Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 60% mặt hàng 'cõng' thủ tục quản lý của 2-3 bộ trở lên

Làm việc với Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng thủ tục thông quan, quản lý với hàng hóa còn rườm rà, phức tạp.

'Sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh không phải là mở tung cửa' Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh việc Bộ NN&PTNT xóa bỏ các điều kiện kinh doanh cần bảo đảm an ninh, môi trường và sức khỏe của người dân.

Sáng 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cắt giảm mạnh danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành theo hướng tránh chồng chéo, chịu sự điều chỉnh, quản lý của các cơ quan ngay cùng một bộ hoặc nhiều bộ.

"58,8% mặt hàng phải chịu thủ tục quản lý của 2-3 bộ trở lên, thời gian thông quan hải quan chiếm 28%, thời gian thông quan chuyên ngành chiếm 72%. Điều này cho thấy mức độ rườm rà, phức tạp của các bộ, ban ngành", ông Mai Tiến Dũng nêu thực trạng.

Hang hoa kiem tra chong cheo nhieu Bo anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Ông Dũng lấy ví dụ nhóm mặt hàng sữa chua, sữa bột, phô mai vừa phải kiểm dịch theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp, vừa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Bộ Nông nghiệp cần đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành các dịch vụ hàng hoá đang chồng chéo.

"Sắp tới, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 38 theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một bộ quản lý, kiểm tra", ông cho biết.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định Việt Nam đang dịch chuyển từ nền nông nghiệp trong nước, sản xuất manh mún sang hướng hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Việt Nam cần thay đổi, thích ứng với nền nông nghiệp hàng hoá xuất khẩu trong thời kỳ mới và đó là quá trình còn đầy rẫy khó khăn, tiếp tục rà soát chấn chỉnh, thích ứng chứ không đơn giản", ông nói.

Chỉ trong vòng 2 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 5 bộ luật quan trọng cùng các nghị định theo yêu cầu đột xuất.

Hang hoa kiem tra chong cheo nhieu Bo anh 2

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trà My.

Về vấn đề lâm nghiệp, ông Cường khẳng định hệ số che phủ của nước ta hiện khoảng 41,19%, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có hệ số che phủ cao trên thế giới và đặc biệt trong khu vực.

"Đến nay, ngành kinh tế lâm nghiệp đem lại cho nước ta 7,3 tỷ USD xuất khẩu. Việt Nam hiện là một trong 5 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới. Ngành kinh tế lâm nghiệp tạo ra nguồn sinh thuỷ, trong đó có hệ thống thuỷ điện Lai Châu - Sơn La - Hoà Bình, chiếm tỷ trọng gần 40%", ông Cường nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhắc lại lời của Thủ tướng là không nên bằng lòng với thành tựu này, bởi còn nhiều bất cập trong lâm nghiệp. Nạn tàn phá rừng diễn ra ngày càng phức tạp trước thách thức biến đổi khí hậu và cản trở quá trình tăng trưởng xanh.

"Chuỗi giá trị gần 8 tỷ USD chưa phải là cao, chúng ta cần xây dựng lại Luật lâm nghiệp chặt chẽ hơn", ông nói. 

Trong 10 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. 

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ, Bộ đề nghị Chính phủ xem xét giao một bộ đầu mối chủ trì, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm.

Không thống nhất về trách nhiệm của đăng kiểm trong vụ tàu vỏ thép

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng trách nhiệm trong việc vụ tàu vỏ thép thuộc về nhà máy đóng tàu song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp không đồng tình.


Trà My

Bạn có thể quan tâm