Vui mừng nhưng chưa hài lòng
Sau khi đại diện công ty quản lý ca sĩ Jung Yong Hwa (Hàn Quốc) - tác giả bài hát Because I Miss You - gửi thư cho Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam xác nhận, ca khúc Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ Sơn Tùng M-TP không ăn cắp bản quyền, người hâm mộ nam ca sĩ 9X đã bày tỏ sự vui mừng. Tuy nhiên, một số người vẫn thể hiện sự khó hiểu về nhận xét trước đó của những người trong nghề khi cho rằng tác giả Nguyễn Thanh Tùng đạo nhạc suốt thời gian qua.
Từ thông tin trên Zing.vn về việc Sơn Tùng được giải oan không đạo nhạc, bạn Lê Nhật Tân viết, anh cảm thấy rất mừng và qua đây cũng thấy được nỗ lực của ca sĩ trẻ đã được chấp nhận và hy vọng bài hát Chắc ai đó sẽ về sẽ trở lại các bảng xếp hạng âm nhạc và có thể nhận được nhiều giải thưởng uy tín.
“Tôi muốn gửi lời chúc mừng Sơn Tùng vì mọi chuyện cũng có hồi kết tốt đẹp. Tôi thấy thật tội nghiệp nam ca sĩ này vì nhiều ngày qua anh phải chịu biết bao điều tai tiếng. Tôi không phải fan, nhưng bản thân nhận thức được các bài hát của anh khá hay và anh cũng là người có tài năng, ngoại hình phù hợp để trở thành một ngôi sao mới của làng nhạc”, Nguyễn Minh Lộc bộc bạch.
Độc giả Lê Việt Hà chia sẻ: “Tôi không phải fan Sơn Tùng và từng tẩy chay bài hát Chắc ai đó sẽ về vì nghe mọi người nói đạo nhạc, nhưng bây giờ tôi nhận mình đã sai và muốn gửi lời xin lỗi nam ca sĩ”.
Theo suy nghĩ của độc giả này, học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi, nghĩ là đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Vì vậy, Việt Hà mong các bạn trẻ hãy suy xét mọi việc kỹ càng để có cái nhìn tích cực hơn trước một vấn đề và không nên vội vàng phán xét, quy chụp hay vùi dập người khác khi chưa biết rõ sự thật.
Sơn Tùng M-TP xuất hiện sau scandal đạo nhạc. Ảnh: Thành Luân. |
Nhưng điều mà người nghe nhạc đến nay vẫn quan tâm nhất chính là cách xử lý của các bên liên quan thiếu chuyên nghiệp và chậm chạp. Bởi tận bây giờ họ cũng chưa hiểu rõ được những người có trách nhiệm kiểm định, đánh giá bài hát Chắc ai đó đã về của Sơn Tùng dựa vào yếu tố cụ thể nào để đánh giá ca khúc là đạo nhạc hay không đạo nhạc?
Vì vậy, độc giả ý kiến những nhà chuyên môn khiến nhiều người rơi vào ranh giới mập mờ của đạo với không đạo là gần giống, na ná, ghép nhạc lên beat khác thấy khớp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng, thống nhất để không dẫn đến những tranh cãi kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều người như vụ của Sơn Tùng thời gian vừa qua.
Còn với những nhạc sĩ Việt, nhà chuyên môn đã nhận xét Sơn Tùng đạo nhạc, Nhật Tân cho rằng, người trong giới cũng có lý lẽ riêng và phải thấy được điểm trùng nhau mới đưa ra đánh giá. Họ không thể vì một ca sĩ trẻ mới gia nhập showbiz mà dùng uy tín do chính họ bỏ công xây dựng suốt nhiều năm để đánh đổi một chút hư danh. Vì vậy, nam độc giả không trách những nhà chuyên môn.
Bài toán của lương tâm
Trước những ý kiến của người hâm mộ, độc giả Minh Quốc chia sẻ quan điểm vấn đề trong scandal của Sơn Tùng không phải là đạo/không đạo nhạc mà chính là ý thức của mỗi người trong sáng tạo các sản phẩm (không chỉ nghệ thuật). Khi các nhà sáng tác thực hiện được nếp nghĩ này thì sẽ không bao giờ những việc tương tự. “Đây đơn giản chỉ là bài toán của lương tâm”, anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, bạn đọc Lê Hà Khôi Nguyên cũng là người làm nghề nên anh đồng ý việc Sơn Tùng học hỏi từ nền âm nhạc các nước khác. Nhưng anh tự hỏi, tại sao chất jazz của Keiko Matsui lại không giống chất jazz của người Mỹ, dù Keiko đã học hỏi và vay mượn? Người Nhật cũng có nhạc rock, pop, cũng học từ Anh - Mỹ, nhưng tại sao người nghe lại nhận ra rõ ràng đó là nhạc của người Nhật đến vậy? Thậm chí, nhạc Hàn vang lên ai cũng biết là Kpop, không thể nhầm lẫn vào đâu.
“Các bạn nghĩ rằng chỉ vài ba nốt nhạc là đủ sao? Nó còn cả cách sắp xếp các nốt nhạc trong bài để tạo phong cách riêng cho một phong cách nhạc, văn hóa nhạc nữa. Tôi chỉ lo những ca sĩ trẻ sau này sẽ chẳng chịu lao động sáng tạo, thích dùng beat ngoại rồi viết lời, lúc đó, chẳng khác Kpop hát bằng tiếng Việt”, Khôi Nguyên trăn trở.