Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank (TP Bank); Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 25 bị can, bắt tạm giam 16 người tại 4 ngân hàng nói trên.
Trong số 16 người bị bắt tạm giam có ông Trầm Bê (nguyên Chủ tịch Sacombank) và ông Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank). Ngày 1/8, nơi ở của 2 người này bị lực lượng chức năng khám xét.
Họ bị cơ quan điều tra khởi tố vì nghi ngờ có sai phạm liên quan đến việc cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng năm 2013.
Chân dung ông Trầm Bê. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Theo nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an, năm 2013, Phạm Công Danh cần vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank nhằm tất toán hơn 1.600 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh sở giao dịch 2 và BIDV Chi nhánh Hải Vân
Trước đó, ngày 27/2/2012 Phạm Công Danh có giấy đề nghị vay 2.000 tỷ đồng gửi BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 (quận 1). Kèm theo là những giấy tờ liên quan như phương án vay, hồ sơ vay.
Tài sản thế chấp trong hồ sơ vay gồm 5 lô đất tại dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng). Cả 5 lô đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 5 công ty do nguyên chủ tịch VNCB làm chủ.
Sau khi thẩm định, BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 đồng ý cho vay 1.700 tỷ đồng. Quyết định này được trình lên HĐQT BIDV.
Đến ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời đối với dự án nói trên.
Đến 6/4/2012, ông Đoàn Ánh Sáng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 ký hợp đồng tín dụng cho Phạm Công Danh vay số tiền 1.700 tỷ đồng. Thời hạn vay của hợp đồng này kéo dài đến cuối năm 2012.
Ba ngày sau khi được ký duyệt, Phạm Công Danh bắt đầu lập bảng kê rút vốn (nhận vợ vay). Thời điểm này bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 phê duyệt và giải ngân số tiền 1.700 tỷ đồng.
Trong số tiền 1.800 tỷ Phạm Công Danh vay của BIDV có đến 650 tỷ đồng được chuyển cho Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương). Ảnh: Thăng Long. |
Ông Danh sau khi nhận tiền đã chuyển cho Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch Ngân hàng Đại Dương - Oceanbank) 650 tỷ đồng.
Tiếp đó 135 tỷ đồng được Phạm Công Danh trả nợ cho Agribank chi nhánh Láng Hạ. Số tiền còn lại Phạm Công Danh chuyển cho rất nhiều người từ khoảng vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Trong khoản tiền đó, Phạm Công Danh có chuyển 10 tỷ đồng cho Phạm Thị Trang (tức Trang phố núi).
Sau khi được giải ngân 1.700 tỷ đồng, gần 10 ngày sau Phạm Công Danh gửi vào BIDV Chi nhánh Hải Vân (TP Đà Nẵng) 1.000 tỷ đồng. Phạm Công Danh mong muốn ông nguyễn Thanh Dũng (đại diện BIDV Chi nhánh Hải Vân) xem xét cho vay với lãi suất cạnh tranh trên cơ sở tiền gửi đối ứng. Thế nhưng hai bên không hề thực hiện thỏa thuận này.
Cùng ngày, một công ty do Phạm Công Danh sở hữu đã có giấy đề nghị vay vốn 1.000 tỷ đồng. Kèm theo đó là phương án vay vốn, trả nợ và chỉ 4 ngày sau được BIDV Chi nhánh Hải Vân ký hợp đồng tín dụng.
Tài sản Phạm Công Danh thế chấp tại BIDV là 2 lô đất hơn 10.000 m2 tại Khu phức hợp TM&DV cao tầng Sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng. Khi đáo hạn, Phạm Công Danh không có khả năng trả nợ cho BIDV nên vay của Sacombank số tiền 1.800 tỷ đồng.
Cả 6 công ty 'ma' đứng ra vay nợ đều của Danh. Tài sản thế chấp là khoản tiền 1.850 tỷ đồng gửi liên ngân hàng của VNCB.
Cuối cùng, cả 6 công ty này không thể trả nợ cho Sacombank. Số tiền gửi liên ngân hàng của VNCB sau đó bị Sacombank tự động thu hồi nợ gốc.
Cơ quan điều tra kết luận Sacombank xem xét quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có của các công ty vay. Cùng với đó là nguồn trả nợ vay để xác định tính khả thi, hiệu quả phương án vay và khả năng tất toán của khách hàng là chưa đủ điều kiện cho vay theo quy định.