Người bị chó cắn hoặc tiếp xúc với dịch tiết chó, mèo cần nhanh chóng tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Trong năm nay, Phú Yên đã có 2 trường hợp không qua khỏi do bệnh dại. Cả hai trường hợp này đều bị chó cắn mà không tiêm vaccine phòng dại.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Phú Yên, bệnh dại đang diễn biến phức tạp tại địa phương này. Vừa qua, tại huyện Tuy An, đã xảy ra trường hợp một con chó nghi dại cắn liên tiếp 6 người, trong đó có trẻ em.
Sau khi bị chó cắn, các trường hợp này tiêm huyết thanh kháng dại trễ do chủ quan. May mắn chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Dù vậy, trong trường hợp này, bất kỳ sự chậm trễ hay chủ quan nào cũng có thể trả giá bằng mạng sống.
Trường hợp chó nghi dại cắn người hàng loạt trên địa bàn tỉnh Phú Yên không còn hiếm và đã xảy ra ở nhiều địa phương như thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh dại, nếu người dân không biết cách xử lý sẽ còn nhiều trường hợp không qua khỏi do bệnh dại.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thân, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Phú Yên, cho biết dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi lên cơn dại thì khả năng không qua khỏi là gần 100%. Người bị nhiễm virus dại không có biện pháp nào để cứu sống.
Bác sĩ Thân cho hay: Không ít người khi bị chó cắn cho rằng chó nuôi trong nhà cắn thì không sao, hoặc vết cắn nhẹ, chỉ cần sát khuẩn vết cắn là được. Họ không đi tiêm vaccine phòng dại, không đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, nhiều trường hợp chủ quan đã trả giá bằng mạng sống.
Trong 7 tháng đầu năm nay, CDC Phú Yên ghi nhận 7.961 người tiêm vaccine phòng dại, trong đó có 482 người phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại.
Người dân tiêm vaccine phòng dại tại CDC Phú Yên. Ảnh: CDC Phú Yên. |
Tại Hội nghị phòng chống bệnh dại tại khu vực miền trung và Tây Nguyên năm 2024 vừa diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), các chuyên gia thú y và y tế cho hay tình hình bệnh dại đang trở nên phức tạp và nguy hiểm. Nguyên nhân là thiếu nhân lực cho công tác quản lý và tiêm vaccine cho đàn chó, mèo, chưa thống kê được tổng đàn chó, mèo trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận tiêm vaccine dại cho chó, mèo. Người dân có thói quen thả rông chó, mèo cũng làm số lượng người bị cắn tăng lên.
Đặc biệt, ý thức và sự hiểu biết của người dân về tiêm phòng dại cho chó, mèo còn kém và ít quan tâm. Người dân tin và tìm chữa thuốc dân gian sau khi bị chó cắn, cũng như chủ quan của người dân khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.
Theo ThS.BS Hoàng Tiến Thanh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Viện Pasteur Nha Trang: Ra đi do bệnh dại là mất mát lớn cho gia đình nạn nhân. Những vết thương do chó, mèo cắn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm thần của nạn nhân có thể suốt đời, làm mất đi cơ hội vui chơi giải trí, học tập, làm việc.
Theo CDC Phú Yên, bất kỳ trường hợp nào khi bị chó, mèo cắn cho dù chỉ là vết trầy xước nhẹ, cũng phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Bệnh dại là một bệnh truyễn nhiễm rất nguy hiểm, nhưng có vaccine bảo vệ, nhiều trường hợp vẫn được cứu sống nếu được xử lý kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Được sống thật với chính mình luôn là một hạnh phúc. Trong cuốn sách "Sống thật để thật sự sống", người đọc được khuyến khích mở rộng tâm trí đón chào tiềm năng hiểu biết và yêu thương, đồng thời đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và thực tế để sống dựa trên sự tử tế đó.