Câu nói "con có thể làm được mọi thứ" không phải là cách hay để khích lệ trẻ. Ảnh: PBS. |
Nhà tư vấn trị liệu tâm lý Joanna North thừa nhận câu “con có thể làm được mọi thứ” mang ý nghĩa tích cực nhưng nó quá chung chung. Theo bà, phụ huynh cần nói chuyện cụ thể và đưa cho con ví dụ thực tế.
“Sự thật là trong hiện thực, khả năng của chúng ta luôn có giới hạn. Và điều chúng ta phải làm trong cuộc sống là làm việc trong giới hạn đó”, bà nói với CNBC.
Tại sao cha mẹ lại nói “con có thể làm mọi thứ”?
Nhà tâm lý học Emma Kenny cho hay trong hơn 50 năm qua, lý thuyết tâm lý ở trẻ em thường tập trung vào việc phát triển lòng tự trọng cho trẻ. Câu “con có thể làm được mọi thứ” có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy họ đang tạo ra cơ hội cho cuộc sống của con thay vì đặt ra giới hạn.
Bà cho rằng các bậc phụ huynh có thể sử dụng cụm từ này vì họ thực sự tin rằng con cái mình rất kỳ diệu, cùng với đó là suy nghĩ “con có thể làm được mọi thứ”.
Theo bà Kenny, lý thuyết về “niềm tin vào năng lực bản thân” được nhà tâm lý học người Mỹ gốc Canada Albert Bandura xây dựng từ năm 1977 đến năm 1997. Lý thuyết này cho thấy những người nghĩ họ có thể làm điều gì đó sẽ kiên trì hơn khi thực hiện mục tiêu.
“Việc đặt ra mục tiêu, tham vọng... đều là những điều và chủ đề quan trọng mà phụ huynh cố gắng tạo cho con. Họ muốn đảm bảo với tư cách cha mẹ, họ luôn nhìn thấy phẩm chất nội tại mà con có”, bà Kenny nói.
Hãy cẩn thận với những gì mình nói
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Joanna North nhận định việc nói với trẻ “con có thể làm được mọi thứ” rất mơ hồ.
“Nếu không cẩn thận, một mặt nào đó, câu ‘con có thể làm mọi thứ’ sẽ bị trẻ hiểu thành ‘bố mẹ không bận tâm con làm gì’”, bà North giải thích.
Để con làm được điều khác biệt, cha mẹ cần dạy con thực hiện từng bước nhỏ, tương tự việc thử ăn một miếng nhỏ món con chưa từng ăn trước đây. Ảnh: UCLA health. |
Theo bà, phụ huynh nên giúp con tập trung vào năng khiếu cụ thể của mình, từ đó khuyến khích trẻ nỗ lực. Đương nhiên, đây là quá trình thử nghiệm, mắc lỗi rồi mới tìm ra nó.
Trong khi đó, bà Kenny nhận định tất cả đều cần được cân bằng. Cha mẹ có thể đưa ra kỳ vọng, dự đoán khả năng con làm được nhưng không khiến trẻ cảm thấy bị bó buộc.
“Thực tế, biết giới hạn của mình ở đâu không có nghĩa là kiềm chế ước mơ của bạn. Thay vì vậy, nó giúp bạn tập trung vào các lĩnh vực, yếu tố tạo nên sự khác biệt tích cực cho cuộc sống”, bà nói thêm.
Điều cha mẹ nên làm
Với quan điểm trên, khi làm việc với các bậc phụ huynh, bà North thường khuyên họ lùi lại, để ý xem con thích làm gì. Ví dụ, trẻ có thực sự giỏi trong việc tương tác thể chất không hay trẻ có thế mạnh về lĩnh vực âm nhạc. Rồi con có thích giúp đỡ người khác không.
Bà nhấn mạnh cha mẹ nên chú ý đến xu hướng, động cơ của con cũng như điều khiến con hạnh phúc.
Bà khuyên phụ huynh nên giúp trẻ nhận ra mình học được gì từ quá trình thử nghiệm, thất bại. Đôi khi, trẻ bị cuốn vào thế giới nhỏ bé an toàn của riêng mình. Và để con làm được điều khác biệt, cha mẹ cần dạy con thực hiện từng bước nhỏ. Bà lấy ví dụ việc khuyến khích con thử ăn một miếng nhỏ món con chưa từng ăn trước đây.
Nếu trẻ có ước mơ lớn, phụ huynh hãy giúp con hiểu rằng để thành công, con sẽ cần trải qua thất bại trên hành trình đó.
“Giả sử bạn trở thành một người bay vào vũ trụ hoặc đáp xuống Mặt trăng - đó là một điều rất đặc biệt, có thể làm được - chắc chắn, trước khi làm được điều đó, bạn sẽ phải trải qua nhiều giờ huấn luyện gian khổ và những giờ phút kinh hoàng… của nỗi sợ hãi, thất bại. Bạn phải học cách chịu đựng tất cả điều đó”, bà North nói.
Sự cân bằng giữa kỳ vọng và thực tế rất quan trọng. Ảnh: JPOV. |
Chuyên gia cho biết thêm việc nói với một đứa trẻ chúng có thể làm “được mọi thứ” có thể sẽ vô tình bỏ qua suy nghĩ trẻ em cần có ranh giới. Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa việc cho phép trẻ chơi hoặc sáng tạo tự do nhưng vẫn có một số hạn chế.
Những ranh giới đó có thể bao gồm việc giúp con nhận ra không phải chuyện gì con cũng thấy hài lòng ngay lập tức.
“Chúng ta đang sống trong thế giới tức thời và tôi nghĩ câu 'con có thể làm được mọi thứ’ phản ánh điều đó. Chúng ta mong đợi sự ngay lập tức. ‘Tôi muốn nó ngay bây giờ’. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như vậy”, bà North lý giải.
Do đó, theo bà, mọi người phải học cách chịu đựng những cảm xúc rất cơ bản này… và dạy con trở nên mạnh mẽ, kiên cường.
Con sẽ làm được nếu con giỏi
Bà Kenny cho biết các hệ thống giáo dục thúc đẩy tư duy học thuật và sử dụng các bài kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ không phù hợp với tất cả trẻ em.
Bà nói: “Khi bắt đầu đi học, trẻ được đo lường là thành công hay thất bại. Nếu con chỉ ở mức trung bình, thậm chí dưới trung bình, con sẽ luôn cảm thấy mình không giỏi bằng người khác”.
Do đó, một số cha mẹ lo lắng về việc trẻ mất tự tin và có tìm cách trấn an con. Nhưng thay vì bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống trường học, phụ huynh nên khuyến khích trẻ suy nghĩ về đặc điểm riêng, thế mạnh của con.
“Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu phụ huynh nói với con ‘Đó có thể không phải nơi con tỏa sáng nhưng con thực sự vẽ tranh rất giỏi hay con có thể giúp bố sửa xe’. Điều đó tương tự cách bạn cho con hiểu con có thể làm được bất cứ điều gì khi con có kỹ năng, giỏi ở lĩnh vực đó”, bà Kenny nói.
Bà hiểu cha mẹ đương nhiên không muốn con tổn thương khi con không giỏi. Nhưng tốt hơn hết, họ nên thực tế. Cha mẹ cần giúp con hiểu những đau đớn đó rèn cho con sự kiên cường, khả năng phục hồi. Đó là lý do con sẽ được đền đáp và tiến đến thành công.
Bà nhấn mạnh “sự lạc quan thực tế” rất có ích với trẻ. Cha mẹ dạy con đặt mục tiêu thật cao, song cũng cần dạy con kỳ vọng thực tế về thế giới xung quanh cũng như giá trị của sự làm việc chăm chỉ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.