Xuất phát điểm từ hoàn cảnh khó khăn và thiếu vắng bàn tay chăm sóc, hành trình đến trường của những đứa trẻ nghèo có thể gập ghềnh hơn, nhưng vẫn luôn đầy hy vọng.
Những đứa trẻ ở ngôi trường khác nhau, cùng thức dậy vào buổi sớm khai giảng năm học mới. Một đứa trẻ được đến trường bằng đôi tay “que củi” của bố. Một đứa trẻ đang cố gắng từng ngày trong sự đùm bọc và nỗi sợ “chết trước khi cháu trưởng thành” của bà nội. Một đứa trẻ thì 5 lần bảy lượt vượt rừng, một mình trên chuyến xe xuống thành phố tìm con chữ.
Tất cả chưa bao giờ muốn bỏ học.
Hôm nay là một ngày đặc biệt. 6h sáng 5/9, Anh Xuân (43 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) thức giấc, cắm cơm rồi vội vàng gọi cậu con trai dậy.
Chiếc áo trắng anh Xuân chuẩn bị từ hôm qua đã được treo ngay ngắn trên bức tường xi măng cũ. Hai hôm trước, nghe tin con chuẩn bị vào học kỳ mới, anh đã lục tìm chiếc áo trong đống đồ cũ rồi bỏ vào thau nhựa, đổ nước, xà phòng, dùng chân đạp. Từ khi Bình Minh vào lớp 1, chiếc áo trắng cậu bé mặc đến trường vẫn được anh Xuân giặt bằng cách đặc biệt như thế.
Năm 2005, trên đường trở về nhà, anh Xuân bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Đợt đó, anh nằm viện hơn năm, bác sĩ thông báo: “Tính mạng có thể giữ, nhưng tay phải thì vĩnh viễn không cử động…”.
Nghe 2 chữ “vĩnh viễn”, anh khóc nấc.
Sau ngày đó, 2 vợ chồng anh Xuân lui về xã An Nhơn Tây. Ngày ngày, anh nhận 100 tờ vé đi bán, đỡ đần tiền phụ vợ. Sang năm 2012, gia đình anh đón tin vui khi vợ mang thai con trai. Anh đặt tên con là Bình Minh, ngụ ý cuộc đời con sau này tươi sáng thay phần bố.
Thế nhưng, xui xẻo như đã nặng nợ, ở đời ở kiếp với anh Xuân. Cuối năm 2018, trong một lần đi bán vé số, anh tiếp tục bị chiếc xe lớn quẹt ngang. Chủ xe bỏ chạy, chỉ còn anh nằm lại giữa đường, máu chảy ướt áo. Mọi người đưa anh vào viện, nhưng cánh tay còn lại cuối cùng cũng hư nốt.
Người vợ chăm chồng, nhìn vết sẹo dài thượt dưới khuỷu tay mà khóc: “Giờ thế này sao anh nuôi nổi vợ con? Có khi em phải đi”. Anh Xuân chẳng ngờ rằng sau câu nói bâng quơ ấy, anh không bao giờ còn gặp chị.
Một buổi sáng, Bình Minh đến trường, anh Xuân còn nằm viện, chị đi.
Những ngày đầu tiên, Minh nhớ mẹ, khóc suốt. Xuân mượn chiếc xe máy, đèo con chạy khắp huyện Hóc Môn tìm vợ. “Nó qua Bình Dương rồi. Giờ không nuôi nổi thì thôi để nó đi đi”,mẹ vợ Xuân nói. Nghe xong, anh mím chặt môi, quay xe về.
Trời hôm đó, nắng đổ chang chang.
Hết lớp 1, Minh không còn nhớ mẹ. Thằng bé như cây cao su non, tự nhiên lớn từ đôi tay “que củi” của bố. Những hôm bố bán vé ế, 2 cha con buộc bụng nhịn đói. Bố ốm, con chạy đi mượn tiền khắp xóm để mua thuốc. Nhìn bóng dáng nhỏ xíu của thằng bé đỡ đần mình, Xuân khóc nhiều.
Với anh, hạnh phúc lớn nhất là mỗi sớm mai, trước giờ đến trường, anh được ngắm con trong chiếc áo trắng. Thằng bé cố gắng mặc thật nhanh, giúp bố tròng chiếc túi vé số qua cổ rồi nắm tay rời khỏi nhà. Từng ngón tay nhỏ như trái ớt của Minh luồn qua đôi bàn tay “que củi” của bố, ấm áp đến lạ kỳ.
“Quãng đường có 2 km thôi nhưng tôi nghĩ là đó quãng đường hạnh phúc nhất. Mấy hôm trời nắng lớn, thấy con đi nhiều mệt, tôi bảo ‘Hay là thôi, bố cho tiền con đi xe buýt’. Thế mà thằng bé lắc đầu nhất định không chịu. Nó biết, chiếc vé như thế bằng mấy tờ vé số tôi phải bán”, anh Xuân mỉm cười.
Cùng khoảng thời gian ấy, 4h sáng 3/9, Cao Thanh (lớp 11B Trường THPT Dân tộc Nội trú Khánh Hoà) phải dậy sớm. Cậu bỏ vội 4 bộ quần áo, 300.000 đồng vào chiếc túi vải rồi đi.
“300.000 đồng ấy, em phải đi hái sầu riêng mướn suốt mùa hè, đủ tiền xe xuống Nha Trang và dằn túi khi có chuyện cần. Đó là cách duy nhất mà những trẻ Ra-glai nghèo như em phải làm nếu muốn đi học”, Thanh nói.
4h30, Thanh quay nhìn chiếc nhà sàn sau lưng lần cuối, rồi từ từ mở cửa xuống núi. Khí lạnh tràn vào nhà, lạnh ngăn ngắt.
Năm Cao Thanh lên lớp 2, đêm nào bố cậu cũng gây chuyện với mẹ vì men rượu. Thanh ôm em trai vào lòng, cố gắng thiếp đi trong tiếng cãi vã của bố mẹ.
Một hôm, bố không có nhà, chị gái đi học, cậu bận trông đứa em nhỏ dưới sân nhà thì mẹ Thanh treo cổ tự vẫn. Hôm đó, Thanh cố níu váy mẹ, gào khóc bất lực.
Qua năm lớp 3, đoạn đường 5 km đến trường, mẹ Thanh không còn nắm tay đưa con đi học, chiếc cặp cũ cuối cùng đã rách, cậu quyết định bỏ trường.
Tối, người chú tìm đến nhà, hỏi: “Sao con lại nghỉ học?”. “Ở trường, gặp chuyện sai, bạn bè bảo do con là trẻ mồ côi, con không có mẹ”, Thanh oà lên khóc.
Từ hôm đó, mỗi sớm thức dậy, Thanh đã thấy chú đợi trước cửa nhà. Con xe cũ của chú cả thời thơ ấu đã đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, đoạn lầy, khúc cua tay áo và những con dốc dài trơn trượt để đưa cháu đến trường tìm chữ. “Con phải ráng học, đi làm nuôi gia đình này…”, người chú dặn dò Thanh.
Sang cấp 2, chỉ có vài học sinh Ra-glai ưu tú được tiếp tục xuống thành phố học cấp 3. Lúc đó, Thanh phải cố gắng cả đêm ngày để được có tên trong danh sách.
Giờ đây, đường xuống phố xa xôi, cả năm thi thoảng mới được về nhà, nhưng nghĩ đến những chuyến xe băng rừng của chú, Thanh không bao giờ muốn bỏ cuộc.
“Ngày đầu đi xe, bạn bè toàn được bố mẹ đưa đi, đứng cạnh, chăm sóc, em chỉ có một mình nên cũng tủi lắm. Lúc đó, chú dúi vào tay vài trăm nghìn. Đó là số tiền chú tích góp được từ nhiều ngày đi rừng nên em không thể nào phụ lòng được…”, Cao Thanh kể.
Con đường 11 năm tìm chữ của Cao Thanh được đếm bằng vô số tên ngọn núi, sự cô đơn, tình thương yêu vô bờ bến của người chú. Con đường Bình Minh đến trường lại nối bằng hy vọng, đôi bàn tay “que củi” và sấp vé số từ người bố tật nguyền.
Hai đứa trẻ ở 2 ngôi trường khác nhau, cùng thức dậy vào một buổi sớm đặc biệt - khai giảng năm học mới. Cả tuổi thơ chúng là những ngày tự mình đến trường, khát khao học chữ bị đứt đoạn bởi hoàn cảnh gia đình, cái nghèo và nỗi lo sợ tương lai.
Giữa năm lớp 1, lần đầu Bình Minh nghĩ đến chuyện bỏ học. Khi ấy, số tiền mua dụng cụ học tập khiến bố cậu phải đổ bệnh vì đi bán sớm về khuya.
Hôm đó, Xuân ôm con vào lòng, dỗ dành mãi: “Con phải học giỏi, thành tài, còn kiếm tiền chữa tay cho bố nữa”,Bình Minh mới chịu trở lại trường.
Ở Trường Tiểu học An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM), số lượng học sinh có hoàn cảnh tương tự Bình Minh không ít. Năm 2016, khi về công tác tại trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuận không khỏi nghẹn ngào khi đọc bản báo cáo, có hơn 80/700 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
“Không chỉ cái nghèo, tụi trẻ còn sinh ra trong gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly tán, mồ côi, hoặc là dân lao động từ vùng khác chuyển tới, rày đây mai đó khắp nơi khiến việc học liên tục bị đứt đoạn” - cô Thuận kể.
Trước mỗi buổi học, thầy cô Trường Tiểu học An Nhơn Tây có thói quen điểm danh học sinh thật kỹ. Nhiều hôm, học sinh chỉ vừa nghỉ một buổi, thầy cô chưa kịp đến nhà thì phòng trọ đã trả, đồ đạc chuyển đi nơi khác khiến họ càng đau đớn lòng.
“Ngoài công tác giảng dạy, tôi còn phải tìm hiểu gia cảnh, hỗ trợ dụng cụ học tập để cha mẹ các em đỡ gánh nặng”, cô Thuận chia sẻ.
Khi Gia Bảo chưa vào lớp 1, bố mẹ cậu bé bỏ nhau. Từ đấy, Bảo sống với ông bà nội đều ngoài 60 tuổi, mắc nhiều bệnh lý nặng.
Tuổi thơ cậu bé là chuỗi ngày theo chân nội đến trường và… vào viện. Cô Thuận nhớ lại, mỗi ngày bà nội Bảo đều đưa cháu đi học vì nhà xa. Thế nhưng, có một hôm, cậu bé phải tự mình đi bộ đến trường. Linh tính chẳng lành, thầy cô liền đến nhà.
“Y rằng sáng hôm đó, bà thằng bé lên cơn đau nặng. Bà đã chỉ hết giấy tờ, dặn cháu phải gọi mẹ khi mình mất. Nằm trên giường, bà liên tục dặn thầy cố gắng cho cháu đi học khiến ai nấy đều xúc động”.
Giờ đây, ngoài công tác giảng dạy, thầy cô Trường Tiểu học An Nhơn Tây còn nhận thêm nhiệm vụ cao cả: Vận động mạnh thường quân cho học sinh.
Mỗi dịp Tết, khai giảng, Trung thu… chỉ cần nghe đâu đó có tổ chức từ thiện, cô Thuận đều xin số điện thoại, gọi nhờ giúp đỡ. Có khi, thầy cô phải tìm đến tận nơi để gửi lời, đăng mạng xã hội, hoặc thậm chí tự bỏ tiền để học trò có ngày vui trọn vẹn.
“Ai có ít cho ít, có nhiều cho nhiều. Những ngày đầu đi kêu gọi, bị từ chối cũng mặc cảm lắm chứ. Nhiều lúc, tất cả tính bỏ buộc rồi. Thế nhưng, mỗi lần nhìn con em mình nhận quà, đứa nào đứa nấy cười tít mắt hạnh phúc, làm sao đành lòng bỏ được…”, cô Thuận mỉm cười.
Cái Tết vừa rồi, cô Thuận bất ngờ khi buổi sớm đến trường đã thấy phụ huynh vây xung quanh sân. Người đèo theo 10 ký gạo, người bịch rau nhà tự trồng, thậm chí nhiều người không đủ tiền chỉ dám mua nửa thùng mì mang đến phòng hiệu trưởng. “Cô gửi lại cho các em khó khăn giúp tôi”, nghe xong, thầy cô nghẹn ngào đến vỡ oà.
“Hiện tại, Trường Tiểu học An Nhơn Tây còn nhiều hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, việc các mạnh thường quân quan tâm, tham gia hỗ trợ có ý nghĩa rất lớn. Điều này sẽ giúp các em có động lực đến trường, phụ huynh phần nào bớt đi khoản lo trong cuộc sống. Mỗi năm, vào ngày khai giảng, các em được tặng dụng cụ học tập, chiếc áo trắng thôi đã đủ vui rồi!”, cô Thuận chia sẻ.
“Từ khi anh nhà bệnh nặng, tiền bán vé số của chị không cầm cự nổi để nuôi Băng tới khi sang cấp 2. Lâu lắm rồi con bé không có bộ quần áo, bút vở mới khiến tôi cũng buồn. Nhưng Băng có nghị lực lắm, chưa bao giờ muốn bỏ học”, phụ huynh em Thị Khánh Băng nói.
Lắng nghe tâm tư của toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh tại các trường thuộc địa bàn khó khăn trên cả nước, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức học bổng “Trao cơ hội - Nối ước mơ” nhằm giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, tự tin đến trường.
Trong ngày đầu năm học mới, Vietlott trao tặng hơn 300 suất quà cho học sinh ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nam, TP.HCM, Khánh Hoà.
8h sáng, đại diện Vietlott tại các địa phương tận tay trao từng món quà cho học sinh. Tụi trẻ ai nấy cười tít mắt.
Số tiền học bổng ấy, Cao Thanh tính tiết kiệm một nửa để tiếp tục học lên cao, một nửa gửi về giúp đỡ chú. “Chắc chú sẽ vui lắm, vì đây là số tiền đầu tiên em có thể đỡ đần lại được chú”, thằng bé tủm tỉm cười trước suy nghĩ của mình.
Gia Bảo thì muốn có tiền chữa trị bệnh cho bà. Khánh Băng sẽ mua 2 chiếc áo trắng, con bé vẫn thích mê được mặc đồ trắng vào năm học mới.
Bình Minh vẫn ngồi lặng đi, cầm số tiền bằng cả 2 tay, đầy nâng niu. Số tiền ấy, Minh tính chỉ dùng chút ít để mua dụng cụ học tập, còn lại bỏ ống heo. “Cháu sẽ chữa tay cho bố”, cậu bé nói.
Ước mơ ấy, Bình Minh đã mơ rất lâu.
“Chúng tôi hiểu rằng, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có ước mơ, nhưng khó trở thành hiện thực bởi hoàn cảnh khó khăn. Là doanh nghiệp luôn lắng nghe và đồng hành cùng sự phát triển cộng đồng, chúng tôi đã tổ chức trao học bổng Trao cơ hội - Nối ước mơ cho học sinh khó khăn. Trong năm nay, chúng tôi tặng 300 suất học bổng và cố gắng tiếp tục thực hiện với quy mô lớn hơn những năm tới. Chúng tôi mong muốn học bổng này sẽ chia sẻ phần nào khó khăn, hỗ trợ các em tiếp tục học tập.
Chúng tôi hiểu rằng, đầu năm học là thời điểm phụ huynh và học sinh đều có nỗi lo về sách vở, đồ dùng học tập, quần áo mới… nên những món quà nhỏ ý nghĩa sẽ giúp các em xóa bỏ mặc cảm để vui vẻ đến trường”, đại diện Vietlott chia sẻ.
Bình luận