Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

F0 ở TP.HCM khỏi bệnh, xin đi chở bộ đội, tải rau củ giúp người dân

Ngay khi hồi phục Covid-19, Trần Đình Mẫn (ngụ ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM) quyết định quay trở lại tuyến đầu để đồng hành cùng em trai.

Ngày 10/7, Trần Đình Mẫn (sinh năm 1989) và em trai Trần Hữu Long Vũ (sinh năm 1997) đăng ký tham gia đội phun khử khuẩn của TP.HCM.

Đến giữa tháng 8, Mẫn phát hiện mình nhiễm Covid-19. Có lo lắng nhưng không mất bình tĩnh, chàng trai 32 tuổi gác lại công việc chống dịch, chuyển đến cách ly ở bệnh viện dã chiến số 8.

"Là một F0 không triệu chứng và cũng đã được tiêm một mũi vaccine trước đó, nên mình vẫn cảm thấy khỏe như thường. Chỉ tiếc là không thể tiếp tục trực tiếp đồng hành cùng anh em trong đội", anh nói với Zing.

Quá trình hồi phục Covid-19 thuận lợi nên chỉ khoảng hai tuần sau khi xuất viện, Mẫn lại trở về với nhóm phun khử khuẩn và dự định đăng ký tham gia chống dịch ở bệnh viện dã chiến vào ngày 15/9.

hai anh em cung di chong dich anh 1

Bức ảnh chụp chung lúc đi chống dịch của hai anh em Mẫn (bên trái) và Vũ ở TP.HCM.

Từ chở bộ đội cho đến tải rau củ giúp người dân

Nhóm của Mẫn gồm 9 thành viên. Ngoài tham gia phun khử khuẩn từ đầu tháng 7, nhóm còn đảm nhận việc tải rau, củ, quả; chở các anh bộ đội theo lệnh điều động của quận đoàn; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho mẹ bầu, hộ khó khăn; chở bình oxy, thuốc men cho F0...

Mẫn cho biết ban đầu các thành viên đều là người xa lạ. Các bạn lên mạng tự tìm hiểu và đăng ký đi phun khuẩn tại Thành Đoàn. Sau khi đăng ký thành công thì được tập hợp lại và chia nhóm nhỏ.

"Lúc này tụi mình hỗ trợ nhau nhiều hơn rồi dần thân thiết. Nhóm cũng bắt đầu gây quỹ 'Sài Gòn Yêu Thương' để thực hiện thêm các công việc thiện nguyện song song với nhiệm vụ phun khử khuẩn".

Hiện tại, nhóm được chia làm 3 đội nhỏ. Đội 1 gồm 3 bạn đi xịt khuẩn từ 8h đến 16h mỗi ngày. Đội 2 gồm 2 bạn đi nhận lệnh chở bộ đội, chở nhu yếu phẩm, thuốc, thời gian làm việc tùy từng ngày, muộn nhất là 23h kết thúc. Đội 3 gồm 3 bạn di chuyển hàng tiếp tế cho người dân tại các phường, từ 8h đến 16h.

Là trưởng nhóm, Mẫn nhận lịch đi phun khuẩn rồi bố trí nhân sự sao cho đủ người trong các ngày, nhắc nhở, hướng dẫn cho team về những cách an toàn khi thao tác máy móc, mặc đồ bảo hộ.

"Ngoài ra, mình cũng cố gắng chia sẻ, động viên từng cá nhân trong đội và phân chia công việc cho team khi đi phát quà thiện nguyện".

"Vui nhất là mỗi ngày điểm danh còn thấy nhau khỏe mạnh"

Sau hơn 2 tháng đồng hành, Mẫn xem tất cả thành viên trong nhóm như người nhà, gia đình của mình.

"Thường xuyên lui tới những nơi có nguy cơ cao như khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến nhưng may mắn là đến hiện tại chỉ duy nhất mình bị nhiễm bệnh rồi nhanh chóng hồi phục. Các thành viên khác đều an toàn".

hai anh em cung di chong dich anh 6

Mẫn cùng em trai chở hàng tiếp tế cho người dân gặp khó trong ngày dịch.

Từ kinh nghiệm cá nhân, Mẫn càng thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích mọi người chủ động phòng tránh, bảo vệ bản thân trong quá trình làm nhiệm vụ.

"Giờ đây, vui nhất là hàng ngày điểm danh còn thấy nhau khỏe mạnh, vui cười sau một ngày đi chống dịch", Mẫn nói.

Khi Mẫn và em trai cùng lên tuyến đầu, gia đình anh hoàn toàn ủng hộ. "Không phải bây giờ mà ngay khi Sài Gòn bùng dịch thì gia đình đã luôn là hậu phương vững chắc cho mình và cậu em trai đi tình nguyện".

Cũng nhờ tham gia chống dịch, Mẫn kể hai anh em thân thiết hơn nhiều. Trước đây, cả hai ít khi ngồi lại nói chuyện, thậm chí chưa từng có bức ảnh chụp chung tử tế.

Vậy mà bây giờ hầu như ngày nào, họ cũng gọi điện, nhắn tin cho nhau. Tối đi làm về, cả hai có khi còn nói chuyện, chia sẻ đến tận khuya.

"Bức ảnh hai anh em mặc đồ bảo hộ khi đi phun khử khuẩn là ảnh chụp chung đầu tiên. Nó có lẽ là khoảnh khắc đồng hành đặc biệt nhất mà anh em mình sẽ nhớ mãi sau này", Mẫn chia sẻ.

Chủ quán ở TP.HCM: '200 khách nhắn hỏi nhưng chưa biết khi nào mở bán'

Trước sự hối thúc của khách quen, chủ quán ăn, tiệm cà phê ở TP.HCM sốt ruột nhưng chưa thể kinh doanh trở lại vì gặp nhiều khó khăn.

Lê Vy

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm