Ông Đinh Thành Học (42 tuổi, quê Phú Yên) trải qua 14 lần phẫu thuật điều trị nhiễm trùng khớp háng song không thành công. Người đàn ông tìm đến Bệnh viện Sài Gòn - ITO với hy vọng mong manh chữa lành đôi chân. Trước đó, ông Học đã được thay khớp háng nhân tạo bên trái, tuy nhiên bị nhiễm trùng rất nặng sau phẫu thuật.
Người đàn ông sau 14 lần phẫu thuật khớp háng bị nhiễm trùng đã được chữa lành nhờ phương pháp đặt xi măng kháng sinh. Ảnh: Phũ Mỹ |
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thống, cố vấn chuyên môn của bệnh viện, cho hay ca của ông Học phức tạp vì số lần phẫu thuật điều trị quá nhiều. Qua thăm khám, bác sĩ đi đến quyết định lựa chọn kỹ thuật đặt xi măng kháng sinh - đây là kỹ thuật còn khá mới tại Việt Nam.
Ê-kíp đã chia làm 2 lần phẫu thuật, lần 1 mổ cắt lọc và đặt kháng sinh cho bệnh nhân. Lần 2 thực hiện phẫu thuật thay lại khớp nhân tạo toàn phần bên trái kho phần mềm khớp háng tiến triển tốt.
Sau phẫu thuật, phần khớp nhiễm trùng của bệnh nhân đã hồi phục tốt, bệnh nhân sẽ sớm phục hồi chức năng khớp. Người đàn ông hiện có thể đứng, đi lại trong phòng bệnh.
Khớp háng tưởng chừng bị hoại tử vì nhiễm trùng đã được chữa lành. Ảnh: Phú Mỹ |
Bác sĩ Thống chia sẻ thêm phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo hiện rất phổ biến ở Việt Nam. Mỗi năm, hàng ngàn bệnh nhân có bệnh lý khớp háng sớm lấy lại được chức năng vận động của khớp sau mổ, mang đến sự hồi phục chức năng đi lại và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phẫu thuật nào cũng có tỷ lệ rủi ro và phẫu thuật thay khớp cũng không ngoại lệ.
Để xử lý nhiễm trùng sau mổ thay khớp thật sự là cơn ác mộng cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bởi xử lý nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp không phải là điều dễ dàng, phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc và những nguy cơ khác. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ thành công trong xử lý nhiễm trùng đạt trên 90% nếu người bệnh kiên trì và bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp.