Nguồn tin từ Bộ Công an cho biết Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng: Tiên Phong Bank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng.
Theo kết quả điều tra và chứng cứ thu thập, ngày 31/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 25 bị can và ra lệnh bắt tạm giam 16 người trong số này.
Phan Huy Khang (trái) và Trầm Bê. Ảnh: Công an cung cấp. |
Bộ Công an cho biết ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và nguyên Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang (44 tuổi) nằm trong danh sách những người bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Cùng ngày, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Ngày 1/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với các bị can đồng thời điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo quy định pháp luật.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định ông Trầm Bê và các đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.600 tỷ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Cụ thể, tháng 4/2013, ông Danh đã trực tiếp gặp ông Trầm Bê, lúc đó là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank đề nghị cho vay tiền.
Do Phạm Công Danh không thể vay tiền do là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) nên Trầm Bê đã đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau đó, ông Trầm Bê trực tiếp dẫn Phạm Công Danh sang gặp Phan Huy Khang, thành viên Hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Để gấp rút vay tiền, cấp dưới của Phạm Công Danh gấp rút mang 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty đến Sacombank làm thủ tục. Theo xác minh, 6 công ty này do Phạm Công Danh lập ra. Người đứng tên giám đốc đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị của Tập đoàn Thiên Thanh.
Liên quan khoản vay này, cơ quan chức năng xác định Sacombank vi phạm một số quy định về cho vay như không thẩm định nguồn vốn, thẩm định nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay cũng như khả năng hoàn trả nợ vay.
Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh, là cử nhân quản lý doanh nghiệp. Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, ông Trầm Bê từng giữ chức Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank).
Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc chính thức chấm dứt vai trò quản trị điều hành của ông Bê và con trai tại Sacombank.