Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng đạo đức giả khi xem cảnh chặt đầu baba trên truyền hình

“Muốn trở thành đầu bếp chuyên nghiệp phải tự tay sơ chế rất nhiều nguyên liệu tươi sống khác nhau nên chỉ trích thí sinh nữ ác độc là quy chụp”, độc giả Phan Khang chia sẻ.

Master Chef được đánh giá là chương trình thực tế hấp dẫn dành cho những người mê nấu nướng. Người tham gia không chỉ bị thử thách bởi những đề bài bất ngờ, nguyên liệu khó mà còn cả khả năng làm việc theo nhóm.

Cuối tuần qua, Master Chef gây phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng bởi cảnh nữ đầu bếp chặt đầu ba ba. Rất đông khán giả tỏ ý không hài lòng, thậm chí tức giận khi hình ảnh mang tính bạo lực này lại được chiếu trên TV.

Dân mạng dậy sóng vì cảnh chặt đầu baba trên truyền hình

Đa số ý kiến đều cho rằng mang cảnh giết động vật dã man lên màn ảnh nhỏ là sai sót không hề nhỏ của những người thực hiện chương trình Vua đầu bếp năm nay.

Muốn thành đầu bếp chuyên nghiệp, cần biết xử lý động vật sống

Là người rất mê nấu nướng và có chút năng khiếu nấu ăn, nhưng chị Khang đã phải bỏ mơ ước trở thành đầu bếp chuyên nghiệp vì không đủ can đảm làm một con lươn, ếch còn sống.

Chị kể, cách đây 8 năm, chị xin học việc trong nhà hàng. Đến một ngày, chú yêu cầu chị phải sơ chế nguyên liệu sống là làm thịt lươn và ếch. Khi chị nhìn thấy 2 con vật đó cảm thấy “đời mình đi tong” vì chị chỉ mua nguyên liệu sống được người ta sơ chế sẵn.

“Tôi loay hoay mãi vẫn không dám đụng vào con lươn hay ếch, khi quyết tâm cầm vào con lươn, nó co mình quằn quại trong tay, tôi đã khóc thét lên và bỏ chạy một mạch về nhà. Tôi tự động viên mình nhiều lần nhưng cuối cùng đành từ bỏ vì muốn trở thành người nấu ăn ngon và giỏi, tôi phải tự tay làm rất nhiều loại con vật khác, như vậy thật nhẫn tâm, gớm ghiếc. Tôi biết chắc chắn nhiều người sẽ chửi tôi là đạo đức giả khi đọc những dòng này nhưng các bạn khoan bình luận vì tôi có lý do riêng”, chị bộc bạch.

Theo dõi chương trình Vua đầu bếp trên sóng VTV3 tập chiếu thứ 7 ngày 20/9, chị Khang thấy nữ thí sinh chặt đầu baba khiến dư luận dậy sóng là tàn nhẫn, ác độc… Thế nhưng, chị lại nghĩ điều này rất bình thường. Sơ xuất nằm ở người biên tập chương trình có thể không kỹ lưỡng khi chưa bỏ qua cảnh quay này vì nấu ăn là phải sơ chế nguyên liệu, lỗi này hoàn toàn có thể tha thứ được, không đáng phải chỉ trích họ nặng lời như vậy.

Chị thấy một bạn đọc độc giả nhận xét, ba ba gần giống rùa, đây là con vật linh thiêng của Việt Nam nên khi cảnh chặt đầu con vật này trên sóng truyền hình quốc gia khiến nhiều người xem phản cảm. Tuy nhiên, việc cho rằng chiếu một cảnh chặt đầu baba dẫn đến nhiều chuyện bạo lực trong xã hội như nữ sinh đánh nhau, cướp của, giết người… là quy chụp, bởi chị Khang nghĩ hành vi phạm tội của những người xấu và chế biến nguyên liệu tươi sống không liên quan đến nhau. 

Thí sinh chặt đầu baba khiến dư luận dậy sóng.
Thí sinh chặt đầu baba trên truyền hình khiến dư luận dậy sóng.

Cũng có một số người so sánh nữ thí sinh chặt đầu ba ba với đao phủ hành hình, và hình ảnh này khiến họ liên tưởng tới quỷ Sa tăng. Nhận xét về vấn đề này, bạn Khang cho rằng: “Nếu bạn liên tưởng đến quỷ, quỷ sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn. Vì sao không nghĩ sự việc đơn giản, tích cực hơn?”.

Khang nói, mỗi người Việt Nam từ ngày học mẫu giáo đến Đại học đều được dạy như thế nào là người tốt và xấu. Khi lên cấp 1 đã có môn Đạo đức, cấp 2, 3 vẫn có môn Giáo dục công dân, vào đại học lại có các môn học về tư tưởng gắn liền. Vì vậy, chị không đồng tình với những lời chỉ trích giết chết baba là ác độc, ghê sợ vì ai chẳng biết làm như thế nào là ác độc, như thế nào là lương thiện. Tuy nhiên, Vua đầu bếp là một cuộc thi, vì sao khi thí sinh sơ chế tôm hùm, cua, ghẹ, cá sống không ai lên tiếng? Phải chăng chúng không phải là động vật?

Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, Phan Khang thường xuyên thấy người trong làng làm thịt gà, vịt, trâu… khi nhà có đám giỗ, đám cưới. Hay khi chị xem các chương trình truyền hình của nước ngoài cũng thấy cảnh như vậy, không ai bị chửi mắng thậm tệ như ở Việt Nam.

“Những bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố sẽ không biết được heo, gà… ăn trong bữa cơm hàng ngày từ đâu. Vì vậy, tôi nghĩ ban biên tập chương trình Vua đầu bếp chỉ mắc lỗi nhỏ khi đưa cảnh làm thịt baba lên sóng. Mong một số ít bạn đọc khác không nên thể hiện đạo đức giả, góp gió thành bão để chỉ trích nữ thí sinh chặt đầu baba”, Khang nhấn mạnh.

Nên thể hiện sự tôn trọng với sự sống ngay cả khi sát sinh

Không phản đối việc phản ánh góc nhìn chân thực của nghề đầu bếp, nhưng theo một vài độc giả, cần hạn chế những hình ảnh quá tàn bạo, điển hình như việc chặt đầu ba ba. Trường hợp muốn đi vào chi tiết nhất, người biên tập nên khéo léo trong việc hướng khán giả tới tính nhân đạo trong việc giết mổ động vật.

Một độc giả tên anh Hùng phân tích: “Người ta thường chọc tiết heo bằng cách cho điện giật trước khi giết mổ để những con heo không còn kêu la trước khi chết. Những con bò trước khi ra được những miếng thịt tươi ngon phải bị một nhát búa vào giữa điểm yếu nhất trên đầu. Hay mỗi dịp lễ Tết, cúng bái ông bà, nhiều gia đình phải cắt cổ gà vịt… Nhưng có phải ai thấy cảnh đó rồi đều từ chối không ăn thịt heo, bò hay gà vịt không?”.

Đồng quan điểm, anh Sơn kể câu chuyện hành xử con anh đang học ngành y ở nước ngoài để mọi người có thể lựa chọn về cách giết một con vật. “Con tôi có bài học phải giết cừu để làm thí nghiệm, trước khi khai tử cho con vật bé nhỏ thầy cô giáo cũng dạy con rất kỹ về đạo đức nghề nghiệp của ngành y, khi giết con vật phải làm sao cho nó chết nhanh, không đau đớn… Đó là cả một bài giảng về cách hành xử với động vật trước khi thực hiện thí nghiệm. Vì vậy, tôi mong cảnh tượng giết chóc vừa qua sẽ không hiện ra trước mắt trẻ em và những người yêu động vật”, anh góp ý.

Nhật My (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm