Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều bạn trẻ đi theo nhóm gia đình từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đã vượt sông Hậu sang huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) để khám phá du lịch sinh thái miệt vườn.
Các nhóm thanh niên thường mang theo bóng để chơi thể thao ở bãi bồi rộng hơn 800 ha nơi cuối nguồn sông Hậu. Bãi bồi này chạy dài khoảng 10 km, nằm giữa cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) và cửa biển Định An (Trà Vinh).
Trải nghiệm trên bãi bồi hơn 800 ha
Ngày 19/3, tàu du lịch của chị Kim Anh (38 tuổi, ngụ xã An Thạnh Nam, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đón nhóm khách đến từ TP Sóc Trăng theo lịch hẹn một tuần trước. Như thường lệ, tàu rời bến trước UBND xã rồi chạy dọc theo sông Hậu để ra bãi bồi ven cửa biển sông Hậu.
Tại đây, du khách được cào nghêu, bắt ốc cà na và đá bóng trên bãi cát khi triều cường chưa dâng cao. Một số bạn trẻ chia nhóm kéo co, trẻ em thỏa thích tắm biển.
Du khách cột chân đá bóng trên bãi bồi ở cù lao giữa sông Hậu. Ảnh: Nhật Tân. |
Gần 11h cùng ngày, bãi bồi mất dần khi nước lớn cũng là lúc tàu du lịch nhổ neo. Trên đường về, khách được ngắm nhìn những đàn khỉ, chim, cò ven rừng phòng hộ và thưởng thức các món ăn ngon như tôm càng hấp nước dừa, nghêu hấp, cá ngát nấu canh chua nước cốt bần và lá quế.
Chị Kim Anh cho biết hơn 2 năm trước, bạn bè ở Cần Thơ, TP.HCM, Cà Mau đến chơi thường được vợ chồng chị dùng vỏ lãi (giống xuồng máy) chở ra sông Hậu câu cá ngát. Khi bắt được cá, mọi người phải quay vỏ lãi về xã để nấu ăn nên họ gợi ý vợ chồng chị Kim Anh đầu tư thuyền du lịch.
Thuyền du lịch sinh thái biển của chị Kim Anh sau đó liên tục đón du khách tham gia trải nghiệm. Tùy theo lượng khách, chủ tàu thu mỗi người 260.000-300.000 đồng, bao gồm chi phí tắm nước ngọt, nước lọc để uống và thức ăn trên suốt hành trình.
Thức ăn được chị Kim Anh phục vụ khách trên thuyền du lịch. Ảnh: Việt Tường. |
“Trước khi xảy ra dịch Covid-19, du khách còn tham gia đua vỏ lãi trên bãi bồi khi nước vừa rút. Nếu khách có nhu cầu đón từ cảng Trần Đề, chúng tôi sẽ cho thuyền vượt sông Hậu sang đất liền rước miễn phí”, chị Kim Anh chia sẻ.
Nhiều điểm check-in lý tưởng
Những du khách đi chơi trọn vẹn 2 ngày cuối tuần ở huyện Cù Lao Dung thường xếp lịch ăn sáng tại quán Cô Hai tại thị trấn cùng tên. Ở đây, khách có thể đặt phòng tại các homestay vừa được xây mới, check-in trong các gian phòng nước giải khát được trưng bày nhiều hiện vật sinh hoạt gia đình của người dân Nam Bộ trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Sau khi thưởng ngoạn trên thuyền du lịch, các đoàn du khách đến xã An Thạnh Ba để ăn cua, cá thòi lòi nướng trong rừng đước ven biển. Ở đây có một đàn khỉ sống trong rừng nhưng rất thân thiện với con người. Khi du khách ăn uống, đàn khỉ thường xuất hiện và làm trò để được cho thức ăn.
Ông Trương Văn Dũng (47 tuổi, ngụ ấp An Qưới, xã An Thạnh Ba) cho biết năm 1998, gia đình được chính quyền địa phương giao một ha đất ven biển để trồng rừng. Cũng như hàng trăm người được giao đất bãi bồi ven biển, cánh rừng phòng hộ của mỗi hộ từ một ha ban đầu đã sinh sôi, phát triển rộng thêm 3-5 ha.
“Nhờ cánh rừng phòng hộ này mà chúng tôi khai thác được nhiều nguồn lợi thủy sản để phục vụ khách du lịch sinh thái. Chúng tôi vừa chăm sóc, bảo vệ rừng vừa bắt cá, cua, tôm… dưới tán rừng ngập mặn”, ông Dũng chia sẻ.
Đàn khỉ trong rừng phòng hộ ra ngoài chơi khi thấy du khách đến điểm du lịch sinh thái. Ảnh: Nhật Tân. |
Trao đổi với Zing, ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, cho biết địa phương còn có nhiều điểm du lịch sinh thái khác như Sân Tiên, Long Ẩn, vườn nho… Tại các điểm du lịch này, du khách lưu trú trong các homestay, thưởng thức các món ăn dân dã và tham gia trải nghiệm trồng rau, hái trái cây… cùng người dân sở tại.
Theo ông Nguyên, địa phương đã có kế hoạch phát triển Cù Lao Dung thành huyện du lịch. Vì vậy, Huyện ủy sẽ có nghị quyết về du lịch để xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng và liên vùng.
“Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch tại Cù Lao Dung. Huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn”, ông Lê Trọng Nguyên chia sẻ.