Nguyễn Phương Thảo (29 tuổi, Hà Nội) trở về khách sạn vào lúc 12h30, sau khi xem đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP.HCM hôm 19/10. Sau 5 tiếng xem, hát, quẩy và hò hét hết mình, Thảo không hề thấy mệt.
Cô dành mấy tiếng đồng hồ sau đó để xem đi xem lại các video, đăng status và story, lướt mạng xã hội, chia sẻ clip… Tất cả nội dung đều xoay quanh buổi biểu diễn. "Tôi cảm thấy hơi mỏi chân và tai cũng ù đi vì hò hét, nhưng cảm xúc 'đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới' chưa từng có. Ước gì concert kéo dài thêm mấy tiếng nữa", cô nói.
Sự hưng phấn đó khiến Thảo thức đến 4h sáng.
Đêm 19/10, concert của hai chương trình âm nhạc Anh trai "say hi" và Anh trai vượt ngàn chông gai cùng diễn ra tại TP.HCM. Nhiều khán giả chia sẻ họ chưa bao giờ được trải nghiệm những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng, công phu đến như vậy của các nghệ sĩ Việt.
Những ngày tiếp theo, cuộc thảo luận về hai concert này vẫn rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội. Các nghệ sĩ - nhiều trong số này còn trẻ, ở độ tuổi Gen Z - liên tục được nhắc tên, khen ngợi tài năng. Không ít khán giả trước đây vốn chỉ quen thần tượng các ngôi sao nước ngoài, nay bắt đầu "quay xe" đu idol quốc nội. Giờ đây, nhắc đến văn hóa fandom, mọi người không còn mặc định đó là Kpop vì cộng đồng fan Việt đu idol Việt cũng đang ngày càng lớn mạnh, chịu chơi và chịu chi hơn.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Tất Hữu Đăng Khoa, cựu Giám đốc âm nhạc của TikTok Vietnam, cho rằng đã có sự thay đổi thị hiếu rõ nét trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Theo ông, khán giả hiện tại yêu thích những chương trình thực tế tập thể gồm nhiều nghệ sỹ; cùng xây dựng những điều hay ho, tốt đẹp; nhưng cũng phải có sự cạnh tranh.
"Yếu tố 'tinh thần dân tộc' đang là điểm thu hút đối với tất cả khán giả ở mọi độ tuổi, đây là tính hiệu tốt đối với gu thưởng thức của khán giả", ông Khoa nhận định.
Các ca sĩ chụp ảnh cùng khán giả tại concert Anh trai "say hi". Ảnh: Anh trai "say hi". |
Xu hướng tất yếu
Fandom là cụm từ chỉ cộng đồng người hâm mộ của một thần tượng. Khi ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, cụm từ này cũng dần gắn liền với văn hóa thần tượng của nước này.
Tại Việt Nam, văn hóa fandom từng không được chú ý quá nhiều, dù các nghệ sĩ lớn vẫn có lượng fan hùng hậu và khá gắn kết. Nhưng sau thành công của Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai "say hi", hiện tượng này được quan tâm nhiều hơn. Khán giả của các nghệ sĩ trong hai chương trình này không chỉ đơn giản là những người xem thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, mà còn kết nối với nhau thành các cộng đồng người hâm mộ.
Khi ở trong một fandom, người hâm mộ không đơn giản là chỉ thường xuyên dành thời gian và nguồn lực cho những người nổi tiếng họ yêu thích, mà còn thể hiện tình yêu đó thông qua các hoạt động có tính tổ chức, hệ thống hơn và dựa trên cộng đồng.
Nghệ sĩ tặng quà, fan dựng food truck ở concert Anh trai "say hi". Ảnh: Anh trai "say hi". |
Tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, người hâm mộ thường gửi các food truck - chiếc xe đồ ăn, nước uống, quà tặng để ủng hộ thần tượng - đến cho 33 anh tài. Còn tại concert Anh trai "say hi", food truck cũng được dựng kín ở lối vào. Hàng trăm người hâm mộ vây kín những chiếc xe được trang trí bằng hoa tươi, bóng bay khi các anh trai xuất hiện để giao lưu cùng khán giả trong những ngày tổng duyệt sân khấu trước concert.
"Thị trường" card bo góc - chiếc photocard in ảnh thần tượng - của anh trai, anh tài cũng bắt đầu sôi động trong các fandom. Sau concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Phương Thảo và nhiều khán giả đã đăng bài tìm kiếm card bo góc - thứ được phát ở concert - của nghệ sĩ mình mến mộ. "Thay vì bán, mọi người thường trao đổi hoặc tặng card bo góc cho nhau", Thảo cho biết.
Các fandom cũng thường đăng tải lịch trình biểu diễn của thần tượng để người hâm mộ có thể theo dõi và cổ vũ. Một số cộng đồng fan còn nêu các cách ủng hộ idol như tặng quà cho nghệ sĩ, làm project, vote cho nghệ sĩ tại các giải thưởng, bảo vệ idol một cách văn minh...
Theo ông Đăng Khoa, sự hình thành, phát triển nhanh của văn hóa fandom tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. "Điều đó đã và đang diễn ra ở các nước khác và ngành giải trí Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tôi tin là với dân số trẻ của nước ta hiện nay, các fandom của nghệ sỹ Việt có thể hình thành muộn, nhưng chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng, sôi nổi hơn các nước khác trong thời gian tới".
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai công bố bán được 20.000 vé. Ảnh: Phương Lâm. |
"Chưa bao giờ thuộc nhạc Việt nhiều như vậy"
Văn hóa fandom dành cho nghệ sĩ Việt nhìn chung có nhiều nét tương đồng với nền công nghiệp Kpop. Food truck, card bo góc, đu lịch trình... là những thuật ngữ đều xuất phát từ văn hóa thần tượng Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các fandom đang phát triển của các nghệ sĩ Việt cũng có nhiều nét riêng.
Nguyễn Lê Thục Quyên (19 tuổi, TP.HCM) cho biết điểm khác biệt lớn nhất khi đu idol quốc tế và idol quốc nội là khả năng tương tác và cảm giác thân thuộc. "Thần tượng Việt Nam tất nhiên sẽ có nhiều sự tương tác với fan club hơn. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ rào cản ngôn ngữ nào nên đu idol trong nước cảm giác sẽ thân thuộc hơn nhiều".
Thục Quyên tham gia concert Anh trai "say hi" ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Quyên đã mua vé đi xem concert Anh trai "say hi" và cảm thấy rất bất ngờ, ấn tượng. "Là fan Kpop lâu năm, lần đầu đi đu idol quốc nội, mình thực sự đã phải ồ lên vì idol Việt giờ đỉnh quá".
Còn với Lê Uyên, người đã xem concert Anh trai vượt ngàn chông gai, cô cảm thấy "xứng đáng và tự hào khi quay xe đu idol quốc nội sau 16 năm đam mê Kpop". "Tôi nhảy và hát không thiếu một phút nào, có lẽ cả đời chưa bao giờ thuộc nhạc Việt nhiều như vậy", cô chia sẻ cảm xúc sau đêm diễn ngày 19/10.
Tương tư như khi hâm mộ nghệ sĩ Hàn Quốc, giờ đây Uyên cũng tham gia vào các hội nhóm thần tượng ca sĩ Việt, đọc mọi tin tức liên quan đến idol, ship OTP - ghép cặp các idol với nhau.
Từng tham dự nhiều concert của nghệ sĩ quốc tế, Uyên chỉ ra nhiều điểm khác biệt trong việc đu idol nước ngoài và trong nước. "Với idol quốc tế, giữa fan và idol sẽ có khoảng cách nhất định vì Kpop đã là một ngành công nghiệp. Idol quốc tế họ có quá nhiều fan và biết rõ mình phải làm gì. Mối quan hệ giữa fan và idol là cho và nhận một cách công bằng".
Khán giả theo dõi concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: Phương Lâm. |
Với các anh tài, Uyên cảm giác trong ngày diễn ra concert, khán giả được nhận lại nhiều hơn. "Từ việc giao lưu, tặng quà và trình diễn, các nghệ sĩ đều rất gần gũi như những anh trai hàng xóm vậy".
Uyên còn cảm thấy các nghệ sĩ Việt Nam đang rất thích thú với văn hoá fandom, nên sự tương tác với người hâm mộ trở nên tích cực và tự nhiên hơn. "Đây cũng là điểm tôi thích nhất khi đu idol trong nước", cô nói.
Ông Đăng Khoa cho rằng fan Việt nếu hâm mộ nghệ sỹ Việt chắc chắn "sướng hơn nhiều" khi thần tượng nghệ sỹ quốc tế. Nghệ sỹ Việt thân thiện, dễ tiếp cận hơn và họ cũng dành nhiều thời gian tương tác với fan hơn. Điều này rất dễ thấy khi fan tham gia broadcast, group social của nghệ sỹ trong nước.
"Nếu có mục đích 'săn' gặp trực tiếp nghệ sỹ Việt, bạn cũng sẽ thấy nó dễ dàng hơn rất nhiều. Và khi đã gặp họ rồi, bạn sẽ nhận ra mức độ thân thiện và nhiệt tình của các idol quốc nội đối với fan", ông Khoa cho hay.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.