Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Đừng để tưởng rẻ hóa đắt khi mua hàng online

Việc cân nhắc giá trị thật của một món hàng giúp bạn mua sắm thông minh hơn, hạn chế tiêu xài hoang phí.

lam sao tiet kiem khi mua sam anh 1lam sao tiet kiem khi mua sam anh 2

Trong thời gian giãn cách xã hội, việc mua sắm qua mạng trở nên thịnh hành.

Mua hàng online tự do, thoải mái, và đôi khi bạn cũng có thể tiết kiệm kha khá tiền nhờ những đợt khuyến mãi. Nhưng, trước các chương trình kích cầu mua sắm, bạn càng cần hít sâu, thở mạnh và bình tĩnh hơn.

Sau đây là 8 lưu ý giúp bạn bảo vệ tài chính khi mua sắm.


Đừng tích trữ nhiều món có hạn sử dụng ngắn

Đối diện với hàng loạt ưu đãi, việc thấy món nào cũng hạ giá dễ khiến chúng ta nảy sinh tâm lý FOMO. Kết quả là bạn quyết định mua để trữ và dùng dần.

Tuy nhiên, hành động tích trữ chỉ phù hợp với hàng hóa có hạn sử dụng xa và không chạy theo thị hiếu, như khăn giấy, bông tẩy trang, sổ viết,... Còn những sản phẩm như quần áo và son môi - mẫu mã thay đổi liên tục - thì không phù hợp để mua số lượng lớn, trừ phi bạn muốn là "người tối cổ".

Khuyến mãi diễn ra đều đặn hàng tháng, hàng năm. Bạn mua vài hũ kem dưỡng da vào năm nay. Đến năm sau, có thể trong tủ vẫn còn món hàng chưa mở, chưa dùng.

Dù lựa chọn bán rẻ hay tặng người khác, bạn cũng đã mất tiền thay vì tiết kiệm như ý tưởng ban đầu.


Thử quần áo trước khi mua

Trừ những loại cơ bản như áo phông từ thương hiệu quen, còn lại bạn nên mặc thử trước khi trả tiền cho một món đồ nào đó. Bởi, bộ quần áo đẹp là tổng thể của nhiều yếu tố như hợp màu, hợp dáng và thể hiện cá tính của bạn.

Bạn có thể tìm thấy nhiều mẫu quần áo hợp gu trên mạng. Nhưng, nhiều khả năng vẻ ngoài của chúng ta không tương đồng với người mẫu.

Bạn mua về, mặc lên người và cảm thấy không vừa vặn là đã tốn tiền vô ích, chưa kể việc hàng thật không chất lượng như hình.


Quần áo rẻ nhưng theo xu hướng: Cần nghĩ kỹ

Sắm một kiểu áo thịnh hành nhưng khó kết hợp cũng không phải ý hay. Khi xu hướng biến mất sau vài tuần, có lẽ bạn sẽ chẳng còn muốn mặc nó nữa.

Đôi khi, một cái áo bền, trang nhã, dễ phối đồ có giá chỉ bằng 5 cái áo "dỏm". Món hàng giá "hời" bạn mua ban đầu hóa ra lại phí tiền và gây hại cho môi trường nhiều hơn. Bạn có biết, việc nuôi bông cotton và sản xuất một chiếc áo phông có thể cần đến 2700 lít nước?

Một tips hiệu quả dành cho bạn đó là hãy chuẩn bị danh sách món hàng muốn mua. Danh sách này sẽ là kim chỉ nam, giúp bạn không lạc đường và thâm hụt ngân sách.

Nói cách khác, hãy biết mình muốn gì trước khi mua sắm online.


Để hàng trong giỏ, khoan mua ngay

Ưu điểm của việc sắm sửa qua mạng là bạn có thể thêm, bớt bao nhiêu món tùy thích trong giỏ hàng. Không có nhân viên nào chú ý bạn, và cửa hàng cũng không có giờ đóng cửa.

Trước giờ "vàng" khuyến mãi, bạn có thể chọn lựa và để tất cả món vừa mắt vào giỏ, sau đó tắt điện thoại, đi ngủ.

lam sao tiet kiem khi mua sam anh 3lam sao tiet kiem khi mua sam anh 4

Buổi sáng, bạn hãy quay lại giỏ hàng và tự hỏi mình thật sự cần những món nào, đồng thời nên bỏ qua những món nào để tiết kiệm.

Việc cân nhắc có thể kéo dài vài ngày nếu bạn dư dả thời gian. Bằng cách này, sự phấn chấn khi thấy con số khuyến mãi sẽ "nguội" dần và giữ bạn khỏi mua hàng theo cảm xúc.


So sánh giá cả nhiều nơi

Không ít sàn thương mại điện tử có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu tâm lý, hành vi khách hàng. Công việc của họ là cải thiện trải nghiệm mua sắm. Từ màu sắc, font chữ, thứ tự thông tin đến cách giới thiệu hàng hóa liên quan, mỗi điều bạn thấy đều đang thuyết phục bạn đưa quyết định ngay tức thì.

Đó là việc của họ, còn việc của bạn là phải tỉnh táo.

Món bạn thấy chưa chắc đã có giá tốt nhất. Do đó, bạn có thể tham khảo nhiều tiệm trên nhiều nền tảng khác nhau.

Kết hợp với các loại phiếu giảm giá, chương trình khách hàng thân thiết, khuyến mãi của ngân hàng,... số tiền bạn trả cho cùng một món hàng có thể ít hơn rất nhiều.


Cost per Use - phương pháp tính mức độ đắt, rẻ

Cost per Use là giá tiền của mỗi lần sử dụng. Phương pháp này khá đơn giản: Bạn chia giá trị của sản phẩm cho tổng số lần bạn dự tính sử dụng, từ đó xem chúng có đáng mua hay không.

Giả sử, bạn dành ngân sách 1 triệu đồng để mua sắm giảm stress. Sau khi nghiên cứu, bạn phân vân giữa một đôi giày cao cấp và headphone nghe nhạc đồng giá.

Nếu bạn mang giày mỗi tuần một lần, thì giá tiền cho một lần sử dụng khoảng 19.000 đồng (1 triệu đồng chia 52 tuần).

lam sao tiet kiem khi mua sam anh 5lam sao tiet kiem khi mua sam anh 6

Nếu bạn đeo tai nghe hàng ngày, thì giá trị là 2.700 đồng/lần (1 triệu đồng chia 365 ngày). Như vậy, mua tai nghe sẽ tiết kiệm hơn trong trường hợp trên.

Với những món bạn chỉ cần sử dụng một lần, như váy đi tiệc hay vali lớn cho chuyến đi dài ngày, bạn có thể tính tới việc mượn bạn bè, người thân.


Đừng ngại trả tiền cho đồ sử dụng nhiều lần

Với đồ bạn dùng thường xuyên hoặc lâu dài, đừng ngại mua những món "xịn". Cái áo ấm 1 triệu đồng có thể theo bạn 1-2 mùa đông, nhưng nếu bạn mặc đến 10 mùa đông, thì áo 2-3 triệu đồng sẽ bền chắc hơn.

Bạn cũng không nên tằn tiện với vật dụng chăm sóc bản thân. Một chiếc bàn chải đánh răng bình thường có giá 50.000 đồng/3 tháng, tương đương với 555 đồng/lần sử dụng. Giá của bàn chải điện cao hơn, khoảng 1 triệu đồng/3 năm và 913 đồng/lần sử dụng.

Tuy bàn chải thường rẻ hơn, bàn chải điện hiện đại, khoa học và bảo vệ răng tốt hơn. Trong khả năng chi trả, bạn sẽ chọn món nào?


Học phí là một khoản đầu tư

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua quần áo, nhưng lại chần chừ trước các khóa học hỗ trợ kỹ năng cần thiết.

Bạn chê khóa học này đắt, khóa học kia phí tiền; bạn tiết kiệm được một khoản khi lên mạng học miễn phí, nhặt nhạnh kiến thức mỗi nơi một chút. Dù vậy, đây không phải cách làm dành cho tất cả.

Không phải ai cũng biết mình cần học gì hay có khả năng tự học hiệu quả, kiên nhẫn theo bài đến cùng. Nhờ đóng tiền học, chúng ta có động lực học hành chăm chỉ vì tiếc tiền.

Khi còn trẻ và cuộc sống chưa vướng bận, bạn nên đầu tư cho kiến thức để nâng cấp bản thân, tăng hiệu quả công việc. Đừng để đến khi bạn bè có tín chỉ CFA để thăng chức, có tiếng Hoa, tiếng Pháp để đổi việc, bạn vẫn ngồi nhẩm từng từ tiếng Anh trong góc văn phòng.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân. Không đại diện cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào.

Thiên Hân

Đồ họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm