịch trình dự tính ban đầu của cặp đôi cũng bị ảnh hưởng. Do lượng tuyết rơi dày đặc bất thường, một số khu chợ Giáng sinh tại đây cũng đóng cửa. Nam Thái buộc phải thay đổi điểm dừng chân, ghé thành phố khác để tiếp tục hành trình.
Khó khăn chồng chất, song cả Nam Thái và Bích Ngọc cũng không từ bỏ kế hoạch. Nam Thái cho biết cả hai thuộc nhóm người thích du lịch chậm, thong thả du ngoạn, sống và du lịch là một nên có khó khăn cũng chậm rãi tận hưởng.
Bài học “xương máu”
Đặt chân đến Munich vào trời đông giá rét, bão tuyết ập đến bất ngờ, cặp đôi chưa chuẩn bị phương án ứng phó nên tình huống “éo le” xảy đến không ít.
“Lúc bánh xe lên được tới mặt đường, vợ chồng tôi phải ngồi phơi nắng 30 phút hơn thì tuyết mới tan. Chưa hết, khi lái xe trên cao tốc, các xe khác chạy nhanh, tuyết bắn tứ tung vào kính xe, hệt như bị ai đó tát vào mặt, dễ giật mình, nếu giữ bình tĩnh không tốt, khả năng chao đảo tay lái gây tai nạn là rất cao”, Nam Thái trải lòng.
Do lượng tuyết dày, người dân đi bộ là chủ yếu. Ảnh: NVCC. |
Theo Nam Thái, một trong những kỹ năng cần thiết giúp cặp đôi vượt qua giai đoạn mắc kẹt giữa bão tuyết Munich là khống chế cảm xúc. Du khách phải thật bình tĩnh trong trường hợp lái xe trong bão.
Đồng quan điểm, Tú Nguyễn (35 tuổi) cho biết lái xe vào thời tiết cực đoan khá nguy hiểm. Dù không trải qua trận tuyết kỷ lục ở Munich nhưng với 2 năm kinh nghiệm sống với cái lạnh ở Nga, anh Tú nhận định nếu không có việc cấp bách, du khách tốt nhất không nên lái xe, nguy cơ gặp vấn đề không may "khá cao".
Về cơ bản, giữ vững tay lái là quan trọng, song người cầm lái cũng phải kết hợp một số kiến thức sinh tồn. Đường tuyết trơn, người điều khiển xe nên hạn chế sử dụng phanh, điều tiết tốc độ, đặc biệt phải luôn giữ ấm cơ thể và đừng quên chuẩn bị xăng nếu du khách quyết định di chuyển bằng ôtô.
“Mỗi ngày di chuyển trên đường phố Munich tôi đều thấy vài chiếc xe chết máy trên đường, gây tắc nghẽn hàng chục km”, Nam Thái giải thích.
Thêm nữa, nếu có ý định du lịch tại các địa điểm ở châu Âu dịp cuối năm, du khách nên xem dự báo thời tiết trước khoảng 10 ngày, tính trước kế hoạch dự phòng trong điều kiện thời tiết cực đoan. Nam Thái chia sẻ thêm một số điểm đến tại châu Âu dẫu lạnh, vẫn không lạnh bằng các khu vực gần cực Bắc, không vì vậy mà du khách ngó lơ, nhiệt độ có thể xuống bất cứ lúc nào, việc chuẩn bị quần áo ấm luôn cần thiết.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.