Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

F0 ở Mỹ phải bỏ việc vì di chứng Covid-19, lo sợ bị tái nhiễm

Cảm giác nhớ quên bất chợt ám ảnh Pam Smith hàng ngày. Chị khó đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại và chỉ dám nhận làm bán thời gian vì sức khỏe không cho phép.

bo viec vi di chung hau Covid-19 anh 1

Pam Smith bước vào phòng và quên mất mình đến để làm gì. Tâm trí như bị đám mây mù ảo não bao quanh, khiến người phụ nữ này không thể nhớ nổi bản thân đã đổ rác, thanh toán hóa đơn y tế đúng hạn chưa.

Trước Covid-19, Smith có thể làm việc 110% sức lực. Là quản lý một cửa hàng bán đồ cho vật nuôi, chị đã quen với việc làm ca từ 10 đến 12 tiếng đứng liên tục, giữa không gian ồn ào, tiếp hàng trăm vị khách. Nhưng đó là gần hai năm trước.

“Công việc khá vất vả, nhịp độ nhanh nhưng đó là điều tôi mong đợi. Giờ đây, tôi trở lại với con người hoàn toàn khác”, người phụ nữ tại Michigan, Mỹ, nói.

Tháng 10/2020, Smith mắc Covid-19. Kể từ đó, chị không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Nữ bệnh nhân buộc phải chuyển xuống làm bán thời gian, thu hẹp cuộc sống xã hội. Smith ngủ vùi hàng giờ để lấy lại sức sau ca làm mệt nhoài. Nhưng từng đó vẫn không đủ. “Tôi phải bỏ việc vì di chứng hậu Covid-19”, Smith đau khổ nói.

Đây là một trong số 31 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động gặp phải di chứng hậu Covid-19. Nó khiến họ đối mặt nguy cơ mất việc, sức khỏe tồi tệ đến mức không thể làm bất kỳ điều gì.

“Covid-19 đã hạ gục tôi”

Cảm giác bản thân như đang lạc đường trong chính cuộc sống của mình luôn thường trực. Các hóa đơn y tế với con số khổng lồ chưa được thanh toán, thu nhập của chị ngày càng ít đi. Điều bế tắc là Smith không thể tìm thấy cách giải quyết.

“Covid-19 đã hạ gục tôi. Tôi phải đấu tranh hàng ngày để tồn tại và điều đó thật mệt mỏi", nữ bệnh nhân tâm sự.

Trước khi mắc Covid-19, Smith đã gắn bó với công việc cũ 5 năm và đang tìm mua căn nhà mới với chồng. Nhưng căn bệnh này đã nghiền nát ước mơ của họ. Ngay cả việc kiếm đủ tiền để sống cũng trở nên khó khăn, Smith không thể nghĩ tới việc mua nhà.

Lúc đầu, chị không bị ho và đau tức ngực như chồng. Nhưng sau đó, vị giác mất dần. Người phụ nữ này thêm lượng lớn dầu ớt vào các đồ ăn Trung Quốc - vốn là món khoái khẩu - và nhận ra điều gì đó không ổn. Sau đó, cơ thể của chị đau nhức nặng, co giật liên hồi.

Mỗi lần hít thở là một lần khó nhọc, cảm giác đau tức lồng ngực khiến Smith chật vật. Chỉ số SpO2 của chị thấp hơn bình thường.

Dẫu vậy, chị không thể đến bệnh viện và gắng gượng điều trị tại nhà. Bởi lúc này, thành phố Michigan cũng đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai, số ca mắc mới tăng gấp 3 vào tháng 10/2020. Các bệnh viện quá tải, khuyến cáo người mắc Covid-19 "đừng đến bệnh viện trừ tình huống khẩn cấp".

Smith kết thúc lần mắc Covid-19 bằng bệnh viêm phổi, cảm giác như 9 tuần chỉ có ngủ vùi. Chị không gặp ai cho đến Giáng Sinh vì sợ tái nhiễm. Nhưng cơ thể bệnh nhân này vẫn rất mệt mỏi.

Cảm giác lo sợ tái nhiễm cô lập Smith. Ngay cả những việc lặt vặt vui vẻ cũng khiến chị trở nên căng thẳng và không dám tiếp xúc người khác. Mỗi khi có việc cần ra ngoài, Smith luôn chọn đứng thật xa, nép mình vào lề đường.

Trở lại làm việc thậm chí còn khó hơn.

Ngoài thể chất, công việc khiến chị mệt mỏi về tinh thần. Cảm giác lo lắng vẫn thường trực nên người phụ nữ này đeo khẩu trang gần như 24/7, ngay cả khi thành phố đã bãi bỏ quy định bắt buộc.

Cuối cùng, đầu năm nay, Smith không thể chịu được sự căng thẳng về thể chất, tinh thần, chị quyết định nghỉ việc. "Đó là lần đầu tiên tôi rời bỏ một công việc" - Smith buồn bã nói.

bo viec vi di chung hau Covid-19 anh 2

Sự căng thẳng về tinh thần và thể chất mệt mỏi khiến nhiều F0 như Pam Smith phải bỏ việc. Ảnh: UNICEF.

Hơn một triệu người Mỹ mất việc vì di chứng Covid-19

Tình trạng của Smith không hiếm gặp. Báo cáo của Ban Cố vấn Covid-19 tại Mỹ ước tính gần 50% F0 gặp di chứng phải cắt giảm thời gian làm việc, gần 1/4 bỏ việc.

Theo một phân tích của Viện Brooking, 15% trong số 11 triệu người lao động tại Mỹ đang đối diện di chứng Covid-19. Họ ước tính 1,1 triệu người Mỹ mất đi công việc hoặc không thể tiếp tục lao động do di chứng Covid-19.

Nếu tính cả những F0 vẫn làm việc nhưng phải giảm giờ làm, tác động của hậu Covid-19 lên thị trường lao động là 1,6 triệu công nhân. Số ca mắc và nhập viện giảm, người lao động bắt đầu quay trở lại công việc. Nhưng nhiều F0 vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng cơ thể đấu tranh với kẻ thù mang tên “di chứng Covid-19”.

Tiến sĩ Anthony Harris, chuyên gia tư vấn lâm sàng, cho biết nhiều người vẫn chưa xác định chính xác hậu quả mà di chứng Covid-19 gây ra. Theo ông Harris, di chứng Covid-19 có thể coi là dạng thương tích nghề nghiệp cho người lao động.

"Chắc chắn chúng ta cần đưa phần đánh giá về các tổn thương cơ thể dài hạn và ngắn hạn của bệnh nhân Covid-19. Các tiêu chí phải được đưa ra với mục tiêu giúp ích cho người lao động", TS Harris nhấn mạnh.

bo viec vi di chung hau Covid-19 anh 3

Sau khi khỏi Covid-19, các F0 có thể gặp hơn 200 triệu chứng kéo dài, khiến họ không thể tiếp tục làm việc, đối mặt cuộc sống bấp bênh. Ảnh: Medical News Today.

Ông ví những tác động của đại dịch cho người khỏi bệnh như việc điều trị nạn nhân đầu tiên của vụ khủng bố 11/9. Họ đều gặp những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe. "Chúng ta sẽ ngày càng chứng kiến và nghe nhiều hơn về tác động của Covid-19 với các cá nhân, ngăn họ làm việc", TS Harris dự báo.

Theo báo cáo của Ban Cố vấn Covid-19 tại Mỹ, di chứng hậu Covid-19 có thể phổ biến đến mức 1 trong 3 bệnh nhân gặp hơn 200 triệu chứng khác nhau. Khi chúng ta chưa nhìn nhận, hiểu đúng về nó, bất lợi lâu dài có thể xảy đến mà không thể lường trước.

Nếu Covid-19 trở thành bệnh theo mùa như cúm, nguy cơ nhiều người bị di chứng sẽ tăng theo và tạo ra những tác động lớn, lâu dài tới sức khỏe, sánh ngang với chính đại dịch mà chúng ta đã chật vật để trải qua trong hai năm qua.

Ngoài trợ giúp lâm sàng cho bệnh nhân bị di chứng hậu Covid-19, nhóm nghiên cứu đề xuất F0 được hưởng tình trạng thương tật và bảo hiểm. Điều này giúp họ đảm bảo cuộc sống ngay cả khi bị mất việc, không đủ năng lực lao động.

WHO: Nên tiêm mũi vaccine tăng cường khi Omicron lan rộng

Trong thông báo mới, WHO cho hay mũi tiêm tăng cường giúp giảm nguy cơ nhập viện vì Omicron ở một số nước. Cơ quan này khuyến khích tiêm chủng mũi 3, nhất là nhóm dễ tổn thương.

Những người cha bỏ việc ở nhà chăm con tại Trung Quốc

Thay vì là trụ cột kinh tế chính trong nhà, nhiều nam giới ở Trung Quốc quyết định trở thành những ông bố nội trợ, dành toàn bộ thời gian để chăm con cho vợ đi làm kiếm tiền.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm