Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức để khi bất ngờ mắc Covid-19 sẽ không cảm thấy hoang mang, lo sợ quá mức.
Những điều cần làm tại nhà
"Trường hợp bạn là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly, bệnh viện. Hãy bình tĩnh chờ và thực hiện giống như trong khu cách ly. Đó là giữ khoảng cách trên 2 m, luôn mang khẩu trang đúng cách, dùng tấm che giọt bắn vì có thể sẽ lây thêm thành viên khác trong gia đình", bác sĩ Khanh nói.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay thực tế ở các địa phương không phải trường hợp nào phát hiện ra F0 cũng được chuyển ngay đến bệnh viện. Do nhiều lý do khách quan, sẽ có khoảng thời gian người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn ở tại nhà chờ lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế.
Trong thời gian này, người nhiễm SARS-CoV-2 cần lưu ý không tự động đi đến các bệnh viện hoặc những nơi công cộng; không sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe hoặc taxi; tự theo dõi các triệu chứng của bản thân. Người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn của nhân viên y tế và báo cáo trung thực tình trạng sức khỏe bản thân.
Tại nhà, F0 cần theo dõi sát và sớm phát hiện các triệu chứng lâm sàng nếu có. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo bác sĩ Thái, F0 nên liên hệ ngay với nhân viên y tế nếu có một trong các tình trạng như khó thở, biểu hiện bằng thở hụt hơi hoặc nhịp thở nhanh từ 25-30 nhịp/phút trở lên, đau tức ngực thường xuyên, lú lẫn, ủ rũ, lơ mơ, rất mệt, tím môi, tím đầu móng tay, móng chân...
"Trong thời gian chờ tới bệnh viện, F0 nên tự chăm sóc bản thân bằng việc nghỉ ngơi, uống nước thường xuyên, không bỏ bữa. Cách 4-6 giờ, người bệnh uống một viên thuốc Paracetamol 0,5 g khi đau đầu, đau người nhiều hoặc sốt trên 39 độ C", bác sĩ Thái nói.
Ông cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hay các loại thuốc khác tại nhà. Bệnh do virus sử dụng kháng sinh không phải là giải pháp. Dùng kháng sinh dễ chọn lọc các chủng vi khuẩn đề kháng, bị nhiễm khuẩn đa kháng sau này. Bệnh nhân tự ý dùng kháng sinh có thể gặp tác dụng phụ và tốn kém.
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho hay khi ở nhà, bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng, xem các chương trình giải trí, thư giãn. Nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này làm cho bạn thấy dễ chịu. Đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút.
Ngoài ra, bạn có thể trang bị một số dụng cụ thông thường để theo dõi sức khỏe như thiết bị đo độ bão hòa oxy đeo ở đầu ngón tay (đo 3-4 lần/ngày), máy đo huyết áp tại nhà, nhiệt kế...
Phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, để tránh lây nhiễm cho những người trong gia đình, bạn nên:
Ở trong phòng riêng, tránh xa người khác và vật nuôi trong nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sử dụng phòng vệ sinh riêng, thường xuyên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
Hãy che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi rồi vứt vào thùng rác có lót túi đựng rác. Sau đó, rửa tay ngay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch bàn tay bằng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi, đi vệ sinh và trước khi ăn hoặc chuẩn bị đồ ăn.
Các F0 tự theo dõi tại nhà cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bạn không dùng chung bát, đĩa, cốc uống nước, khăn hoặc bộ trải giường với người khác trong nhà. Rửa kỹ các vật dụng này sau khi sử dụng bằng xà phòng và nước.
Hãy làm sạch và khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc thường xuyên trong phòng ở và phòng vệ sinh. Các bề mặt hay sờ, chạm vào bao gồm điện thoại, điều khiển từ xa, mặt bếp, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng và bàn cạnh giường ngủ.
Thông báo cho những người thân đã có tiếp xúc gần trong thời gian 3 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng hoặc ngày có kết quả xét nghiệm nCoV dương tính. Bạn hãy nhắc những người tiếp xúc gần này chủ động khai báo y tế tại nơi cư trú.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.