Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Dùng drone hỗ trợ người dân vùng lũ

Những chiếc máy bay không người lái đã được sử dụng để hỗ trợ người dân. Loại thiết bị này có thể vận chuyển nhu yếu phẩm, tìm người dân còn mắc kẹt trong lũ.

Drone có thể hỗ vận chuyển nhu yếu phẩm, tìm người dân còn mắc kẹt. Ảnh: NVCC.

13h ngày 10/9, 2 chiếc xe bán tải của công ty anh Việt Anh (công ty Viet-Flycam) ra khỏi Thụy Khuê (Hà Nội) và di chuyển đến Thái Nguyên - địa phương đang hứng chịu thiên tai do ảnh hưởng của bão số 3.

Trên xe bán tải không có nhiều đồ ăn, quần áo mà chứa hàng chục chiếc máy bay không người lái (drone) cùng máy phát điện mini, sạc dự phòng.

“Tôi có một chiếc drone chở được hàng hóa với trọng lượng 20-30 kg/chuyến bay. Vài chiếc drone khác thì có tải trọng thấp hơn nhưng vẫn ở mức 4-5 kg/chuyến. Những drone này có thể hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân còn mắc kẹt trong khu vực ngập lụt hoặc vận chuyển vật dụng, nhu yếu phẩm”, anh Việt Anh cho biết.

Dùng flycam hỗ trợ người bị nạn

Hoàn lưu sau bão Yagi đã gây mưa to, ngập lụt ở hàng loạt tỉnh thành miền Bắc. Tính đến chiều 10/9, số người thiệt mạng, mất tích do bão số 3 lên tới 146, nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, sạt lở.

Không dừng lại ở hỗ trợ vật dụng, nhu yếu phẩm, nhiều cá nhân, đơn vị sẵn sàng đưa thiết bị công nghệ cao đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ để kịp thời cứu nạn, cứu hộ.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng (chủ nhiệm Câu lạc bộ Flycam Thái Nguyên) cho biết từ đêm 8/9, nước sông Cầu (khu vực tỉnh Thái Nguyên) ngày một dâng cao, có nơi nước ngập lên tận mái nhà, nhiều người dân mắc kẹt, kêu cứu.

Sáng 9/9, nhận thấy tình hình nguy cấp, nhiều khu vực ở tỉnh bị cô lập, một số người dân không thể liên lạc, nhóm anh Hoàng nhanh chóng bàn bạc, thống nhất phối hợp với cơ quan chức năng, sử dụng flycam để hỗ trợ công tác quan sát, nắm tình hình khu vực, tìm đường tiếp cận khu vực khó.

“Anh em trong câu lạc bộ sinh sống ở các huyện khác nhau tại Thái Nguyên, vì vậy, chúng tôi cố gắng hỗ trợ nhiều điểm nhất có thể, khoảng 5-7 flycam đã được sử dụng", anh Hoàng cho hay.

Bên cạnh đó, nhóm anh Hoàng cũng dùng thiết bị để hỗ trợ tìm kiếm, phát hiện người dân mắc kẹt. Anh chia sẻ hôm qua, nhờ flycam, một thành viên đã phát hiện một cụ già đang kẹt trên nóc nhà. Sau khi nhận thông báo, đơn vị cứu hộ đã tiếp cận và nhanh chóng giải cứu cụ khỏi vùng nguy hiểm.

Ngoài ra, một số điểm lực lượng khó tiếp cận, anh Hoàng đã dùng flycam cứu trợ tạm thời chai nước, gói mì. Song, nhận thấy flycam chỉ là công cụ tạm thời, không thể vận chuyển nặng, nhóm anh đã liên hệ tới các cá nhân, đơn vị có thiết bị chuyên dụng (drone) để hỗ trợ.

Chạy đua trợ giúp đồng bào gặp khó

Anh Nguyễn Bá Phong (trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam - AGS Technologies) cho biết sau khi được kết nối, công ty anh đã cử 2 đoàn hỗ trợ gồm khoảng 20 người tới Thái Nguyên.

Trong đó, một đoàn xuất phát từ Hà Nội, có mặt chiều 10/9. Đoàn còn lại do anh Phong làm trưởng đoàn, xuyên đêm vượt hơn 800 km từ Đà Nẵng. Cả 2 đoàn bắt tay vào hỗ trợ người dân ngay sau khi xuống xe.

AGS Technologies triển khai các đội bay UAV Enterprise cỡ lớn như DJI Matrice 300 RTK, DJI Matrice 350 RTK, các đội bay máy bay nông nghiệp như DJI T40, cùng các loại drone cỡ nhỏ tích hợp camera nhiệt. Các thiết bị được trang bị loa, đèn để hỗ trợ cứu hộ trong điều kiện khắc nghiệt.

Đây được xem như một giải pháp hiệu quả và nhanh chóng trong việc vận chuyển hàng cứu hộ đến các khu vực khó tiếp cận và tìm kiếm nạn nhân còn mắc kẹt trong vùng lũ.

Tương tự, anh Việt Anh cho biết ngoài vận chuyển nhu yếu phẩm, tìm kiếm người bị nạn, anh còn đem theo một chiếc drone đặc biệt với khả năng quét và tạo bản đồ 3D để xác định khu vực ngập lụt, có nguy cơ sạt lở.

Theo anh Việt Anh, trung bình, những chiếc drone của anh có giá khoảng 400 triệu đồng/chiếc. Nếu có vấn đề, công ty của anh có thể thiệt hại vài tỷ. Song anh chấp nhận rủi ro để hỗ trợ bà con ở vùng lũ lụt.

“Tôi khác với mọi người ở chỗ có thiết bị công nghệ cao và kỹ năng điều khiển chuyên nghiệp, và chúng lại có thể hỗ trợ đồng bào vượt qua phần nào khó khăn của lũ lụt. Như vậy, không lý nào tôi cứ ở nhà và không làm gì”, anh tâm sự.

Anh còn mang theo bộ dụng cụ Auto Timelapse (hỗ trợ quay phim trong thời gian dài và cho phép người giám sát xem lại với tốc độ cao) để hỗ trợ chính quyền địa phương theo dõi tình hình mưa lũ tại khu vực.

“Hiện tôi đang làm việc với chính quyền địa phương để được phép bay drone ở khu vực lũ và hỗ trợ cho người dân”, anh cho biết.

Tương tự, anh Phong cho hay để hỗ trợ đồng bào, các kế hoạch của công ty cũng được hoãn lại, “mọi việc (riêng) bớt quan trọng khi biết bà con đang gặp khó khăn trong bão lũ". Mười thiết bị drone đội anh Phong mang theo có giá trị trung bình khoảng 100 triệu đồng/chiếc. Tổng giá trị thiết bị lên đến hơn 1 tỷ đồng.

“Chúng tôi chấp nhận rủi ro bởi cần cấp bách hỗ trợ người dân. Các thiết bị cũng có tính kháng nước nên đơn vị bớt lo phần nào”, anh Phong cho hay sau khi hỗ trợ bà con ở Thái Nguyên, đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tại các tỉnh khác ở khu vực phía Bắc.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Chủ nhà nghỉ trắng đêm mở cửa đón người dân vùng lũ ở miễn phí

Mưa lũ khiến nhà dân ngập trong nước, có nguy cơ sạt lở, nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ ở miền Bắc đã chủ động đón người dân địa phương đến ở miễn phí.

Ngọc Bích - Đức An

Bạn có thể quan tâm