S
au khi thông tin Vương Thiện Huy - cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm 12 - vào NASA làm việc xuất hiện trên truyền thông, chàng trai kể bản thân được nhiều thầy cô, bạn bè hỏi thăm.
Nhưng bên cạnh đó, Huy cho biết một số người cũng bày tỏ suy nghĩ tiêu cực rằng việc đi du học, sau đó định cư ở nước ngoài là "chảy máu chất xám", "Olympia đào tạo nhân tài cho Australia, Mỹ".
Không riêng gì Thiện Huy, các thí sinh Olympia nói riêng và du học sinh nói chung, không trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp cũng từng nghe nhận định tương tự rất nhiều lần.
Đặc biệt, sau mỗi trận chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia, vấn đề này lại được dư luận nêu ra.
Sau trận chung kết diễn ra vào sáng 2/9 vừa qua, Nguyễn Hoàng Cường (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) trở thành quán quân Olympia năm 18. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Khán giả thất vọng vì quán quân Olympia không về nước
Đường lên đỉnh Olympia là gameshow có tuổi đời dài nhất của VTV khi chuẩn bị phát sóng năm 19. Sự quan tâm dành cho 52 cuộc thi tuần, tháng, quý không lớn, song trận chung kết năm vẫn có sức hút nhất định.
Bởi trong số 144 thí sinh dự thi mỗi năm, chỉ có nhà vô địch nhận phần thưởng gồm 35.000 USD từ nhà tài trợ để phục vụ cho việc du học (nơi học do thí sinh lựa chọn) và học bổng 100% tại ĐH Swinburne (Australia) trong 4 năm. Nếu thí sinh không đi du học, sẽ không được nhận 35.000 USD.
Người về nhì được trao 20 triệu đồng tiền thưởng và học bổng 50% tại ĐH Swinburne nếu tới đây học.
Một cựu thí sinh Olympia giấu tên cho hay từ năm thứ 1-5, quán quân chỉ nhận khoản học bổng 35.000 USD. Từ năm thứ 6, ĐH Swinburne chú ý tới Olympia và cấp học bổng toàn phần cho người chiến thắng trong 4 năm. Hơn 12 năm qua, ngôi trường này vẫn là nhà tài trợ bền bỉ cho chương trình.
"Một chương trình rất hay. Nhưng hơi thất vọng vì quán quân không về nước sau khi đi du học. Phải chăng nên có sự ràng buộc khi được nhận học bổng này", độc giả Minh Hoa Trần nói về Đường lên đỉnh Olympia.
Khán giả Anh dùng cụm từ "chảy máu nhân tài" để nói về việc các nhà vô địch Olympia "không về nước cống hiến".
Còn độc giả Duy đặt câu hỏi: "Chảy máu chất xám ghê quá. Đôi khi tôi tự hỏi Đường lên đỉnh Olympia là chương trình để Australia giúp Việt Nam tìm nhân tài hay là chương trình để Australia 'câu' nhân tài Việt?".
Nhà vô địch Olympia năm 3 là người đầu tiên trở về nước sinh sống và làm việc sau khi du học ở Australia. Đồ họa: Nhân Lê. |
Thực tế, trong số 17 quán quân đã nhận học bổng và đi du học, 16 người chọn ĐH Swinburne làm "bến đỗ". Chỉ có Lương Phương Thảo (vô địch năm 3) chọn học ngành Kinh doanh Quốc tế và Marketing tại ĐH Monash, Australia.
Phương Thảo cũng là quán quân hiếm hoi trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học và làm việc cho một công ty quảng cáo tại TP.HCM.
Theo một nguồn tin, Lê Viết Hà (nhà vô địch năm 7) đã về Việt Nam làm chuyên viên tư vấn cấp cao của một công ty lớn từ tháng 12/2017. Trước đó, Viết Hà tốt nghiệp hạng xuất sắc ngành Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính tại ĐH Swinburne. Anh học lên thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Deakin, Australia.
Các quán quân còn lại hầu hết đã ổn định ở Australia như Trần Ngọc Minh (năm 1) làm việc cho một công ty mạng di động hàng đầu xứ sở chuột túi, Phan Mạnh Tân (năm 2) làm kiến trúc sư phần mềm ở tập đoàn IBM, Đỗ Lâm Hoàng (năm 5) mở công ty riêng về IT vào năm 2015, Lê Vũ Hoàng (năm 6) theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Làm ở đâu trên Trái Đất cũng là cống hiến cho nhân loại
Phan Minh Đức (vô địch Olympia năm 10, hiện học tiến sĩ ngành Kinh tế tại ĐH Swinburne) từng chia sẻ trong thế giới phẳng hiện nay, về nước cống hiến hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài đều là con đường đóng góp cho đất nước.
Anh cho rằng khi được giao lưu với những người giỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì kiến thức, ý tưởng thu được chắc chắn sẽ có giá trị với quê hương.
Nguyễn Thành Vinh - á quân Olympia năm 1 - thẳng thắn trả lời trên báo chí rằng bản thân từng có ý định trở về nước sau khi học xong, nhưng không có cơ hội rõ ràng nên chọn định cư ở nước ngoài.
Cựu thí sinh Olympia Hoàng Dương nói với Zing.vn rằng nhiều du học sinh, cũng như các nhà vô địch Olympia không về Việt Nam làm việc một phần do cơ chế giúp họ phát huy tài năng còn quá ít.
Ít người biết cách đây khoảng 3 năm, Hồ Ngọc Hân (vô địch Olympia năm 9) từng về Việt Nam để làm việc. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, anh quay lại Australia học tiến sĩ. Một người quen nhận định có lẽ Hồ Ngọc Hân nhận thấy môi trường làm việc ở Việt Nam không phù hợp với mình.
Vương Thiện Huy - thí sinh Olympia năm 12 - cũng chọn định cư ở Mỹ để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Thực tế, để có thể phát huy tài năng và tiến gần đến ước mơ bay vào vũ trụ, lựa chọn gắn bó với nước Mỹ, với NASA của Huy là dễ hiểu.
Vương Thiện Huy và nhiều cựu thí sinh Olympia có đồng quan điểm rằng không phải cứ du học xong về nước mới là cống hiến. Đồ họa: Như Ý. |
Cựu thí sinh Olympia giấu tên bày tỏ với Zing.vn những suy nghĩ kiểu "Olympia làm chảy máu chất xám", "Olympia đào tạo nhân tài cho nước ngoài" có phần hẹp hòi. Anh cho rằng không nhất thiết phải về nước mới là cống hiến.
Nhiều thí sinh Olympia thường học xong cấp 3 rồi đi du học luôn. Sau thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, họ quen môi trường ở đó nên cảm thấy khó hòa nhập khi quay về Việt Nam.
"Thẳng thắn mà nói Việt Nam không phải môi trường tốt cho các bạn phát triển. Bản thân tôi khi về nước khá tiếc vì có nhiều điều học ở bên đó không có chỗ áp dụng. Có nhiều yếu tố để người ta suy nghĩ, đắn đo việc về nước hay định cư ở nước ngoài. Tất nhiên, họ vẫn ý thức mình là người Việt Nam và cảm thấy trách nhiệm đóng góp gì đó cho quê hương", người này bày tỏ.
Cần dẹp bỏ suy nghĩ hẹp hòi
Nam cựu thí sinh chia sẻ thêm Đường lên đỉnh Olympia là chương trình hiếm hoi không người nổi tiếng, hot boy hay hot girl đi thi. Mục tiêu của ê-kíp sản xuất là tìm kiếm học sinh giỏi, không phải đào tạo nhân tài cho nước ngoài.
Học sinh nào có đủ kiến thức, phản ứng nhanh, thêm may mắn sẽ thắng cuộc và nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau đó, đường đi cho tương lai đều do học sinh đó tự quyết định, chương trình không can thiệp.
"Từ trước đến nay, chương trình Đường lên đỉnh Olympia chưa hề ép buộc quán quân phải đi Australia học hay bắt họ cam kết phải về nước khi học xong. Pháp luật cũng không cấm việc họ ở lại nước ngoài nên không ai có quyền 'ném đá', mà nên tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân", anh chia sẻ.
"Nếu cứ gào lên việc quán quân Olympia không về nước thì sao không tự hỏi ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ở thành phố lớn lý do gì không trở về quê làm việc?".
Hơn nữa, phần thưởng dành cho nhà vô địch do đơn vị tư nhân tài trợ, không phải Bộ GD&ĐT. Bởi vậy, thí sinh có quyền tự do chọn lựa nơi mình cảm thấy phù hợp để sống và làm việc.
"Olympia chỉ là chương trình truyền hình. Sao mọi người phải suy nghĩ quá lên như vậy?
Rất buồn là những người nói 'chảy máu chất xám', 'hao hụt nhân tài'... có khi chỉ xem mỗi trận chung kết năm rồi 'té nước theo mưa'. Mọi người nên bớt định kiến vì đó là suy nghĩ hẹp hòi", thí sinh Olympia bày tỏ.
Anh đặt ngược lại vấn đề với những người cho rằng thí sinh Olympia phải nước sau khi du học thì tương tự những bạn trẻ tỉnh lẻ tốt nghiệp ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn cũng phải về quê mình làm việc. Ai không trở về đồng nghĩa không cống hiến cho tỉnh mình?
Theo anh, việc hầu hết quán quân chọn ĐH Swinburne (Australia) để học là thấy trường cho cơ hội tốt là học bổng toàn phần. Hơn nữa, theo BXH của Times Higher Education, Swinburne nằm trong top 500 đại học tốt nhất thế giới và xếp thứ 65 trong danh sách đại học trẻ.
"Đi hay về nhiều khi không phải vì tiền mà phải làm ở nơi nào mình phát huy được hết khả năng cống hiến cho mọi người. Về mà chỉ ngồi bàn giấy làm công việc ai cũng làm được, 30 năm sau nghỉ hưu như bao người khác thì uổng phí tài năng quá", tài khoản Vui Tính chia sẻ góc nhìn.
Độc giả Thanh hy vọng các thí sinh Olympia nói riêng, du học sinh nói chung hãy cứ học tập, nghiên cứu trong điều kiện tốt nhất và về Việt Nam tạo sự thúc đẩy lớn để cùng phát triển. Làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng là đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại.