Để con tự trả lời: Có thể bạn không nhận ra, khi người khác nói chuyện với con bạn, họ hỏi "cháu có vui không?" hoặc "cháu muốn gọi món gì?", bạn thường trả lời thay trẻ. Chuyên gia phân tích hành vi Marcie Beigel, founder Trung tâm Hành vi & Tiến bộ (New York), khuyên phụ huynh nên bỏ thói quen này để giúp con cảm thấy được tôn trọng, đồng thời khuyến khích con nói ra suy nghĩ của mình trong nhiều tình huống khác nhau. Ảnh: Pexels. |
Hạn chế phán xét con: Nhà tâm lý trị liệu Mia Rosenberg (chủ sở hữu Upsider Therapy) cho biết trẻ em thường cân nhắc trước khi đề cập đến những chủ đề khó. Nếu cảm thấy bị phán xét, chúng có thể im lặng. Vì vậy, khi trẻ đang cố gắng nói ra vấn đề nào đó, phụ huynh nên lắng nghe mà không phán xét, không đặt những câu hỏi khiến trẻ tự ái hoặc gạt đi vấn đề của con. Ảnh: Pexels. |
Dành thời gian trò chuyện, thảo luận cùng con: Tiến sĩ Marcie Beigel khuyên cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để bàn luận với con về các chủ đề trong cuộc sống, hỏi con nghĩ gì và kiên nhẫn chờ câu trả lời. Phụ huynh nên đặt câu hỏi theo hướng mở và đào sâu câu trả lời của con. Ví dụ: Con có thể kể thêm cho bố mẹ không? Con nghĩ ra điều đó như thế nào?... Ảnh: Pexels. |
Cho con quyền lựa chọn ngay từ khi còn nhỏ: Dâu tây hay việt quất? Đọc truyện gì trước khi ngủ? Mặc chiếc áo màu nào? Nghe có vẻ đơn giản nhưng những lựa chọn nhỏ nhặt này có thể tác động lớn đến con bạn. Chuyên gia tư vấn tâm lý Kathryn Ely cho biết những lựa chọn nhỏ sẽ giúp trẻ làm quen với việc chọn lựa, lên tiếng cho điều mình muốn và giúp con thể hiện cảm xúc. Ảnh: Parents. |
Đừng "dán nhãn" cho con: Việc "dán nhãn" có thể cản trợ sự tự tin của trẻ. Bà Kathryn Ely nhận định trẻ sẽ dễ dành tiếp nhận "nhãn" mà cha mẹ gán cho. Điều này khiến con khó khăn hơn trong việc tìm thấy tiếng nói của mình. Vậy nên, cha mẹ hãy ủng hộ con trong quá trình khám phá bản thân, cho con cơ hội phát triển và thay đổi. Ảnh: Parents. |
Làm mẫu cho con: Nhà tâm lý trị liệu Mia Rosenberg khuyên cha mẹ nên tận dụng hành động, câu chuyện hàng ngày để làm mẫu cho con. Ví dụ khi bạn lịch sự với người khác, khéo léo từ chối, thừa nhận sai lầm hay đưa ra lời xin lỗi. Quan trọng là bạn có thể liên hệ những gì bắt gặp với những điều đang dạy trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm trong quá khứ với con, nhất là khi con đang trải qua điều tương tự. Ảnh: Pexels. |
Khuyến khích con hành động: Trước tiên, cha mẹ nên thảo luận với con về các hoạt động mà chúng quan tâm. Sau đó, bạn hãy cùng con thực hiện những hoạt động này. Khi được tham gia vào các hoạt động mong muốn, con sẽ hiểu được việc nên thể hiện quan điểm và hành động. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.