Theo nhà tâm lý học người Mỹ Amy Morin, dù trẻ có thông minh hay khỏe mạnh đến đâu, chúng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu nếu thiếu sức mạnh tinh thần. Tuy nhiên, nuôi dạy con cái có tinh thần mạnh mẽ không phải là bảo chúng “cứng rắn lên”, thay vào đó là trang bị cho trẻ kỹ năng để giải quyết thách thức, quản lý cảm xúc và tin vào bản thân. Phụ huynh có thể xây dựng sức mạnh tinh thần của trẻ qua việc giao tiếp hàng ngày, bởi có những cụm từ đơn giản nhưng dễ khơi dậy sự kiên cường, trí tuệ cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ảnh: Freepik. |
1. "Con sẽ nói gì nếu bạn của con gặp vấn đề tương tự": Khi trẻ cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng, chúng thường có xu hướng tự nói những điều tiêu cực với chính mình. Việc cha mẹ vội vàng an ủi hay giải quyết vấn đề thay cho con có thể khiến trẻ trở nên phụ thuộc và không tự tin. Thay vì trực tiếp an ủi, cha mẹ có thể đặt câu hỏi như "Nếu là bạn của con, con sẽ nói gì với bạn ấy?" Điều này giúp trẻ tự suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết và phát triển kỹ năng tự động viên. Ảnh: Freepik. |
2. "Cảm giác như vậy là điều bình thường": Khi cha mẹ nói điều này, họ đang xác nhận rằng cảm xúc của trẻ là hợp lệ, dù có thể quá mức. Xác nhận cảm xúc giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa cha mẹ và con cái. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của mình. Khi trẻ cảm thấy được hiểu và chấp nhận, chúng cũng sẽ bớt lo lắng về việc cảm xúc của mình sai theo cách nào đó. Ảnh: Freepik. |
3. “Cảm thấy buồn bực là bình thường, nhưng hành động như vậy là không ổn”: Điều quan trọng là trẻ phải biết rằng có sự khác biệt giữa cảm xúc và hành vi. Cụm từ này xác nhận cảm xúc của con, đồng thời đặt ra ranh giới xung quanh hành vi. Nó cho trẻ thấy rằng những cảm xúc như tức giận hay buồn bã là bình thường, nhưng không được làm phiền hoặc làm tổn thương người khác. Bạn có thể tận dụng cơ hội này để dạy chúng những cách kiểm soát - như hít thở sâu hoặc chia sẻ về cảm xúc của mình. Ảnh: Freepik. |
4. “Con rất giỏi vì đã cố gắng rất nhiều!”: Công nhận nỗ lực, chứ không chỉ là kết quả, sẽ dạy trẻ em đánh giá cao sự kiên trì hơn là sự hoàn hảo. Nếu bạn chỉ khen ngợi con vì đạt điểm cao, trẻ có thể nghĩ rằng điểm số quan trọng hơn sự trung thực hay liêm chính. Ngoài ra, khi cha mẹ sử dụng cụm từ này, trẻ có thể thấy tự hào về bản thân mà không nhất thiết phải tìm kiếm sự xác nhận bên ngoài. Khi trẻ em cảm thấy tốt về nỗ lực của mình, chúng học được sự tự thúc đẩy và khả năng phục hồi trước thất bại. Ảnh: Freepik. |
5. “Hãy cùng nhau giải quyết vấn đề này”: Khi con cảm thấy thất vọng hoặc gặp khó khăn, phản ứng tự nhiên của cha mẹ có thể là lao vào và sửa chữa mọi thứ. Nhưng điều quan trọng là trẻ em phải học các kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi được đề nghị cùng nhau giải quyết, trẻ sẽ yên tâm hơn vì không phải trải qua khó khăn một mình, đồng thời tự tin hơn vào khả năng đưa ra quyết định. Ảnh: Freepik. |
6. "Con từng cố gắng làm điều gì đó thật khó, dù biết có thể thất bại?": Thất bại được coi là điều đáng sợ, nhưng những đứa trẻ kiên cường hiểu rằng đó là một phần của sự trưởng thành. Câu hỏi này định hình lại thất bại như một dấu hiệu của sự dũng cảm. Việc nói chuyện cởi mở về thất bại sẽ khuyến khích trẻ thử những điều mới, bước ra khỏi vùng an toàn và xây dựng sự tự tin từ nỗ lực, bất kể kết quả ra sao. Ảnh: Freepik. |
7. "Con có thể học được gì từ điều này?”: Khi có điều gì đó không đúng, trẻ em dễ dàng tập trung vào mặt tiêu cực. Câu hỏi này sẽ chuyển trọng tâm sang sự phát triển và học hỏi. Nó dạy trẻ coi những thất bại là cơ hội để cải thiện và giúp chúng phát triển tư duy học hỏi hơn là tự phê bình. Ảnh: Pexels. |
8. "Con cần giải quyết vấn đề hay là cần xử lý cảm xúc của mình về vấn đề đó?": Câu hỏi này giúp trẻ nhận ra rằng đôi khi, cảm xúc của mình mới là rào cản lớn nhất. Việc phân biệt rõ ràng giữa vấn đề và cảm xúc sẽ giúp trẻ kiểm soát tốt hơn những phản ứng của bản thân và tìm ra cách giải quyết hiệu quả. Ảnh: Pexels. |
9. "Con có góc nhìn nào khác về vấn đề này không?": Trẻ em thường có xu hướng suy nghĩ theo cách tuyệt đối, như "Tôi không thông minh" hoặc "Không ai thích tôi". Câu hỏi của cha mẹ sẽ giúp trẻ ngăn những suy nghĩ tiêu cực này. Bằng cách tìm kiếm ngoại lệ, trẻ sẽ nhận ra rằng những suy nghĩ tiêu cực không phải lúc nào cũng đúng. Việc tìm kiếm ngoại lệ cũng giúp trẻ phát triển tư duy linh hoạt, không cứng nhắc và có cái nhìn đa chiều hơn về bản thân và thế giới xung quanh. Ảnh: Pexels. |
10. “Hôm nay con biết ơn điều gì?”: Lòng biết ơn là một công cụ để tăng cường hạnh phúc. Bằng cách biến nó thành thói quen hàng ngày, bạn dạy trẻ tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống, ngay cả những thời điểm khó khăn. Nó giúp trẻ xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc và tìm kiếm điều tốt đẹp trong thế giới. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.