Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ép học nhanh chương trình Tiếng Việt 1 khiến trẻ dễ quên kiến thức'

TS Vũ Thu Hương cho rằng dạy Tiếng Việt cho trẻ lớp 1 không dễ và cần có biện pháp, tránh gây quá tải cho học sinh.

Từ khi chúng ta có giáo dục phổ thông, việc học đánh vần thường gói gọn trong lớp 1. Nghĩa là hết lớp 1, các con phải biết đọc thông viết thạo.

Dù chúng ta dạy theo phương án nào, hết lớp 1, phần lớn học sinh thuộc hết các mặt chữ cái, nhớ nguyên tắc đánh vần.

Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nhưng quy tắc đánh vần, đọc không hề đơn giản. Tình trạng người lớn viết sai chính tả còn phổ biến cho thấy nguyên tắc học vần khó và không dễ nhớ. Vì thế, suy nghĩ học tiếng mẹ đẻ, trẻ đã biết nói nên có thể đẩy nhanh tiến độ học nhận biết, viết chữ là không ổn.

Việc dạy học vần và chính tả cho học sinh lớp 1 không phù hợp dẫn đến tình trạng sai chính tả phổ biến. Nếu đẩy nhanh tiến độ học nhận biết và viết chữ, học sinh sẽ học trước quên sau, ghi nhớ quy tắc lơ mơ, dễ sai chính tả.

Đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới với 5 bộ sách giáo khoa, cách tiếp cận và phương án dạy học khác nhau.

Sau gần một tháng, nhiều phụ huynh lo lắng, căng thẳng. Nguyên nhân lớn nhất nằm ở môn Tiếng Việt với các bộ sách cùng kiểu dạy khác nhau của giáo viên.

Day nhanh tien do hoc Tieng Viet anh 1
Với một số sách, học sinh phải học đến 4 vần trong một buổi. Ảnh: N.T.

Vấn đề ở cách dạy của giáo viên

2020 là năm đầu tiên việc tổ chức dạy học trong lớp được giao toàn quyền cho giáo viên. Nếu trước nay, theo chương trình cũ, các bài học giống hệt nhau trên toàn quốc và được bố trí theo từng tuần thì năm nay, chương trình mới, tốc độ, phương pháp học, cách thức tiếp cận bài học đều do giáo viên tự thu xếp và quyết định.

Giáo viên dạy từ từ sẽ dành tuần đầu tiên để giúp học sinh tập viết các nét cơ bản, ôn lại bảng chữ cái và chấn chỉnh tư thế. Sau đó, họ dạy một tuần 2 vần. Thậm chí, thấy học sinh của mình kém, giáo viên chấp nhận dạy chậm hẳn lại để các con theo kịp.

Việc dạy học vần và chính tả cho học sinh lớp 1 không phù hợp dẫn đến tình trạng sai chính tả phổ biến. Nếu đẩy nhanh tiến độ học nhận biết và viết chữ, học sinh sẽ học trước quên sau, ghi nhớ quy tắc lơ mơ, dễ sai chính tả.

TS Vũ Thu Hương

Giáo viên khác lại dạy tất cả vần rồi mới cho học sinh ghép lại. Điều này đôi khi gây khó khăn cho trẻ khi các con chưa thực sự nhớ hết ngay được.

Nhiều giáo viên hiểu về các bộ sách theo cách máy móc. Họ dạy mỗi ngày 1-2 trang theo quy tắc của sách giáo khoa và chương trình cũ. Khi áp dụng vào sách mới, tốc độ trở nên quá tải.

Không ít thầy, cô dạy học sinh ghép vần luôn và yêu cầu trẻ đọc trơn, viết trơn luôn. Điều này khiến phụ huynh lo lắng, sợ con không theo kịp nên bố trí kèm con quá nhiều vào buổi tối, dẫn đến trẻ quá tải trong học tập.

Một số giáo viên còn gây sức ép cho phụ huynh bằng cách phê phán chương trình năm nay nặng, học vất vả, nếu không kèm con, con sẽ không theo kịp.

Day nhanh tien do hoc Tieng Viet anh 2

Về nhà, trẻ vẫn phải học nhiều. Ảnh: Linh Giang.

Trẻ phải học quá nhiều

Về phía phụ huynh, với quan niệm thương con quá đà, bảo bọc con trọn gói, nhiều người thường tự cảm thấy bài học khó, con mệt mỏi trong khi trẻ có thể tiếp thu.

Các phụ huynh có tâm lý đòi hỏi con phải viết đẹp, không bị cô giáo phê bình, đọc tốt, ghi nhớ chính xác, không được quên.

Với tâm lý này, áp lực họ dành cho con quá nặng nề. Nhiều bà mẹ chụp ảnh vở con để khoe trên các nhóm chat, mạng xã hội để nghe các mẹ khác phê phán hoặc khen con. Điều này đã gây ra áp lực tâm lý nặng nề cho chính bố mẹ và từ đó gián tiếp gây ra áp lực với các con.

Từ chính các lý do này, các phụ huynh đón con về kèm cặp, rèn con rất nhiều. Trong khi đó, trẻ mới vào học, chưa có nhiều kỹ năng, chưa quen cường độ học tập quá nặng ở trường đã phải nhồi nhét chữ vào các buổi tối.

Một số gia đình thậm chí dạy con đến tận 23h. Điều đó gây tâm lý chán nản, ghét học, phá phách, gây chuyện.

Nhiều trẻ đến lớp quậy phá, không nghe lời cô giáo, không nghe giảng, thiếu tập trung. Không những vậy, một số cháu bị kết tội oan là mắc chứng tăng động giảm chú ý trong khi thực chất con hoàn toàn khỏe mạnh.

Rõ ràng, các vấn đề này cần phải được giải quyết dứt điểm. Với bộ sách có tốc độ học tập quá nặng, giáo viên nên được tập huấn kỹ hoặc có điều chỉnh kịp thời.

Cán bộ quản lý giáo dục cần kiểm tra, giám sát việc áp dụng chương trình, tránh tình trạng tăng tải học tập cho học sinh.

Phụ huynh cũng rất cần đến chương trình tập huấn để nắm cách giúp đỡ, giáo dục đạo đức cho con, giảm tải áp lực của chính họ và trẻ trong việc học tập.

Tóm lại, một chương trình cụ thể để giải quyết vấn đề tăng áp lực học tập của học sinh lớp 1 là điều bắt buộc chúng ta phải làm trong thời gian tới.

'Tôi căng thẳng dạy con học Tiếng Việt 1 đến 23h' Chị Linh Giang (Hà Nội) chia sẻ bài tập cô giáo giao nhiều, nếu con không hoàn thành đúng thời hạn, bố mẹ rất sốt ruột.

Trẻ lớp 1 ở TP.HCM khó học chương trình mới

Một tháng sau khi bước vào năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận học sinh lớp 1 trên địa bàn đang khó tiếp cận chương trình.

TS Vũ Thu Hương

Bạn có thể quan tâm