'GÃ ĐẦU BẠC 7X' SÁNG CHỤP CHÍNH KHÁCH, CHIỀU SĂN ẢNH MƯA NGẬP
Nam phóng viên ảnh ngoài 40 tuổi vẫn hăng say tác nghiệp hơn nhiều lớp trẻ. Anh có mặt từ nghị trường đến các sự vụ bão lũ, đại dịch và các sự kiện văn hoá, xã hội, thể thao...
- Alo, phố cổ Hội An lại ngập vì lũ. Anh có đi không? Vé máy bay dịp này cũng khá rẻ.
- Vậy à? Liệu mình vào đến nơi có kịp không hay nước rút hết?
- Cứ đi thôi, cuộc sống người dân sau lũ còn nhiều thứ để phản ánh.
Đó là một cuộc hội thoại trao đổi nhanh hồi cuối tháng 10/2020 giữa phóng viên ảnh Phạm Quang Vinh (Báo Đại Đoàn Kết) và một đồng nghiệp thân thiết.
Quyết định gấp từ buổi trưa, cố tác nghiệp nốt sự kiện ở trung tâm thủ đô, đến chiều bắt taxi ra sân bay Nội Bài thì suýt bị trễ, may mắn Quang Vinh vẫn được xe buýt chở ra cầu thang máy bay để kịp đến Đà Nẵng lúc 19h.
Đến muộn, may mắn anh Vinh vẫn được xe buýt chở riêng ra cầu thang máy bay để kịp đến Đà Nẵng lúc 19h. |
Chuyến đi này, anh tự bỏ tiền túi mua vé máy bay khứ hồi cùng hai đêm khách sạn và nhiều chi phí lặt vặt khác chỉ để lao vào vùng ngập ở phố cổ Hội An đưa tin. Và đồng nhuận bút sau đó thu được chỉ bằng 1/10 những gì phóng viên bỏ ra.
Anh Vinh kể: "Muốn đi công tác phải làm đề xuất lên cấp trên mất nhiều thời gian, khi được duyệt thì nước ngập chắc đã rút hết. Không làm thì lấy đâu ra phóng sự ảnh cho số cuối tuần. Trong khi tình hình lũ lụt miền Trung đang căng thẳng như vậy mà tôi chỉ ở thủ đô tác nghiệp thật không yên lòng".
Những cuộc gọi bất chợt lúc 'nửa đêm gà gáy'
Ở các sự kiện lớn nhỏ vài năm gần đây, người làm báo hay gặp một người đàn ông cao lênh khênh, tóc bạc trắng, đôi khi đội thêm chiếc mũ đỏ lăn lê bò toài để chọn góc bấm máy. Đó chính là anh - một phóng viên ảnh tuy đã ngoài 40 tuổi nhưng độ dấn thân và cần cù ít đồng nghiệp ở cùng lứa sánh được, tuy rằng thâm niên nghề nghiệp của anh còn chưa đủ nửa thập kỷ. Những đồng nghiệp thân quen thường gọi anh với biệt danh "Gã đầu bạc" hoặc "Vinh đầu bạc".
23h nhận điện thoại, 3h lên đường. "Ngủ ngày cày đêm" là chuyện cơm bữa đối với phóng viên ảnh. |
23h30 ngày 14/5/2021, anh Quang Vinh tắt điện, chuẩn bị cùng gia đình đi ngủ. Chợt chiếc điện thoại đổ chuông, số của một đồng nghiệp, anh bắt máy:
- Anh Vinh, em vừa nhận được tin ngày mai Quảng Ninh tiễn 200 y bác sĩ lên đường chi viện cho Bắc Giang. Họ làm sớm lắm, để kịp thì mình phải đi từ 3h. Anh tính thế nào?
- Thì đi thôi chứ còn tính thế nào nữa chú. Anh Vinh cười vui vẻ đáp lại.
Vậy là chuyến công tác đi tỉnh xa được anh quyết định trong vòng 'chưa đầy nốt nhạc'. Do đặc thù công việc của một phóng viên ảnh, anh đã quen với những cuộc gọi chớp nhoáng và những chuyến đi bất thình lình như thế.
Anh tranh thủ gói ghém đồ đạc rồi chợp mắt. 3h xuất phát, anh còn hơn 2 tiếng đồng hồ để ngủ. Khi anh rời khỏi nhà, vợ con vẫn đang yên giấc. Khe khẽ đóng chặt cửa lại, Vinh vội rời đi vì những đồng nghiệp cũng đang đợi anh để lên đường.
Cũng vì có nhiều chuyến đi gấp như vậy, thời gian nghỉ ngơi ít, một lần anh từng bị ngủ gật khi lái ôtô trên cao tốc và va chạm với xe tải. May mắn, tử thần còn ở rất xa người đàn ông cần mẫn.
Một trong những chuyến tác nghiệp đưa tin về dịch Covid-19 của anh Vinh và đồng nghiệp. |
2 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều công ty, nhà máy đóng cửa, người nghỉ làm, người mất việc. Thế nhưng Vinh và những đồng nghiệp của mình thì ngược lại. Khối lượng thông tin lớn, nguồn đề tài đổ về liên tục, ngày nào anh cũng lao ra hiện trường để đi làm.
Những cuộc gọi bất chợt lại tăng lên, anh Vinh cũng trong guồng quay với công việc, nhiều khi quên cả ngày tháng. Những bữa ăn của anh cũng vì thế mà trở nên vội vàng, tạm bợ. Còn trong cốp chiếc ôtô i10, thay vì để đồ đạc cho gia đình thỉnh thoảng đi chơi thì đến nay cũng chất đầy đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn.
4 năm xông pha mọi chiến tuyến, Vinh khiến nhiều đồng nghiệp trẻ nể phục vì độ dấn thân và sự chăm chỉ. Từ Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… đến điểm phong toả ổ dịch Covid-19... không nơi nào thiếu bóng dáng "gã đầu bạc".
Khi chỉnh tề ở nghị trường, lúc xắn quần lội nước ngoài đường
“Ô, xin chào anh Vinh đầu bạc”… câu cửa miệng của một số phóng viên báo chí khi nhìn thấy anh ở Hội trường Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay kể cả ngoài đường phố.
Hầu như ngày nào anh Vinh cũng phải tìm được đề tài gì đó để chụp ảnh. Ở cái tuổi ngoài 40, khi có mặt ở đâu cũng phải "bon chen" cạnh các em trẻ. Đã bao nhiêu phóng viên ảnh 6X, 7X bỏ nghề khi mới ở ngưỡng 40 tuổi vì nhiều lý do khác nhau hoặc không đủ sức "chạy" hàng ngày thì mới 4 năm, Quang Vinh chỉ là người chập chững bước chân vào nghề báo. Nam phóng viên sinh năm 1978 bảo kể từ khi cầm máy, ban đầu thường bị mọi người xung quanh gọi là “chú” bởi mái tóc bạc sớm. Sau này, anh thường xuyên phải đi nhuộm tóc để cho trẻ hơn.
Quang Vinh sáng ở nghị trường, chiều săn ảnh ùn tắc giao thông, tối ra sân vận động Mỹ Đình tác nghiệp trận đấu bóng đá. |
Chuyện tác nghiệp của phóng viên ảnh nói chung (không chỉ riêng anh Vinh), sáng có thể các anh vận áo sơ mi, quần âu trong sự kiện ngoại giao, chiều mặc soóc, chân đi dép lê lăn ra các ngóc ngách chụp ảnh mưa ngập là chuyện bình thường. Nói một cách ví von vui như nhà báo Hữu Nghị: "Văn phòng của chúng tôi là ở chợ Đồng Xuân, ngã tư đường, không phải văn phòng máy lạnh, đút chân gầm bàn như nhiều nghề khác".
Bởi ở các cơ quan báo chí, mỗi toà soạn thường chỉ có từ 1 đến 2 phóng viên chuyên chụp ảnh, họ làm về mọi lĩnh vực của đời sống. Thế nên có những ngày, một tay máy có thể sáng chụp ảnh Tổng bí thư, Thủ tướng, trưa lội nước ngoài đường tác nghiệp mưa ngập, chiều lăn vào khu vực ùn tắc giao thông, tối lên thảm đỏ, sân khấu ca múa nhạc tác nghiệp showbiz...
Với cá nhân Quang Vinh, anh còn có nhiều dịp tác nghiệp tại các giải bóng đá quốc tế và trong nước. "Gã đầu bạc" là một trong số ít người từng được mang tác phẩm ảnh đội tuyển quốc gia Việt Nam đưa đi in lịch với mục đích thương mại cũng như biếu, tặng.
Nói về những kỷ niệm tác nghiệp sau 4 năm vào nghề, Vinh chia sẻ hồi năm 2018, các tỉnh miền núi phía bắc phải chịu những thiên tai về lũ lụt sạt lở rất nghiêm trọng, anh cùng đoàn công tác Mặt trận Tổ quốc đi cứu trợ, trao quà cho các vùng bị thiệt hại. Khi đoàn xe đi từ Sa Pa sang Lai Châu, qua đoạn Ô Quý Hồ thì chiếc ôtô anh đang ngồi trên đó (gồm có 4 người và nhiều thùng quà cứu trợ) bị mất lái ở khúc cua. Đường lúc này trơn trượt vì băng đóng dày, kín, thời tiết rất lạnh, âm 4 độ C.
“Khoảnh khắc đó, tôi ngồi bên ghế phụ nên cảm nhận rất rõ, chiếc xe hoàn toàn bị mất lái, tự do trôi nhanh về phía vực sâu. Tài xế lúc đó chỉ kịp ú ớ kêu xe mất lái rồi hai lần. May sao lúc trượt dài gần sát mép vực thì xe tôi đâm vào chiếc xe tải đỗ ngược chiều rồi khựng lại. Cũng vì đường trơn quá, chiếc xe tải đó không đi được đã 2 ngày”, Vinh kể. Thế nhưng sau bao khó khăn, vất vả ấy, những bức ảnh, câu chuyện ghi nhận được luôn là những thành quả khiến anh Phạm Quang Vinh cảm thấy hạnh phúc.
Những tác phẩm của 'Vinh đầu bạc'
Việc mua sắm máy ảnh, ống kính anh cũng phải tự túc, số tiền đầu tư ngang ngửa một chiếc ôtô phân khúc thấp nhất. “Nghề phóng viên ảnh là một nghề phải tự bỏ chi phí rất tốn kém. Muốn ảnh đẹp, thích ứng tác nghiệp tốt trong mọi hoàn cảnh thì tiền đầu tư cho thiết bị luôn là vấn đề đau đầu. Hàng trăm triệu đồng được bỏ ra đầu tư cũng chỉ được vài năm là hư hỏng, rồi lại phải tái đầu tư… Ấy thế mà đồng nghiệp ai cũng cố gắng tự sắm hết. Yêu nghề, hết mình cho chất lượng công việc thì phải chấp nhận chứ biết sao”, Vinh chia sẻ.
Hơn 4 năm trước, anh Vinh là một nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ thiết kế làm việc ở nhà in, lúc rảnh hay lang thang mọi nơi để chụp ảnh, ghi lại những cảnh đẹp, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tháng 5/2017, một người quen gọi điện nói rằng Báo Đại Đoàn Kết đang thiếu phóng viên ảnh, đề nghị anh thử việc. Ban đầu anh còn từ chối vì cho rằng không biết gì về nghề. Nhưng cũng vì muốn bản thân được thử sức, cuối cùng anh cũng mạnh dạn gật đầu. Qua quá trình 6 tháng cộng tác không lương, anh được nhận vào làm việc chính thức, kể từ đó đến nay. Anh Vinh coi đó là một trong những ngày đặc biệt của cuộc đời mình, cái ngày mà “nghề chọn người” là có thật.
Năm 2018, anh từng tham dự và được giải ở Cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam. “Đối với người hành nghề nhiếp ảnh, giá trị mang lại chủ yếu là yếu tố tinh thần. Và để có được điều đó họ phải hy sinh vật chất rất nhiều. Nghề nào cũng vậy thôi, với tôi yếu tố đầu tiên đó là sự đam mê, nhiệt huyết. Nếu tính toán hơn thiệt quá, sẽ khó lòng mà thành công được với con đường mình theo đuổi”, nam phóng viên khẳng định.
Nhận xét về đồng nghiệp cùng toà soạn, nhà báo Công Khanh khẳng định: "Đó là một phóng viên ảnh kỳ lạ. Bìa báo Đại Đoàn Kết chỉ có duy nhất phóng viên ảnh Phạm Quang Vinh phụ trách. Anh ấy làm các thể loại, từ nghị trường tới đời sống, phóng sự, pháp luật hay các buổi lễ lớn nhỏ của cơ quan như nhậm chức, về hưu, tiệc cuối năm... chỗ nào cũng có ảnh của anh Vinh. Nhưng vấn đề theo tôi không phải ở số lượng hay chất lượng mà là ở cái tâm người chụp ảnh. Anh ấy mang lại cảm giác an tâm hiếm thấy".
Muốn là tấm gương cho con
Đặc thù công việc của phóng viên ảnh là không thể ngồi nhà. Vinh buộc phải ra đường, hiện trường, tới nơi có sự kiện để mang hình ảnh về. Anh không thể không đi, thậm chí phải đi rất nhiều. Các sự kiện nóng hổi Vinh cũng như nhiều đồng nghiệp khác cần phải có mặt kịp thời. Nhiều sự việc diễn ra rất phức tạp, nguy hiểm người phóng viên cần phải đối mặt mới đảm bảo được chất lượng thông tin. "Nếu một phóng viên có những tác phẩm tốt, gây được hiệu ứng đến với độc giả đó là sự thành công của tác giả cũng như tờ báo mà người đó công tác. Đó là lý do ngày nay, nhiều đơn vị báo chí rất coi trọng hình ảnh trực quan, nhất là thời buổi báo điện tử rất phát triển, đòi hỏi những cú click chuột", anh khẳng định.
Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ nóng bức và những thiết bị máy ảnh cồng kềnh đeo trên người, anh Vinh trở về cuộc sống bình thường với vợ và hai cậu con trai trong căn nhà nhỏ. "Gã đầu bạc" buông tay máy xuống, quay lại làm ông bố hài hước và ân cần.
Công việc bận bịu, thời gian công tác chẳng khi nào cố định. Vì vậy những lúc ở nhà, anh Vinh lại tranh thủ chăm sóc và chơi cùng các con. Dịch bệnh, hai đứa nhỏ cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học mầm non đều phải nghỉ học ở nhà. Những hôm mẹ đi làm, bố công tác đột xuất, hai cu cậu lại tự trông nhau.
Có buổi trưa đi làm về, anh Vinh mở cửa vào nhà thấy yên ắng. Bát đũa ăn cơm xong cậu anh lớn để gọn vào bồn rửa bát. Nhìn quanh, anh thấy hai đứa trẻ đang năm ngủ ngon lành. Để dỗ dành cho em ngủ, cậu anh để cho em nằm gọn trên ngực mình. "Chà, có vẻ con trai mình cũng lớn thật rồi", anh Vinh chợt nghĩ.
Mỗi lần nói về bản thân, anh Vinh khiêm tốn, chưa khi nào nhận rằng mình giỏi. Anh còn nói vui rằng mình tuy già nhưng tuổi nghề lại non trẻ, có khi phải học hỏi các em 8X, 9X nhiều. Thế nhưng cái mà anh Vinh có lại là tinh thần "dám nghĩ, dám làm". Anh sẵn sàng làm những điều chưa từng làm, thử những điều người ta cho rằng khó.
"Vì tôi muốn ngẩng cao đầu, làm gương cho con trai mình. Sau này khi con lớn, con sẽ can đảm để đương đầu với khó khăn", vừa nhìn hai cậu bé chơi vui vẻ anh Vinh vừa nói.