Sau 4 tháng xét nghiệm âm tính, Ngọc Bích (24 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) đã hoàn toàn khỏe mạnh, các di chứng hậu Covid-19 cũng không còn ảnh hưởng đến cô.
"Trước đây, tôi vẫn thường đi thang bộ nhưng không mệt như lúc đó, khi nói chuyện hay cười nhiều cũng không hụt hơi như thế. Nhưng hiện tại, tình trạng cải thiện hơn 90%", Bích kể lại.
Tự vượt qua hậu Covid-19
Để nhanh chóng lấy lại cân bằng, Ngọc Bích tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng rụng tóc và hụt hơi. Cô được kê thuốc uống kết hợp chế độ tập luyện khoa học.
"Tôi phát hiện ra việc tập luyện thể thao, thậm chí chỉ là vận động nhẹ nhàng cũng tạo ra được sự thay đổi lớn đối với sức khỏe. Lúc nhiễm bệnh, tôi lo lắng nhiều vì sốt cao, đau đầu nên không dành thời gian tập thở hay vận động", Bích nói.
Cô cũng quay lại tập các bài yoga mỗi sáng và buổi tối trước khi ngủ. Mỗi ngày, nữ sinh đặt đồng hồ nhắc nhở thời gian ăn sáng, ăn trưa đúng giờ và bữa tối luôn trước 19 giờ.
Ngọc Bích chăm chỉ dậy sớm và tự nấu ăn, thay đổi thói quen sinh hoạt tích cực hơn sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trong chế độ ăn, cô gái cắt giảm các loại thức ăn nhanh chiên rán và thức uống ngọt. Cô ăn nhiều thịt nạc, rau xanh và trái cây hơn.
"Không chỉ cải thiện tình trạng mệt mỏi, hụt hơi hậu Covid-19, cân nặng của tôi cũng giảm đáng kể. Tôi rất vui vì thấy mình khỏe mạnh, nhiều năng lượng hơn", nữ sinh chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn Tai - Mũi - Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ trong bất kỳ vấn đề liên quan sức khỏe, yếu tố tinh thần lạc quan có vai trò quan trọng đối với việc phục hồi và miễn dịch.
Covid-19 phụ thuộc nhiều vào đề kháng
TS Minh chia sẻ rằng khẳng định lạc quan hơn thì ít hậu Covid-19 hơn có thể đúng một phần. Ví dụ đợt bùng phát biến chủng Delta ở TP.HCM, dù nhiều người dân có lạc quan hay không thì những tác động vẫn xảy ra.
Song ông thừa nhận rằng yếu tố lạc quan rất cần thiết khi người bệnh nhiễm SARS-CoV-2.
"Tâm lý lạc quan tốt cho miễn dịch và thần kinh, đối với mọi loại bệnh tật chứ không riêng Covid-19. Covid-19 phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Lạc quan giúp chúng ta nâng cao đề kháng và chống lại Covid-19", ông nói.
Bệnh nhân tập thể dục trong bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, stress và trầm cảm, rối loạn tâm sinh lý là những di chứng hậu Covid-19 đã được ghi nhận. Tuy nhiên, di chứng này không mang tính chất cụ thể và khó xác định.
Ví dụ, một người luôn than rằng họ buồn bã, lo lắng sau khi khỏi Covid-19, nhưng mức độ đánh giá bệnh rất khó, độ chính xác không cụ thể.
Do đó, biểu hiện stress sau khi khỏi bệnh có thể được xem như di chứng về mặt tâm lý thần kinh nhưng cần xác định rõ nguyên nhân có phải do hậu Covid-19 hay không.
Phân tích nguyên nhân rối loạn tâm lý hậu Covid-19 ở những bệnh nhân cụ thể, TS Nguyễn Ngọc Minh chỉ ra 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là lo lắng về những ca tử vong bởi Covid-19 nên hình thành tâm lý khủng hoảng sợ bệnh. Một số cũng lo sợ việc điều trị thuốc không hiệu quả, sợ bệnh chưa dứt hay sợ biến chứng phổi, gan.
Thứ 2 là người bệnh bị tổn thất về kinh tế, công việc bị ảnh hưởng, mất nguồn thu nhập, nghỉ việc...
TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nêu thực trạng nhiều người hoàn toàn bình thường về mặt sức khỏe, song lại bị tác động bởi truyền thông hoặc người xung quanh.
"Điều này hình thành tâm lý rối loạn lo âu, u uất. Nhưng cũng có những vấn đề người ta thấy rằng bản chất Covid-19 gây ra và gây xáo trộn tâm lý của người bệnh", TS Vinh nói.
Ông khuyên rằng trong lúc mắc Covid-19 và sau nhiễm bệnh, chúng ta không nên quá bi quan hay nghe thông tin hù dọa.
"Nền tảng tinh thần là yếu tố quan trọng để đối mặt bệnh tật. Nếu sau khỏi Covid-19, bạn có những dấu hiệu bất thường trong cơ thể nhưng không liên quan những bệnh lý trước đây, nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn", TS Vinh khuyến cáo.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.