Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số ca mắc Covid-19 trong nước được ghi nhận 7 ngày qua là khoảng 14.487 ca/ngày. Số lượng F0 tiếp tục tăng mạnh, nhiều tỉnh, thành phố đứng trước nguy cơ quá tải hệ thống điều trị.
Số lượng F0 ở Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 10/12, trong 24 giờ qua, số F0 trong cộng đồng là 272 người. Ngoài ra, 478 người được phát hiện ở khu cách ly và 113 ca trong vùng phong tỏa.
Đây cũng là số người dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất từ trước đến nay của Hà Nội sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Kỷ lục trước đó được xác lập vào ngày 6/12 (774 ca).
![]() |
Số ca nhiễm nCoV theo ngày của Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Như vậy, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có tổng cộng 16.822 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 6.341 ca.
Theo số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng, đến nay, thành phố có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 2 là 90,63%.
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất ngày 8/12, Hà Nội hiện có 6.978 trường hợp nhiễm nCoV đang phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này, 5.916 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 979 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 83 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 80 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 2 người phải thở máy không xâm lấn và 1 ca thở máy xâm lấn.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết đã có sự thay đổi về tư duy, chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội trong thời gian tới khi thành phố chuyển từ "Zero Covid" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, quan điểm của thành phố hiện nay là thích ứng an toàn, sống chung và chấp nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong cộng đồng. Vì vậy, mấu chốt chống dịch trong thời điểm này theo bà Hà là bình tĩnh, thận trọng và khoa học.
Cần Thơ quá tải giường điều trị cho bệnh nhân nặng
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 10/12, thành phố ghi nhận 675 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới.
Số ca mắc trong ngày theo quận, huyện là Ninh Kiều: 206 ca, Bình Thủy: 103 ca, Thốt Nốt: 93 ca, Ô Môn: 86 ca, Cái Răng: 64 ca, Vĩnh Thạnh: 47 ca, Thới Lai: 32 ca, Phong Ðiền: 22 ca, Cờ Ðỏ: 18 ca, ngoài thành phố: 4 ca.
Xét trung bình số F0 mới trong vòng 7 ngày qua, Cần Thơ đứng thứ 2 cả nước và chỉ xếp ngay sau TP.HCM với khoảng 891 ca (TP.HCM là 1.433 ca).
Toàn thành phố có 14.562 F0 điều trị tại nhà. Tầng 2 là những cơ sở y tế điều trị F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc có diễn biến vượt chuyên môn của y tế địa phương. Công suất tầng 2 là 2.120 giường, số F0 đang điều trị cũng gần lấp kín với 1890 bệnh nhân.
10 tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc Covid-19 trung bình cao nhất trong 7 ngày | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | TP.HCM | Cần Thơ | Tây Ninh | Đồng Tháp | Sóc Trăng | Bến Tre | Bình Phước | Cà Mau | Hà Nội | Bà Rịa - Vũng Tàu | |
Số F0 trung bình 7 ngày qua | Người | 1433 | 891 | 852 | 700 | 682 | 643 | 620 | 617 | 576 | 555 |
Đáng chú ý, tầng 3 chuyên điều trị F0 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền theo chuyên khoa, bệnh lý cần cấp cứu với công suất 330 giường, nhưng có đến 477 ca nặng đang điều trị.
Tại Cần Thơ, tỷ lệ dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 70,1%. Trong đó, nhóm trên 50 tuổi có 80,13% người được tiêm đủ liều vaccine.
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 10/12, tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm 822 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 532 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng.
Trong ngày, tỉnh này cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Tính từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 65 ca tử vong và một trường hợp tử vong do nhồi máu não, nhiễm SARS-CoV-2.
Hiện tại, tổng số 7.445 F0 được điều trị; trong đó, tầng 3 có 28 trường hợp; F0 điều trị tầng 2 có 45 trường hợp và F0 điều trị tầng 1 có 7.372 trường hợp. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 238 người đang cách ly tập trung; 6.475 người đang cách ly tại nhà và 3.222 hộ đang cách ly. Cà Mau đang theo dõi 58 chùm ca bệnh.
Theo báo Cà Mau, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện số ca mắc Covid-19 của tỉnh bình quân là 120 ca/100.000 dân. Trong đó, TP Cà Mau có số ca mắc cao nhất, có những phường tăng rất cao, đủ điều kiện nâng cấp độ 4. Vấn đề đặt ra là TP Cà Mau cần có những biện pháp ngăn dịch lây lan, sàng lọc bệnh nhân để điều trị tại nhà, tiếp tục xét nghiệm tầm soát quyết liệt trong vòng 2 tuần, áp dụng các biện pháp mạnh hơn.
Ngành y tế đang tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế để cung cấp thêm thuốc điều trị kháng virus, cần mua bổ sung thêm test xét nghiệm để tầm soát diện rộng. Đối với y tế tuyến cơ sở, hiện trạm y tế lưu động đã trang bị oxy, máy tạo oxy khí trời (còn 100 cái), nhu cầu oxy không thiếu trong tình hình hiện tại. Các bệnh viện, cần xúc tiến nhanh trang bị thêm oxy lỏng để điều trị kịp thời bệnh nhân.
Theo Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, ngày 10/12, Tây Ninh có 861 ca mắc mới. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 60.327 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; 16.149 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong ngày, 14 ca tử vong; luỹ kế, số ca tử vong do Covid-19 đến ngày 10/12 là 387 ca. Tây Ninh từ tỉnh có số ca mắc tương đối thấp, gần đây luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành có số ca mắc cao nhất cả nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cơ quan này đã điều động, tăng cường nhân lực điều trị từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện E và Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện cho các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ An Giang; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu; Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 9/12, cả nước có 1.029.505 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 130.935.854 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.550.657 liều, tiêm mũi 2 là 56.385.197 liều.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn. Đặc biệt, cơ quan này lưu ý các địa phương ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Sáng 10/12, TP.HCM tiêm mũi vaccine Covid-19 nhắc lại (mũi 3) cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các điểm tiêm đầu tiên được triển khai tại quận Gò Vấp gồm Đại học Công nghiệp và Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng, HIV/AIDS.
Đối tượng tiêm mũi 3 là nhân viên y tế, cán bộ công an, tổ Covid-19 cộng đồng và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các trường hợp thuộc diện tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại sẽ được lập danh sách. Sau đó, chính quyền địa phương và công an xác minh thông tin, tổ chức tiêm chủng.
Theo lộ trình, tháng 12, TP.HCM tập trung tiêm mũi bổ sung cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm mũi nhắc lại cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.