Hơn 100 triệu đồng là số tiền mà fanpage Yeol Best - EXO ChanYeol's Vietnam Fanpage, một cộng đồng người hâm mộ Chanyeol (EXO), chi trả để thực hiện chiến dịch chào đón thần tượng Hàn Quốc đến Hà Nội.
Trong đó, các fan đóng góp 2/3 quỹ, số còn lại được fanpage trích quỹ để bù thêm.
Chiến dịch gồm nhiều hoạt động và trải dài suốt tháng 12, từ trình chiếu video về nam idol trên màn hình LED rộng 272 m2 ở quận Ba Đình (Hà Nội), cho đến chuẩn bị booth chụp hình, bảng LED khung sắt cỡ lớn, bóng bay khí cầu, in ấn băng rôn và hàng trăm bảng đèn cầm tay.
Hiện số tiền này và công sức của các fan coi như "mất trắng", vì Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2 đã bị hủy sát giờ.
Hàng trăm bảng cầm tay, cùng bảng đèn LED kích thước lớn đã được fanpage chuẩn bị. Ảnh: NVCC. |
Chiều 22/12, BTC sự kiện chính thức thông báo về việc dừng tổ chức chương trình, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 23/12 và 24/12 tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).
Lý do được đưa ra là "chưa thể đảm bảo và đáp ứng được hết các yêu cầu mà công ty đã báo cáo với thành phố Hà Nội cũng như kế hoạch đã thông báo đến khán giả như ban đầu".
“Bao nhiêu công sức, tiền của và chất xám của chúng tôi coi như đổ sông, đổ bể”, đại diện của fanpage Yeol Best, có hơn 600.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, chia sẻ với Tri thức - Znews.
Tổn thất hàng trăm triệu đồng
Trước khi BTC đưa ra thông báo chính thức, từ ngày 20/12, hàng loạt nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc đã thông báo không tham dự vì BTC không tuân thủ điều khoản trong hợp đồng.
Đêm 21/12, nhiều fandom có đại diện làm việc với BTC cũng nhận được thông tin rằng sự kiện này bị hủy đột ngột.
“Cú quay xe” bất ngờ của đơn vị tổ chức ngay trước thềm sự kiện đã đẩy nhiều fanpage Kpop vào thế khó.
Chẳng hạn, ban quản trị của fanpage Yeol Best đã đứng ra tổ chức gom mua vé. Hoạt động này rất phổ biến ở fandom Kpop nói chung, nhằm đảm bảo những người hâm mộ có thể ngồi gần nhau và cùng thực hiện các project cổ vũ thần tượng của mình tại đêm nhạc hội.
Nhóm fan đã chi tiền để trình chiếu video về thần tượng trên màn hình LED rộng 272 m2 ở quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Tổng số vé mà fanpage này đại diện mua cho người hâm mộ là 1.400 vé, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Trước tình hình hiện nay, ban quản trị phải gánh trách nhiệm đòi hoàn tiền vé cho từng người mua.
Đó là chưa kể đến việc fanpage này cũng mất hàng chục triệu đồng tiền cọc cho những hạng mục thi công, như in ấn backdrop, bảng đèn LED hay lắp đặt booth chụp ảnh phục vụ đêm nhạc hội.
Red Balloons Team, một liên minh giữa các cộng đồng fan nhóm nhạc DBSK ở Việt Nam, cũng đang tìm hướng xử lý sau khi nhận tin concert bị hủy bỏ.
Trước đó, họ nhận được khoản quyên góp hơn 117 triệu đồng từ các fan nhằm tổ chức chiến dịch chào đón Kim Jae-joong đến Việt Nam. Tương tự Yeol Best, họ đã sử dụng số tiền này để đặt cọc, thanh toán một số hạng mục.
Just SJ - Super Junior Vietnamese Fanpage, cộng đồng người hâm mộ nhóm nhạc Super Junior với hơn 56.000 lượt theo dõi, đăng tải rằng họ đang tích cực làm việc với BTC để đảm bảo quyền lợi hoàn tiền vé concert.
Ban quản trị fanpage cũng nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức một buổi gặp mặt offline vào chiều 23/12 nhằm xoa dịu nỗi thất vọng của các fan khi không được gặp bộ đôi Donghae và Eunhyuk tại đêm nhạc hội.
Người hâm mộ ấm ức
Những người hâm mộ nhiệt thành cũng hứng chịu tổn thất lớn, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Hải Yến (22 tuổi), du học sinh Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản), đã chi hơn 15 triệu đồng cho cặp vé máy bay khứ hồi về Hà Nội để tham dự Đại nhạc hội K-Pop Open Air #2.
Cô đã mua 2 vé, tổng 7 triệu đồng, để tham gia cổ vũ Xiumin và Chen, hai thành viên nhóm nhạc EXO, ở cả 2 đêm nhạc 23 và 24/12. Hải Yến cũng đặt trước phòng khách sạn 7 đêm, hoàn tất thanh toán 4,2 triệu đồng.
Năm 2019, lễ trao giải Asia Artist Awards (AAA) diễn ra ở Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) cũng gặp hàng loạt sự cố đáng xấu hổ, gây bức xúc cho người hâm mộ trong nước và quốc tế. |
Với việc bỏ ra chừng ấy chi phí, chưa bao gồm tiền ăn uống và di chuyển trong thành phố, Hải Yến cảm thấy sốc khi sự kiện bị hủy đột ngột.
“Số tiền hoàn vé cũng chẳng thấm vào đâu so với những gì tôi bỏ ra”, cô nói với Tri thức - Znews.
Còn Trung Đức (25 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã bật khóc ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Anh sốc khi đọc thông báo huỷ concert từ các hội, nhóm fandom trên mạng xã hội.
Trung Đức đã chi gần 20 triệu đồng cho lần “đu concert” này, bao gồm 2 tấm vé VVIP trị giá 10,4 triệu đồng, cặp vé máy bay khứ hồi trị giá 3,5 triệu đồng và 1,9 triệu đồng tiền thuê khách sạn 3 đêm. Là người hâm mộ ca sĩ Kim Jae-joong (JYJ) hơn 5 năm, anh cho rằng đây là cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ, xem thần tượng biểu diễn trực tiếp.
Đến Hà Nội đúng đợt rét đậm, rét hại khiến Trung Đức không kịp thích nghi và đổ bệnh, phải uống thuốc điều trị cảm cúm 2 ngày qua. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng có mặt tại sân vận động Mỹ Đình để gặp gỡ những người hâm mộ khác đến từ nhiều nơi. Anh cho biết một số fan thậm chí bay từ nước ngoài về Hà Nội để có thể gặp thần tượng.
“Chúng tôi gặp mặt để an ủi nhau. Sự tổn thất về mặt tinh thần và sức khoẻ này không thể bù đắp bằng tiền”, anh giãi bày.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.