Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc khắc phục, xử lý vụ việc tàu vỏ thép nằm bờ. Ngoài ra, Bộ này còn nhận được câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm khi để xảy ra vụ việc.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết trách nhiệm trong vụ hỏng tàu vỏ thép thuộc về đơn vị đóng tàu. Ông Oai lấy ví dụ một chiếc xe sau khi đăng kiểm xong, bị thay lốp không đảm bảo chất lượng thì không thể đổ lỗi cho cơ quan đăng kiểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết thêm lãnh đạo Bộ NN&PTNT đang kiểm tra lại quy trình đăng kiểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan.
“Với trách nhiệm cơ quan đăng kiểm, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đang xem xét toàn bộ trách nhiệm liên đới ở mức nào và phải làm rõ, trách nhiệm của từng đăng kiểm viên ra sao”, ông Oai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Oai. Ảnh: Hiếu Công. |
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện các tàu hỏng chủ yếu do Nhà máy đóng tàu Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương thực hiện. Việc khắc phục đang được các đơn vị thỏa thuận với người dân.
Về việc Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương ven biển; báo cáo kết quả trong tháng 8/2017, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết chưa nhận được thông báo về kết quả điều tra.
Tuy nhiên, cuổi buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết khi để xảy ra vụ việc tàu vỏ thép nằm bờ, cơ quan đăng kiểm thuộc Bộ không phải không có trách nhiệm. Theo đó, Bộ Nông nghiệp đang chỉ đạo kiểm tra lại công tác đăng kiểm. Ngoài ra, Bộ này cũng xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.
40 tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67 bị hư hỏng nặng phải nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, vào tháng 4, nhiều ngư dân phản ánh cơ quan chức năng Bình Định về tình trạng tàu thép bị gỉ sét nặng, máy móc, thiết bị liên tục gặp sự cố.
Ngày 31/5, 18 chủ tàu đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng tàu thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng. Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.
Từ ngày 6 đến 10/6, bảy chủ tàu thép đột ngột rút đơn sau khi thỏa thuận với đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Ngày 26/6, Bình Định công bố kết quả thẩm định, nêu rõ hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.