Có sự khác nhau về quy định vứt rác nơi công cộng giữa các nước, tuy nhiên chúng đều có một điểm chung là người dân cần có ý thức về vệ sinh và giữ gìn cảnh quan công cộng. Dưới đây là một số kinh nghiệm về vứt rác nơi công cộng khi đi du lịch nước ngoài do Xinhuanet.com tổng hợp.
Việc phân loại rác được rất nhiều quốc gia chú trọng. |
Nhật Bản
Trên đường phố, trong công viên hay ở những nơi công cộng khác ở Nhật không hề có thùng rác. Không những thế, việc vứt rác ở Nhật có quy định nghiêm ngặt về phân loại. Người Nhật có ý thức rất tốt về việc phân loại rác. Đi trên đường cần vứt rác, sau khi phân loại cẩn thận, họ sẽ tìm cửa hàng hoặc hàng ăn có thùng rác để vứt, hoặc là mang về thùng rác ở nhà. Nhiều du khách có chung một cảm nhận, đường phố Nhật sạch đến nỗi không nỡ vứt rác lung tung.
Singapore
Một trong những thói quen sinh hoạt của người Singapore là không vừa đi vừa ăn uống. Đối với họ, trừ nơi ăn uống, những nơi công cộng khác đều không sản sinh ra rác. Cho nên, chỉ có những nơi như cửa hàng ăn, điểm vui chơi giải trí, sân bay,... thì mới có thùng rác.
Trên thực tế, rất may là ngoài những nơi trên, trên đường phố, cạnh đèn giao thông và bến xe buýt thường vẫn có thùng rác. Nhưng trong trạm điện ngầm, trong xe điện ngầm và trên xe buýt đều không có chỗ để vứt rác. Tất cả những người vi phạm đều bị phạt rất nặng.
Hàn Quốc
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã ngừng đặt các thùng rác công cộng trên đường phố. Nếu bạn mua đồ ở hàng rong thì gửi rác lại nhờ họ vứt, còn nếu đang đi đường trên tay bạn có rác thì hãy cố gắng đợi đến chỗ nào vứt được.
Các nước Âu Mỹ
Hầu hết các nước Âu Mỹ đều có thùng rác nơi công cộng.
Anh: Nơi công cộng có thùng rác, nhưng không nhiều. Thường thì trên đường phố, trong hàng ăn và trước cửa siêu thị đều có chỗ vứt rác. Ngoài ra, đối với một số nơi thường hay có đông người tới chơi, như quảng trường, cũng có đặt thùng rác công cộng.
Pháp: Thùng rác công cộng ở Pháp thì nhiều, gần như cứ cách 100m lại có. Thùng rác được thiết kế dạng túi nilon để đảm bảo an toàn nơi công cộng và tránh khủng bố. Pháp cũng quy định bắt buộc phải phân loại rác: sinh hoạt, xây dựng, đồ thủy tinh, giấy, nhựa,...
Các gia đình có thùng rác sinh hoạt và phải sử dụng loại thùng to có bốn bánh, có nắp theo quy định chung. Hằng ngày mang rác sinh hoạt ra nơi quy định đầu phố. Các loại rác khác phải mang đến các trạm thu hồi. Đối với các thứ không dùng đến khác như quần áo cũ, đồ điện cũ, người Pháp có thói quen đóng gói sạch sẽ, để ở một chỗ tương đối bắt mắt trên đường, ai cần dùng thì chủ động xách mang về.
Mỹ: Trên đường phố Mỹ, thùng rác công cộng chia làm hai loại: có phân loại, và không phân loại. Cạnh siêu thị thường có trạm thu hồi rác thải như chai lọ hoặc các loại rác khác. Chai lọ tích trữ một thời gian xong có thể mang tới và cho vào máy thu hồi, sẽ được trả chút tiền.
Còn ở khu dân cư, lấy Los Angeles làm ví dụ, thùng rác công cộng có 3 loại: rác tái sử dụng, rác lá cây hoặc thực vật thu dọn từ vườn hoa, và rác sinh hoạt. Các loại thùng rác có màu sắc khác nhau để dễ phân biệt, trên thùng rác cũng có mô tả bằng chữ và hình ảnh về loại rác cần vứt. Còn rác riêng của gia đình thì có khu riêng đặt các loại thùng rác to của các gia đình, mỗi tuần có nhân viên thu dọn một lần. Rác phải để trong túi, đóng miệng cẩn thận, không được để chảy nước bẩn hoặc bốc mùi.