Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ vì áp lực học Tiếng Việt 1’

Cô Nguyễn Tuyền (giáo viên lớp 1 ở Hà Nội) cho rằng việc thay đổi nội dung chương trình Tiếng Việt 1 khiến cô trò gặp khó khăn.

Sách giáo khoa mới Tiếng Việt 1 nâng cao hơn so với chương trình cũ. Ví dụ, học sinh phải đọc đoạn văn khá sớm, viết từ, câu dài trong những bài đầu của chương trình. Điều này khiến trẻ chưa nắm chắc nét chữ gặp trở ngại lớn.

Nhiều giáo viên, gia đình gặp áp lực khi dạy con. Tôi mong phụ huynh đừng bắt trẻ phải đạt tiêu chí người lớn đề ra mà quên xét lứa tuổi của con. Người lớn hãy cho con được sống với tuổi thơ nhưng đừng bỏ mặc trẻ.

chuong trinh lop 1 anh 1
Chương trình sách giáo khoa lớp 1 khiến nhiều học sinh gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Cô, trò bỡ ngỡ

Chương trình sách giáo khoa mới lớp 1 có nhiều điều mới mẻ, được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, hình thức. Các hoạt động trải nghiệm được lồng ghép tạo nhiều hứng thú cho học sinh.

Tuy nhiên, việc thay đổi khối lượng nội dung, những yêu cầu cần đạt cũng gây khó khăn, bỡ ngỡ cho cả cô và trò.

Thứ nhất, có nhiều đầu sách giáo khoa, vở bài tập, khiến học trò khó sử dụng trong một tiết học. Ví dụ, các con đang học nội dung mới ở sách giáo khoa, rồi chuyển làm vở bài tập, ngay sau đó lại chuyển về sách giáo khoa.

Hoạt động này lặp lại nhiều lần trong một tiết, gây mất thời gian và khó khăn đối với học sinh từ mầm non chuẩn bị lên lớp 1, chưa quen nề nếp học tập.

Thứ hai, nội dung kiến thức cần đạt được nâng lên khá nhiều so với chương trình cũ.

Ví dụ, về kỹ năng đọc, trước đây, thời gian đầu, học sinh lớp 1 được luyện các âm, từ khá nhiều, kết hợp với một câu ứng dụng ngắn. Chương trình mới đòi hỏi trẻ phải đọc đoạn văn ngắn từ sớm. Điều này gây khó cho những em đọc chậm.

Về kỹ năng viết, ở chương trình cũ, trẻ được luyện con chữ trong thời gian đầu. Nhưng sách giáo khoa mới lại yêu cầu các con viết từ, câu khá dài trong quãng thời gian đầu của lớp 1. Điều này gây trở ngại lớn cho những con chưa nắm chắc các nét chữ.

Vì thế, chúng tôi phải lên danh sách những bạn có kỹ năng viết kém để kèm riêng. Đồng thời, chúng tôi nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ giúp các con ôn bài tại nhà sau mỗi tiết học.

Chúng tôi gửi phiếu nhắc hàng ngày, tuần qua nhóm chat để phụ huynh nắm bắt. Nếu không có cha mẹ hỗ trợ tại nhà, một số bạn học chậm sẽ khó theo kịp chương trình.

Bộ GD&ĐT quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng không có nghĩa là dừng việc học của trẻ tại nhà. Chúng tôi vẫn chia sẻ với phụ huynh nên dành 30 phút/ngày để giúp con ôn bài và chuẩn bị bài mới.

Ví dụ, bố mẹ kèm con luyện đọc, luyện viết những bài/chữ đã được học trên lớp, vừa giúp ôn tập, vừa rèn tính tự học cho trẻ.

chuong trinh lop 1 anh 2

Cha mẹ không nên ép trẻ biết chữ trước khi vào lớp 1. Ảnh: Ngọc Minh.

Không ủng hộ việc ép học sinh biết chữ trước lớp 1

Rất nhiều phụ huynh cho con học chữ trước khi lên lớp 1. Tôi không ủng hộ việc này. Nhiều cha mẹ đang lầm tưởng việc trẻ "thuộc bảng chữ cái" với việc "đọc thông viết thạo" ở lứa tuổi tiền tiểu học.

Cha mẹ cho rằng, điều này sẽ giúp các con tiếp thu nhanh hơn khi vào lớp 1. Tôi lại không cho rằng như vậy là đúng.

Bản thân phụ huynh đó sẽ cảm thấy áp lực nếu yêu cầu con mình phải đọc thông viết thạo khi mới có 5 tuổi.

Chương trình mới nâng cao hơn nhưng theo tôi cũng không thực sự cần thiết.

Một đứa trẻ 5 tuổi chỉ nên thuộc bảng chữ cái hoặc ghép được các tiếng có vần là một âm là được. Đến khi lên lớp 1, con không gặp khó khăn khi ghép vần. Con sẽ nhẩm vần và đọc trơn nhanh hơn so với một học sinh chưa thuộc bảng chữ cái.

Theo kinh nghiệm thực tế của giáo viên, việc giảng dạy một học sinh đã đọc thông viết thạo cũng không nhàn hơn.

Nhiều học trò của tôi không được học chữ trước, chỉ thuộc bảng chữ cái. Nhưng nhờ sự chăm chỉ, kỹ năng đọc của con không kém bạn đã biết đọc, thậm chí tốt hơn và dễ uốn nắn hơn.

Kỹ năng đọc của trẻ cần được trau dồi hàng ngày mới có thể duy trì và phát triển. Nếu trẻ biết đọc trước chủ quan, không rèn luyện, có thể bị thụt lùi.

Một học sinh của tôi, buổi đầu tiên chưa xác định được dòng kẻ ô ly, các chữ viết lơ lửng giữa không trung. Sau 2 tuần được cô và bố mẹ hướng dẫn, kèm cặp, con đã viết rất đẹp.

Một lý do khác tôi không ủng hộ việc luyện viết chữ trước lớp 1 vì xương tay của trẻ 5 tuổi chưa phát triển hoàn thiện. Việc ép đôi tay trẻ vào việc cầm bút sẽ không có lợi, đồng thời tạo áp lực, khiến trẻ mất hứng thú đến trường.

Tôi kiến nghị, Bộ GD&ĐT có thể đưa việc nhận biết ô ly, dòng kẻ vào mầm non. Các giáo viên có thể hướng dẫn trẻ cầm bút đúng, quan sát dòng kẻ, nét chữ, nhưng không bắt trẻ phải học viết.

Khi kết thúc mầm non, các con có thể tập tô nét chữ cơ bản để làm quen với việc học chữ, viết chữ.

Để trẻ hứng thú với việc học, và các bậc phụ huynh khỏi “đau đầu” trong việc kèm học tại nhà, tôi cho rằng phải thường xuyên động viên, không gây áp lực.

Có những cha mẹ vì quá kỳ vọng nên mắng con dù bé đã viết rất đẹp. Ở lớp tôi, có bạn đứng lên gồng hai tay và hô to: “Con viết được một nét khuyết đẹp quá cô ơi”, “Con cảm thấy như đang mơ”.

Tôi thường khen, động viên trẻ khi con làm tốt, tiến bộ từng ngày. Những điều đơn giản đó khiến đứa trẻ cảm thấy hào hứng.

Bạn có ý kiến gì về chủ đề Dạy Tiếng Việt 1 cho trẻ? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.

Vợ chồng cãi nhau vì dạy con học lớp 1

Lúc kèm con học, tôi không mắng, con không chịu viết, mà mắng thì con khóc rồi tôi cũng khóc. Vợ chồng cãi nhau về việc học của con.

Nguyễn Tuyền

Bạn có thể quan tâm