Xây dựng vỉa hè ở Thiên Tân. Ảnh: Gilles Sabrie/The New York Times. |
Lời cảnh báo được đưa ra trong một nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Sư phạm Hoa Nam của Trung Quốc, đăng trên tạp chí Science ngày 19/4 khi đất đai Trung Quốc rơi vào cảnh sụt lún ở mức độ vừa phải đến nghiêm trọng. Bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh, nghiên cứu đã xác định tỷ lệ trồi sụt của mặt đất ở 82 thành phố lớn trong 7 năm (2015-2022).
Cụ thể, các tác giả phát hiện 45% đất đai ở vùng đô thị Trung Quốc (nơi sinh sống của 270 triệu người) đang bị sụt xuống hơn 3 mm mỗi năm. Con số này tăng lên 10 mm/năm đối với 16% diện tích (nơi sinh sống của 67 triệu người).
Ngoài ra, khoảng 6% đất ở các thành phố ven biển Trung Quốc hiện có độ cao tương đối thấp so với mực nước biển. Nghiên cứu này cho thấy nếu mực nước biển trung bình toàn cầu tăng gần 0,9 m vào năm 2120 thì tỷ lệ đất "chìm" có thể tăng lên 26%. Nói cách khác, 1/4 đất ven biển trong 100 năm tới có nguy cơ sụt xuống thấp hơn mực nước biển, khiến hàng trăm triệu người đối diện với thảm cảnh ngập lụt.
Những con số ước tính trên có vẻ nhỏ nhưng chúng sẽ nhanh chóng "tích tiểu thành đại", theo The New York Times.
"Đây là một vấn đề mang tính quốc gia", ông Robert Nicholls, nhà khí hậu học và kỹ sư xây dựng tại Đại học East Anglia (Anh), bày tỏ sau khi xem bài báo trên Science.
Bắc Kinh là nơi có tốc độ "chìm" nhanh nhất cả nước. Trong ảnh là tòa tháp CITIC cao nhất Bắc Kinh. Ảnh: CITIC Group. |
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do sức nặng của tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các hoạt động như bơm nước từ tầng ngậm nước, khoan dầu và khai thác than cũng để lại khoảng trống dưới lòng đất - nơi đất, đá có thể nén lại hoặc đổ sập.
Thủ đô Bắc Kinh là một trong những nơi đang "chìm" nhanh nhất trên cả nước. Năm ngoái, Thiên Tân gần đó cũng chứng kiến 3.000 nghìn cư dân được sơ tán khỏi các tòa chung cư cao tầng sau một thảm họa địa lý bất thường - các nhà điều tra xác định do cạn kiệt nguồn nước cũng như xây dựng giếng địa nhiệt.
Không chỉ Trung Quốc, tình trạng sụt lún xảy ra phổ biến ở nhiều nơi với mức độ không đồng đều, song nó chưa được quan tâm đúng mức, theo tiến sĩ Manoochehr Shirzaei, nhà địa vật lý tại Virginia Tech, người đã nghiên cứu hiện tượng sụt lún ở các thành phố ven biển của Mỹ.
“Phần lớn chiến lược thích ứng và kế hoạch chống biến đổi khí hậu đều không chính xác, bởi chúng không bao gồm biện pháp đối phó tình trạng sụt lún đất”, ông bày tỏ.
Theo các chuyên gia, "chìa khóa" để làm chậm quá trình này là hạn chế khai thác mạch nước ngầm, song rất khó để giải quyết triệt để vấn đề nên người dân vẫn phải học cách "sống chung với lũ".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.