1. So với mực nước biển, ga Đà Lạt nằm ở độ cao bao nhiêu?
Nhiều ý kiến cho rằng ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính và đẹp nhất Đông Dương. Ga được xây dựng từ năm 1932, khánh thành năm 1938, nằm ở độ cao 1.550 m so với mực nước biển. Vì thế, ga Đà Lạt có thể xem là nhà ga "cao nhất" Việt Nam. Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm (Phan Rang, Ninh Thuận) nối thành phố cao nguyên với miền duyên hải trong thời Pháp là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở Việt Nam và hiếm thấy trên thế giới, giúp vượt qua những trở ngại khắc nghiệt về mặt địa hình. Ảnh: @mornahu. |
2. Ga Đà Lạt lấy cảm hứng thiết kế từ hình tượng thiên nhiên nào?
Ga Đà Lạt do 2 kiến trúc sư Reveron và Moncet thiết kế, tương tự các nhà ga ở Pháp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tạo dấu ấn riêng, tác giả công trình đã khéo léo đưa những yếu tố bản địa vào ga Đà Lạt. 3 chóp nhọn tam giác có thể thấy ở mặt tiền và mặt hậu nhà ga tượng trưng cho núi Lang Biang hùng vĩ của vùng đất cao nguyên, như chào đón du khách khi vừa đến ga. Ngoài cảm hứng từ hình tượng thiên nhiên này, ga Đà Lạt còn được xem là công trình thể hiện nét kiến trúc nhà rông đặc sắc ở Tây Nguyên. Ảnh: Đỗ Trường Thịnh. |
3. Ga Đà Lạt được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia vào năm nào?
Được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia năm 2001, ga Đà Lạt là nhà ga duy nhất của ngành đường sắt Việt Nam có vinh dự này. Với nhiều giá trị lịch sử - kiến trúc quan trọng, ga Đà Lạt hiện được khai thác phục vụ du lịch, trở thành một trong những điểm tham quan hút khách ở thành phố ngàn hoa. Ảnh: @mingortt_117. |
4. Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, còn gọi là nhà thờ Con Gà được xây dựng trong bao nhiêu năm?
Tọa lạc ở đường Trần Phú, nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là một trong những kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất thành phố ngàn hoa thơ mộng. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ tháng 7/1931, đến tháng 1/1942 mới khánh thành. Trải qua 11 năm dài thi công, chia thành 3 giai đoạn chính, một công trình với kiến trúc đối xứng theo lối cổ điển được hình thành, song có nhiều khác biệt so với các nhà thờ cùng thời ở Hà Nội và Sài Gòn. Cửa chính nhà thờ hướng về núi Lang Biang hùng vĩ. Ảnh: Chun Hong Lee. |
5. Vì sao người dân thường gọi nhà thờ Chính tòa Đà Lạt là nhà thờ Con Gà?
Trên đỉnh thánh giá của tháp chuông nhà thờ Chính tòa Đà Lạt có cột thu lôi đúc hình con gà độc đáo, cao khoảng 0,58 m, vì thế người ta còn gọi nhà thờ bằng tên dân gian là nhà thờ Con Gà. Nhiều ý kiến cho rằng hình tượng gà ở đây vừa thể hiện biểu tượng gà trống Gaulois của nước Pháp, vừa tượng trưng cho thánh Phêrô và sự thức tỉnh, sám hối. Tháp chuông nhà thờ Con Gà cao 47 m, nên từ nhiều nơi trong thành phố, bạn có thể nhìn thấy công trình này. Ảnh: @martino_quang. |
6. Là một công trình độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu, kiến trúc Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có đặc điểm nào sau đây?
Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thời Pháp là trường Grand Lycee Yersin do kiến trúc sư Moncet thiết kế, chỉ đạo xây dựng. Trường có nhiều nét kiến trúc độc đáo hiếm thấy, dễ gây ấn tượng như khối phòng học "uốn mình" theo cung tròn mềm mại và có tháp chuông cao hơn 50 m, lợp ngói thạch bản nổi bật giữa trời xanh. Khi thiết kế, tác giả còn có ý đưa vào công trình đường nét kiến trúc đặc trưng ở vùng Morges (Thụy Sĩ), quê hương bác sĩ A. Yersin, người có công khám phá ra Đà Lạt. Ảnh: @miin.95. |
7. Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia vào năm nào?
Cùng với ga Đà Lạt, năm 2001, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia. Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) cũng vinh danh ngôi trường độc đáo này vào danh sách 1.000 công trình xây dựng tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. Với vẻ đẹp cổ kính, trường là điểm check-in của rất nhiều bạn trẻ khi du lịch đến thành phố cao nguyên thơ mộng Đà Lạ. Ảnh: @userfaceless. |