Với kinh nghiệm đu hơn 10 đêm nhạc trong và ngoài nước, như Born Pink World Tour ở cả Bangkok (Thái Lan) và Hà Nội, Galaxy Stage In Vietnam, Masked Singer Concert và GENFest ở TP.HCM, Thảo Nguyên (24 tuổi, TP.HCM) đánh giá ngành công nghiệp concert ở Việt Nam chưa làm tốt như các đơn vị quốc tế.
"Quyền lợi của vé VIP không hợp lý với số tiền đã bỏ ra, chương trình bắt đầu quá trễ so với timeline, hệ thống âm thanh, ánh sáng tệ, chỗ ngồi bị chắn tầm nhìn sân khấu", cô chia sẻ.
Không chỉ Thảo Nguyên, nhiều người hâm mộ cũng gặp phải không ít tình huống phiền toái khi tham gia các sự kiện âm nhạc trong nước. Họ đánh giá những đêm nhạc trên “sân nhà” còn khá hạn chế về khâu tổ chức, quản lý, sắp xếp chỗ ngồi và phân phối vé.
Nhóm nhạc BlackPink tổ chức show diễn ở Hà Nội hồi tháng 7. Ảnh: YG. |
Giá vé cao, khâu tổ chức hạn chế
“Như show Born Pink Hanoi vừa rồi, so sánh giữa các nước Đông Nam Á thì giá vé VIP ở Việt Nam chỉ kém hơn encore tại Thái Lan 200.000 đồng. Cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác nhưng những gì nhận lại không tương xứng”, Thảo Nguyên nói.
Theo thông tin từ trang bán vé, với những khán giả sở hữu vé VIP, quyền lợi chỉ bao gồm: vật phẩm, bộ ảnh độc quyền 8 chiếc, khu vực riêng, di chuyển theo lối đi riêng và được check-in sớm.
Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi mà BlackPink không xuất hiện ở phần soundcheck.
Nguyên cho biết nếu đánh giá trên thang điểm 10, cô sẽ cho Thái Lan 8/10, còn “sân nhà” 5/10 về công đoạn tổ chức các sự kiện giải trí.
Thảo Nguyên từng tham gia nhiều concert trong và ngoài nước. Ảnh: Thảo Nguyên. |
Sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện cũng là tiêu chí quan trọng đối với Đặng Mai (23 tuổi, quận 3, TP.HCM) khi “đu concert” trong và ngoài nước.
Trong năm nay, Đặng Mai đã tham gia 2 đêm diễn thuộc chuyến lưu diễn Born Pink World Tour ở Bangkok và Hà Nội.
Thông thường, khi đi xem show diễn của thần tượng, cô sẽ chọn hạng vé tầm 5-8 triệu đồng để được đứng gần sân khấu nhất. Theo cô, nếu ban tổ chức có sẵn kinh nghiệm với những buổi biểu diễn lớn thì giá vé sẽ rẻ hơn.
Về trải nghiệm trong suốt quá trình đi concert, Mai đánh giá xứ Chùa Vàng làm tốt hơn Việt Nam về khâu quản lý hậu cần, dịch vụ đi kèm, khiến thời gian chờ đợi rút ngắn đi rất nhiều.
“Đơn vị tổ chức ở nước mình còn khá mới, việc sắp xếp chỗ ngồi giữa các hạng ghế còn thiếu sự hợp lý. Bằng chứng là vào đêm diễn 2, rất nhiều vé quét mã trên app lẫn email đều bị báo lỗi. Trong khi theo timeline chương trình ngày 1, 19h30 sẽ bắt đầu buổi diễn. Nhưng ngày sau bị dời lại 30 phút do còn nhiều khán giả không thể check-in vào khu vực”, Mai chia sẻ.
Ngoài ra, do sự chênh lệch khó hiểu giữa các mức vé, Mai đã chọn một chỗ ngồi khác, quan sát ở trên cao, thay vì hạng Platinum hoặc VIP như thông thường.
Tuy nhiên, cô cho rằng không khí ở Born Pink Hanoi là bùng nổ và nhiệt huyết nhất. Hầu như không có fanchant (từ khóa do fan sử dụng để cổ vũ idol) vì mọi người đều hát xuyên suốt màn trình diễn.
Còn ở Thái Lan, thời gian giao lưu với 4 bông hồng của BlackPink cũng như khả năng tương tác bị hạn chế vì rào cản ngôn ngữ.
Các chương trình âm nhạc ở nước ngoài thu hút hàng trăm nghìn bạn trẻ đến tham gia. Ảnh: Cathie Coward/The Hamilton Spectator. |
Trước đó, nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế diễn ra tại Việt Nam cũng nhận về không ít bình luận trái chiều từ khán giả.
Chẳng hạn, tại lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 diễn ra ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), hàng loạt sự cố đáng xấu hổ diễn ra khiến ban tổ chức bị chê thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc cho người hâm mộ.
Sự hỗn loạn, mất kiểm soát, an ninh không được thắt chặt, "phá giá" vé và giờ giấc thay đổi liên tục khiến AAA 2019 bị đánh giá là lễ trao giải thảm họa.
Gần đây, những chương trình giải trí như Open Air #2 X-Mas Festival in Hanoi hay đêm nhạc Westlife tại TP.HCM cũng liên tiếp gây tranh cãi về vấn đề mua bán vé.
Riêng concert Westlife diễn ra vào tối 21/11 đến giờ vẫn hứng "gạch đá" từ khán giả sau loạt lùm xùm liên quan đến quảng cáo sàn giao dịch tiền ảo, web cá độ.
Concert Westlife diễn ra cuối tháng 11 ở TP.HCM gây tranh cãi. Ảnh: AMO. |
Lợi thế "sân nhà"
Một năm gần đây, văn hóa concert phát triển mạnh mẽ hơn khi hàng loạt lễ hội âm nhạc được tổ chức rộng rãi.
Theo Thanh Phương (24 tuổi, TP.HCM), fan Kpop lâu năm, 2023 là một năm đặc biệt với người hâm mộ Kpop lẫn US-UK vì “làn sóng” nghệ sĩ quốc tế đổ bộ đến Việt Nam trình diễn.
Thanh Phương vui mừng khi nhiều ngôi sao quốc tế đến Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Thanh Phương. |
Chẳng hạn, trong năm nay, fan Việt đã đón không ít ngôi sao và nhóm nhạc nổi tiếng như Super Junior, BlackPink, BamBam (GOT7), Westlife…
Trong 3 tháng cuối năm, fan lại tiếp tục được gặp Maroon 5 tại đại nhạc hội 8Wonder Winter Festival 2023 (Phú Quốc) hay các thần tượng Kpop trong show diễn Open Air #2 X-mas Festival in Hanoi.
Vì thế, mọi người tiết kiệm được chi phí di chuyển thay vì phải bay sang nước ngoài để tận mắt nhìn thấy thần tượng. Ngoài ra, “đu concert” trong nước sẽ không có rào cản ngôn ngữ, được nghe idol giao lưu bằng tiếng Việt, nhạc Việt sẽ "đã" hơn rất nhiều.
Kể từ lần đầu "đu concert" vào năm 2017 đến nay, Phương đã tham gia gần 10 sự kiện âm nhạc trong nước và quốc tế. Mỗi lần, cô đều chọn hạng vé VIP để đứng gần sân khấu, dao động 5-10 triệu đồng/vé.
Phương chia sẻ ngân sách cho mỗi chuyến đi tùy vào địa điểm. Chi phí ăn uống, đi lại ở các nước Đông Nam Á sẽ rơi vào khoảng 10-15 triệu đồng, còn Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đắt hơn gấp đôi.
Chẳng hạn, nếu muốn đi Thái Lan, fan cần phải chuẩn bị tối thiểu 12 triệu đồng. Trong khi đó, cùng là một buổi diễn nhưng nếu tham dự trong nước, các khoản phí sẽ “mềm” hơn rất nhiều.
Chi phí là một trong những điểm khiến Phương Linh ưu ái concert trong nước hơn là nước ngoài. Ảnh: NVCC. |
Phương Linh (24 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng thích tận hưởng đêm nhạc của nghệ sĩ yêu thích trên chính “sân nhà”. Bỏ qua một số mặt hạn chế, cô nhận xét giá vé rẻ và chi phí tiết kiệm là điểm cộng lớn cho các concert nội địa.
“Không phải tốn thêm tiền ăn ở, di chuyển mà còn được ‘hít chung không khí’ với thần tượng thì còn gì bằng. Với lại tiền tệ ở các nước như Đài Loan, Singapore có mệnh giá cao hơn Việt Nam nên chắc chắn chi phí đi concert nước ngoài sẽ bị ‘độn’ lên cao”, Linh nói.
Gần đây, cô đã tham gia đêm diễn của Super Junior tại TP.HCM. Theo Linh quan sát, khâu tổ chức khá ổn, hầu hết fan đều hài lòng.
“Mình biết việc vận hành các concert trong nước còn nhiều khuyết điểm, cần thêm thời gian để cải thiện. Song không phải show nào cũng như thế. Các chương trình mình từng tham dự trước đây đều khá chất lượng”, Linh đánh giá.
Tháng 3/2024, Phương Linh sẽ tham gia concert The Eras Tour tại Singapore (Taylor Swift). Những ca khúc của nữ ca sĩ sinh năm 1989 từng giúp Linh vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Do đó, cô quyết định chi hơn 20 triệu đồng để đến tận nơi xem thần tượng biểu diễn.
Với kinh nghiệm "đu concert" dày dặn, Thanh Phương và Phương Linh cho biết sau khi “cầm tấm vé trên tay”, các fan nên mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn càng sớm càng tốt.
Với Phương Linh, để không bị rơi vào tình trạng cháy túi, cô thường để dành 1 - 3 tháng cho những concert gần nhà, có giá vé phải chăng và 3-6 tháng cho những sự kiện ở nước ngoài.
Nhóm nhạc Super Junior (Hàn Quốc) tổ chức concert tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) vào tháng 3/2023. Ảnh: Minh Hạo. |
Còn Thanh Phương cho hay nếu không mua được vé gốc, mọi người nên kiên nhẫn tìm kiếm trong cộng đồng fan xem có ai muốn đổi vé hoặc bán lại hay không, thay vì mua từ “chợ đen” với giá cao gấp 5-6 lần.
“Bên cạnh đó, hãy tham khảo từng thị trường quốc gia mình muốn đến. Thường thì BTC nước ngoài sẽ mở bán cho các fan tham gia membership và fan bản địa trước rồi mới bán công khai. Vì thế, bạn có thể nhờ người quen ở nước đó mua vé sớm và tránh bị lừa đảo”, Phương nói thêm.