Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Được sửa đổi Thông tư 30 như trúng xổ số'

Kỳ Anh cho hay: "Tôi đang dạy tiểu học, nghe thông tin sửa đổi của Bộ GD&ĐT như trúng xổ số". Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dự thảo chưa giải quyết được gốc vấn đề.

Thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên khi áp dụng Thông tư 30 (đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì điểm số), mới đây Bộ GD&DDT tiến hành sửa đổi. Hiện tại, Bộ GD&ĐT công khai bản sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của phụ huynh, giáo viên và chuyên gia.

Chia sẻ với Zing.vn, độc giả Kỳ Anh bày tỏ: “Cảm ơn vì đã lắng nghe tâm sự của những người giáo viên”. Một số ý kiến khác lại cho rằng, Thông tư 30 vẫn tạo nên sự cứng nhắc và áp lực cho giáo viên, học sinh.

Nhận xét A, B, C khác gì chấm điểm?

Điều tranh cãi nhất trong bản sửa đổi Thông tư 30 là cách xếp loại học sinh theo A, B, C. Cụ thể, sau khi đánh giá thường xuyên bằng lời, giáo viên phải làm thêm động tác tổng hợp đánh giá thường xuyên theo các mức độ A, B, C với các tiêu chí tương ứng.

sua doi thong tu 30 anh 1
Học sinh tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Lekima.

Sau đó, kết thúc mỗi kỳ học, học sinh sẽ tiếp tục được đánh giá định kết quả học tập bằng bài kiểm tra thực hiện vào cuối kỳ. Bài kiểm tra sẽ được xác định theo các mức từ 1-4 (biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao).

Giáo viên Lê Lan chia sẻ: “Bản sửa đổi gây khó hiểu, bởi nếu đã chấm điểm thì không cần quy đổi ra xếp loại A, B, C nữa. Hoặc nếu đã xếp loại A, B, C thì không cần chấm điểm. Phụ huynh cũng chỉ cần một mức đánh giá để biết con mình đứng ở đâu thôi, như thế là quá rắc rối”.

Chị Trần Linh - một phụ huynh tại Hà Nội - nhận định: Việc nhận xét học sinh theo A, B, C cũng gần giống với việc xếp loại "giỏi, khá, trung bình, yếu" hay "đạt và chưa" đạt trước kia.

Trần Nga đề xuất bỏ kiểu nhận xét A, B, C. Vì cách này vẫn tạo nên sự ganh đua không cần thiết.

TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: Các quy định chấm A, B, C, D không phải là hình thức biến tấu của điểm số. Các quy định này vẫn là bước trung gian giữa Thông tư 30 và cách chấm điểm cũ. Nó sẽ giúp cho phụ huynh dễ tiếp cận với thông tư để hợp tác tốt hơn với nhà trường trong việc dạy dỗ trẻ

Ông Phạm Ngọc Định - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - giải thích rõ: Thay vì nhận xét nhiều mục, nhiều nội dung, giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh vào bảng tổng hợp, theo các mức đạt A, B, C. Bảng tổng hợp đánh giá này chỉ cập nhật vào cuối học kỳ, cuối năm học.

Ghi chép này không để báo cáo, mà để giáo viên nắm tình hình học sinh, đảm bảo tổng hợp đánh giá khách quan, công bằng vào cuối học kỳ, cuối năm và giải trình với cán bộ quản lý, phụ huynh trong các trường hợp cần thiết.

Vừa mừng vừa lo

Theo Bộ GD&ĐT, qua hai năm thực hiện Thông tư 30, giáo viên kêu nhiều nhất là quy định hàng tháng phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Vì thế, dự thảo sửa đổi cho giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ ghi chép cá nhân cho phù hợp.

Hồ sơ đánh giá cá nhân học sinh nay chỉ gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp này thay thế hoàn toàn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ.

Nhiều người vui mừng vì bản sửa đổi đã giảm nhẹ sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên, cô Lê Bình - một giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: Giáo viên chủ động nhận xét hoàn toàn trong đánh giá chưa hẳn đã tốt, vì không có mặt sàn chung cho chất lượng của giáo viên. Nếu giáo viên có tâm huyết sẽ rất nhiệt tình, còn thầy cô ít tâm huyết sẽ không nhận xét. Điều này có thể dẫn đến những thắc mắc không cần thiết của phụ huynh.

Còn TS Vũ Thu Hương lại cho rằng, những thay đổi trên đã cởi cho giáo viên những sợi dây trói buộc vô hình mà các cấp quản lý quàng vào họ dưới danh nghĩa Thông tư 30.

Vấn đề sổ sách đáng ra phải nhẹ nhàng vì nó chỉ là phương tiện làm việc của giáo viên. Nhưng do quản lý chồng chéo, nhiều cấp trung gian giữa Bộ GD&ĐT và các giáo viên đã đẩy nó lên thành chính yếu, buộc các giáo viên phải chiến đấu mệt mỏi với sổ sách, thay vì chăm sóc học sinh. Vì thế, những sửa đổi được viết trong dự thảo sẽ giúp cho Thông tư 30 khả thi hơn và phát huy được tính nhân văn.

Để Thông tư 30 phát huy triệt để hơn, TS Hương đề xuất: Nên cho giáo viên được tự do sử dụng con dấu thay vì mọi hình thức mà cô giáo nghĩ ra để tải các đánh giá của mình đến học sinh và phụ huynh. Như vậy giáo viên mới thực sự được cởi trói và phát huy tốt khả năng của mình. Họ cũng có cơ hội thể hiện được cách đánh giá sáng tạo.

Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Sau hai năm triển khai thực hiện quy định này, có rất nhiều phản ứng trái chiều từ phía xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh...

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm