Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Đứa em bất đắc dĩ

Ba mẹ tôi đã xem Đen như một thành viên trong gia đình.

thanh vien moi trong gia dinh,  nuoi thu cung anh 1

Ba mẹ tôi đã xem Đen như một thành viên trong gia đình.

thanh vien moi trong gia dinh,  nuoi thu cung anh 2thanh vien moi trong gia dinh,  nuoi thu cung anh 3

Minh họa: Hina

“Nè nè, chào em đi con”

Dạo gần đây, cuộc gọi video call với ba mẹ tôi luôn bắt đầu theo cách như vậy. Có điều, “đứa em” mà tôi phải chào qua màn hình điện thoại không phải là thằng em trai đang ở Sài Gòn, mà là chú cún mà tôi đã tặng ba mẹ năm ngoái, khi đợt dịch đầu tiên vừa tạm lắng.

Thời điểm đó, cả nước vừa hoàn thành xong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Ngay lập tức, tôi tranh thủ về thăm nhà, sẵn tiện thực hiện luôn cái ý định đã nung nấu từ lâu: Tặng ba mẹ một chú cún nuôi cho vui cửa vui nhà.

Không ngoài dự đoán của tôi, ba mẹ đùng đùng phản đối. Đủ thứ lý do đã được đưa ra, nào là nhà dơ, không ai lo cho nó, tiền ăn cho người còn không có lấy đâu ra dành để nuôi chó,...

Tôi vốn dĩ đã lường trước được những phản ứng này, vì trước giờ ba mẹ tôi luôn cho rằng nuôi thú cưng là chuyện tầm phào, mất thời gian mà lại còn tốn kém. Vì thế, tôi kiên trì, tận dụng thời gian ở nhà để thuyết phục ba mẹ, trước mắt là đồng ý để nó ở nhà, xem như nuôi giùm tôi.

Cũng may, chú cún quấn người và khá ngoan, cứ thấy ba mẹ tôi đi đâu là nó lẽo đẽo theo sau. Chắc nó cũng tự biết thân biết phận vì sau khi được tôi nhận nuôi từ trạm cứu hộ động vật, thì đây gần như là lần đầu tiên nó thực sự có một gia đình.

Trước khi lên xe về lại Sài Gòn, tôi nói với ba mẹ một câu: “Nếu ba mẹ từ chối nuôi, thì coi như nó sẽ lại thành chó hoang, không ai chăm sóc”. Không biết vì câu nói của tôi hay vì sự dễ thương của chú cún mà ba mẹ đã xiêu lòng, chấp nhận nuôi chú cún. Phù, mừng quá.

Vừa đến bến xe, bật điện thoại lên, tôi đã thấy tin nhắn ông bà khoe đặt tên cho nó là Đen. Thực ra ban đầu, tôi muốn gọi nó là Milu cho “tây tây”, nhưng nhớ lại bộ lông đen tuyền phủ từ đầu đến chân, phải nhìn kĩ lắm mới thấy cái mũi ươn ướt và đôi mắt sáng rực thì tôi thấy cái tên ba mẹ đặt là hợp lý.

Với lại, đây có thể xem là một thành công khi ba mẹ dường như đã chấp nhận nó. Vì nếu không thương, ai lại đặt tên cho nó làm gì? Đều đặn mỗi ngày, tôi đều nhận được mấy tin nhắn kèm hình ảnh từ ba hoặc mẹ, khoe con Đen đang chơi nè, con Đen đang đi theo mẹ con tập thể dục nè, con Đen ăn no bụng căng tròn nè.

Tự nhiên tôi thấy giống như vừa có thêm một đứa em nhỏ trong nhà, đang nhận hết tình thương từ ba mẹ luôn vậy. Mà quả thật, ba mẹ tôi đã coi con Đen như con luôn rồi.

Mấy lần gọi video call về nhà, tôi đều phải chào “đứa em” này. Cuộc nói chuyện của tôi với ba mẹ không còn chỉ quẩn quanh mấy chuyện sức khỏe, ăn uống nữa, mà còn là chuyện về con Đen. Nó ăn gì, có khỏe không, chích ngừa như thế nào, tôi đều được ba mẹ kể rõ ngọn ngành.

Đặc biệt, từ khi con Đen xuất hiện trong gia đình, tôi thấy ba mẹ vui vẻ hơn rất nhiều. Từ khi lần lượt tôi rồi đến thằng em chọn Sài Gòn làm nơi học tập và lập nghiệp, ngôi nhà nhỏ dưới quê chỉ còn hai ông bà nương tựa nhau mà sống.

Lắm lúc gọi điện thoại nói chuyện mà tôi thấy chút ngập ngừng trong câu nói của mẹ, như thể muốn kêu mấy đứa con về quê mà làm ăn sinh sống, để được gần gũi cha mẹ tuổi xế chiều.

Giờ đây, con Đen xuất hiện như một đứa con nhỏ, làm không khí gia đình rộn ràng hơn hẳn. Hai ông bà cũng có thêm niềm vui để an ủi tuổi già, làm tôi cũng phần nào bớt nặng lòng vì phải kiếm sống nơi xứ người.

Bữa giờ dưới quê của tôi cũng thực hiện giãn cách xã hội vì phát hiện nhiều ca dương tính, nên ngày này qua ngày khác, ba mẹ tôi chỉ loanh quanh trong nhà. May nhờ có con Đen sống cùng nên ông bà cũng đỡ buồn, tâm trạng cũng vì vậy mà không bị chùng xuống theo cơn đại dịch.

Với nhiều người, một con chó hay một con mèo có thể chỉ là thú vật, tuy nhiên với những người đã và đang nuôi nấng một thú cưng trong nhà, chúng như những người bạn, người thân trong gia đình.

Ba mẹ tôi cũng thế, nhờ Đen mà có thêm nguồn vui, an ủi, động viên, nhất là khi anh em chúng tôi chỉ có thể thể hiện sự quan tâm qua những cuộc điện thoại như lúc này.

Quý độc giả có thể gửi bài đến mục Love của tòa soạn LifeStyle theo địa chỉ lifestyle@zing.vn. Bài viết được chọn đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế tòa soạn.

Độc giả Phúc Hậu

Minh họa: Hina

Bạn có thể quan tâm