Tại hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hiện nay mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động.
Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỷ lít bia. Năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất.
Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60 gam cồn trở lên).
Xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giao thông. 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, chưa tính bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng.
TS Quang phát biểu tại hội thảo sáng 8/11. Ảnh: PV. |
“Chi phí chi cho tiền mua rượu bia mỗi năm người dân rất lớn, khoảng 4 tỷ USD/năm, trong khi giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD. Thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước có 50.000 tỷ đồng, nhưng theo WTO, mức thấp nhất chi phí bỏ ra cho việc phòng chống tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm thì mất 65.000 tỷ đồng”, ông Quang quan ngại.
Sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Không chỉ gây hệ lụy về mặt kinh tế, rượu bia còn gây hệ lụy lớn đến xã hội. Việc sử dụng rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 (chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữ giới).
Rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân khi là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật; nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh.
Theo ông Quang, tác hại của rượu bia về sức khỏe có thể phải lâu dài mới thấy, nhưng trước mắt, những tác hại trong khía cạnh kinh tế, xã hội, giao thông, thì có thể thấy ngay.
Ông dẫn chứng: “Có những trường hợp khi người bố chết, đứa con đã khóc: “Bố ơi tại sao bố lại uống rượu? Người cha này chết do nghiện rượu. Lúc sống, có bao nhiêu tiền của gia đình ông ấy mang đi mua rượu hết, thức ăn của con cũng mang ra nhậu khiến gia đình nghèo khổ, rồi say rượu đánh vợ con và cuối cùng chết”.
Cũng tại hội thảo, Việt Nam đã đưa ra cam kết của mình liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được trình Quốc hội vào ngày mai, 9/11. TS Nguyễn Huy Quang, cho biết Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ba mục tiêu gồm kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 lần này, mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia sẽ không được xem xét đến. “Luật vẫn quy định mức thuế cũ và có thể sẽ tăng trong tương lai gần đây”, ông Quang nói.