Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

F0 không triệu chứng tại TP.HCM

Chị Mai Phương không xuất hiện triệu chứng bệnh dù có kết quả dương tính với nCoV. Khi ở bệnh viện, chị không cần các y bác sĩ hỗ trợ mình quá nhiều.

Vừa nhận được thông tin TP.HCM chính thức triển khai cách ly, điều trị tại nhà với F0 không có triệu chứng tại nhà, chị Phạm Mai Phương (Gò Vấp, TP.HCM) mừng rỡ, gọi điện thông báo cho người thân.

Gia đình chị có 7 người là F0. Đa số mọi người đều không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện khác nhau.

"Tôi dương tính nhưng không có bất cứ triệu chứng gì. Cả nhà đi cách ly hết, tôi khó khăn khi mới nhập viện vì thiếu đồ nhưng không có ai tiếp tế", chị Mai Phương nói.

Vì không có triệu chứng bệnh, chị Phương không cần dùng đến số thuốc mang theo từ nhà hay bệnh viện phát.

Benh nhan Covid-19 khong trieu chung anh 1

Chị Mai Phương đang thực hiện cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC.

Theo chị, trường hợp của mình rất bình thường vì ở khu điều trị F0 không triệu chứng, gần như tất cả đều như vậy. Một số chỉ ho, sốt nhẹ khoảng 2 ngày là khỏi.

Sau 14 ngày cách ly ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Mai Phương vui sướng khi bác sĩ thông báo chị được về nhà sau 4 lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Sau đó, chị tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Những người thân mắc Covid-19 của chị cũng đều được chữa khỏi.

"F0 không có triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế rất nhiều. Nhờ đó, y, bác sĩ có thể tập trung điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy cơ chuyển nặng", chị Phương chia sẻ.

Chị Phương kể trong thời gian cách ly, chị muốn bồi bổ sức khỏe thêm để sớm khỏi bệnh nhưng vì điều kiện tại bệnh viện hạn chế nên không làm được.

Benh nhan Covid-19 khong trieu chung anh 2

Mai Phương tập thể dục tại nhà để cải thiện sức khỏe sau khi khỏi Covid-19.

"Trong bệnh viện chỉ có phần cơm theo giờ, thỉnh thoảng tôi muốn đổi món hay dùng thêm hoa quả để bổ sung vitamin C nhưng không có. Nếu được điều trị tại nhà, tôi nghĩ sẽ thuận lợi hơn", chị nói.

Gia đình chị có một cháu bé 2 tuổi cũng là F0 đang được cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé đã điều trị hơn một tháng nhưng kết quả xét nghiệm liên tục thay đổi do hiếu động, thường xuyên chạy nhảy, vui chơi tại nơi nằm của các bệnh nhân khác.

Theo chị, nếu được điều trị tại nhà, bé có thể sẽ nhanh khỏi bệnh hơn vì ở phòng riêng, không tiếp xúc bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, khi được điều trị tại nhà, các thành viên trong gia đình chị có thể chăm sóc được cho nhau.

Benh nhan Covid-19 khong trieu chung anh 3

Vân Anh được ra viện sau 16 ngày điều trị Covid-19. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Thị Vân Anh (20 tuổi, TP.HCM), cháu gái chị Mai Phương, cho biết triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi của mình chỉ xuất hiện trong 4-5 ngày đầu. Nhờ ăn uống tốt, uống thuốc và tập thể dục, cơ thể cô nhanh chóng hồi phục.

"Các bệnh nhân nặng cần được nhân viên y tế chăm sóc nhiều hơn là những người chỉ có triệu chứng nhẹ như tôi. Thực tế, khi ở trong bệnh viện, tôi không cần các y bác sĩ hỗ trợ mình quá nhiều.

Vài ngày đầu mình sốt, hơi mệt, ngủ nhiều. Những ngày sau tôi ăn uống được, bổ sung vitamin, ngủ nghỉ đúng giờ nên sức khỏe cải thiện nhanh chóng", cô nói.

Theo Vân Anh, để cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh cần khu vực riêng, phòng riêng nếu có thể. Đồ dùng và thức ăn cũng được dùng riêng. Khu vực vệ sinh chung cần khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng. Người bệnh được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc liên hệ nhân viên y tế khi có chuyển biến bất thường.

Những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Phương và Vân Anh không cảm thấy lo lắng. Chị đặt thực phẩm giao về tận nhà để tự nấu ăn.

Ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1.

Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm rRT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm rRT-PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Bộ Y tế nói gì về việc tiêm hai mũi vaccine Covid-19 khác loại?

Theo PGS Dương Thị Hồng, ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sát tình hình sức khỏe.

Dịch Covid-19

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm