Nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), gánh bún suông (còn được gọi là bún đuông) của bà Phạm Thị Lương (53 tuổi) là một trong những địa điểm ăn uống được người dân Sài thành yêu thích. Không biển hiệu cầu kỳ, mỗi ngày chỉ bán từ 6h đến 9h, quán ăn nhỏ đắt hàng nhờ hương vị gia truyền và sự tận tâm của người chủ. |
Bà Lương, chủ quán đời thứ 3, cho biết tính đến nay, gánh ăn này đã gần 100 tuổi. Trước đây, bà Lương ở Đồng Nai, theo chồng lên Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp. Sau đó, bà phụ mẹ chồng bán bún, dọn bàn, rồi được truyền lại bí quyết nấu bún. |
Do nguyên liệu khá nhiều, bà chủ phải dậy từ 2h sáng để chuẩn bị, nấu nước lèo. Trong các công đoạn, phần khó nhất là làm suông vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Suông được làm từ phần thịt tôm giã ra rồi trộn với bột, tẩm gia vị vừa ăn, nặn thành hình giống con đuông dừa và nấu với lửa vừa để giữ được độ dẻo. “Làm con suông khó lắm, nhìn vậy đó nhưng bắt chước lại chưa chắc làm được, làm không đúng cách sẽ dễ bị hỏng, ăn không ngon”, chủ gánh bún nói với Zing. |
Ngoài suông, hương vị rất riêng của nước lèo cũng là một trong những điểm đặc biệt giữ chân thực khách tại gánh bún không tên này. Theo bà Lương, để làm nên độ ngọt, không bị mặn, nước lèo phải được nấu chung với dừa tươi nguyên chất, huyết vịt và mực. Bên cạnh việc giữ đúng công thức bà nội để lại, canh nhiệt độ bếp cũng là điều tối quan trọng. |
Một số người đến đây vì tò mò, được bạn bè giới thiệu rồi trở thành khách quen của gánh bún. Ngoài người dân sống gần đó, nhiều bạn trẻ cũng thường xuyên ghé qua ủng hộ. |
Phương Thảo (18 tuổi, quận 4) vô tình ghé qua ăn thử rồi mê luôn món bún suông. “Một lần, đi dọc đường thấy quán đông nên mình vào luôn. Mình thích nước lèo ở đây, có mùi nước dừa nhẹ, thanh ngọt, miếng suông mềm, rất vừa ăn, hợp khẩu vị. Chắc chắn sẽ ghé qua ủng hộ cô dài dài”, nữ sinh chia sẻ. |
Gánh bún của bà Lương được bày trí bắt mắt, ngăn nắp trong không gian nhỏ gọn. Nhiều khách đến đây thích ngồi gần quầy để trò chuyện với cô chủ. Anh Thanh Phong (30 tuổi, quận 4) là “mối ruột” của gánh bún này hơn một năm. Sáng nào trước khi đi làm anh cũng phải ghé qua ăn một tô, lâu lâu mới đổi món. “Cô chủ dễ thương lắm, thích hỏi han mọi người. Cô biết rõ tôi thích ăn gì, kén nguyên liệu nào, nên tới là không cần gọi cô tự làm luôn”, anh Phong cho hay. |
Với khoảng 40.000-50.000 đồng, thực khách có thể lựa chọn bún suông thập cẩm, tôm, giò heo hoặc thịt nạc. Khách có thể chấm đồ ăn cùng với nước me được sên với đường và tương ngọt. |
Nhờ sự nhiệt tình, chu đáo, quán bún của bà Lương lúc nào cũng đông khách, riêng những ngày cuối tuần là “bận không kịp trở tay”. “Ngày nào còn được khách thương, khách ủng hộ là vui rồi. Mình cứ bán bằng cái tâm, lấy nguyên liệu tươi, lúc nào cũng chất lượng là được”, người chủ quán tâm sự. |
Điều khiến bà tự hào nhất về gánh bún của gia đình là sự lâu đời, không thay đổi cách nấu, mọi thứ vẫn như công thức đời trước để lại. Nhiều người góp ý nên sắm thêm xe đẩy hoặc mở cửa tiệm khang trang nhưng bà từ chối. "Nhiều người tới quay hình, chụp ảnh, có cả kênh nước ngoài tới phỏng vấn, nhưng mình phục vụ bà con là chủ yếu nên để gánh hàng bình dân thôi. Ngoài ra, tôi giữ lại gánh bún từ bà nội truyền lại để làm kỷ niệm và tạo nên nét đặc trưng cho quán", bà Lương cho biết. |