Trước khi Thượng Hải, Trung Quốc, phải phong tỏa vì Covid-19, bác sĩ tâm lý Hu Bojun nhận được nhiều câu hỏi và lời đề nghị khám, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Từ tháng 4, bác sĩ Hu bắt đầu nhận hỗ trợ thêm bằng tiếng Anh và tiếng Trung cho khách hàng ở mọi tầng lớp xã hội.
“Những người thuộc thành phần kinh tế xã hội khác nhau cũng tham gia tư vấn với cùng vấn đề. Các khách hàng cũ của tôi quay lại và có thêm rất nhiều bệnh nhân mới”, vị chuyên gia chia sẻ và tiết lộ có rất nhiều người ở Trung Quốc đến gặp cô vì sự căng thẳng, cô đơn trong giai đoạn vô cùng bất ổn.
Cuộc khủng hoảng
Hơn 400 triệu người dân đang sống trong cảnh phong tỏa, hỗ trợ sức khỏe tâm thần hiện là dịch vụ được tìm kiếm nhiều ở Trung Quốc. Công cụ tìm kiếm Baidu giữa tháng 4 đã ghi nhận số lượng người tìm kiếm “tư vấn tâm lý” tăng đột biến kể từ tháng 3.
Bệnh tâm thần là cuộc khủng hoảng đang thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình Trung Quốc. Theo WHO, 54 triệu người ở quốc gia này bị trầm cảm và khoảng 41 triệu người bị rối loạn lo âu. Đây là 2 trong số những bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên cả nước.
Một nhân viên y tế chuyển đồ dùng hàng ngày đến phòng cách ly trong một khách sạn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Ảnh: Xinhua/REX/Shutterstock. |
Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang trở thành gánh nặng khi dân số Trung Quốc già đi. Nhiều người già phải đối mặt với sự cô đơn khi con cái chuyển tới các thành phố lớn để gây dựng sự nghiệp. Trong một nghiên cứu năm 2021, các tác giả phát hiện tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi giảm 8,7% mỗi dịp Tết Âm lịch hàng năm. Đặc biệt, những người cao tuổi có sự đồng hành của gia đình có tỷ lệ giảm tự tử cao bất ngờ.
Ở các nhóm tuổi khác, những người trẻ tuổi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự cô đơn và cảm giác bị cô lập. Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy ngày càng nhiều học sinh trung học cơ sở bị mất ngủ, trầm cảm, lo lắng trong đại dịch. Năm 2020, một khảo sát quy mô lớn của Trung Quốc cho thấy gần 35% người được hỏi từng gặp phải tình trạng đau khổ về tâm lý trong thời kỳ cao điểm của đại dịch.
Thượng Hải bị phong tỏa khiến nhiều người có nguy cơ bị trầm cảm hơn. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
“Cha mẹ cho rằng chỉ là tôi đã suy nghĩ quá nhiều”
Sự gia tăng của gánh nặng sức khỏe tâm thần vẫn chưa được ý thức đúng ở Trung Quốc. Theo Li Yue, 20 tuổi, sinh viên đại học ở Lạc Dương, Trung Quốc, những người trải qua bệnh tâm thần thường bị hiểu lầm hoặc kỳ thị.
Khi Li được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng vào năm 2018, gia đình cô rất hoang mang. Nữ sinh không biết phải trả lời cha mẹ và giải thích về căn bệnh này thế nào.
“Cha mẹ cho rằng chỉ là tôi đã suy nghĩ quá nhiều. Có những lúc họ phản đối khi tôi điều trị. Lúc đầu, tôi rất lạc lõng và trở nên tuyệt vọng. Tôi không biết phải làm gì, cảm giác này kéo dài một thời gian”, Li kể lại.
Năm 2021, hàng loạt tác phẩm văn hóa đại chúng đề cập bệnh tâm thần đã được chiếu ở Trung Quốc và giúp vấn đề này nhận nhiều sự quan tâm hơn.
Bản thân bác sĩ tâm lý Hu Bojun cũng mở nhiều lớp đào tạo trực tuyến cho những người muốn trở thành nhà trị liệu. Họ kết nối thông qua các ứng dụng, mạng xã hội.
Nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đang dần thay đổi ở các thành phố như Thượng Hải. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Dẫu vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều điều cần cải thiện. Li cho hay khi cô nằm viện, bệnh nhân rất nhiều nhưng quá ít bác sĩ. Năm 2017, một báo cáo của WHO cho thấy ở Trung Quốc, cứ 100.000 người mắc bệnh tâm thần mới có 9 bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Năm 2019, giới chức Bắc Kinh cảnh báo mức độ ngày càng tăng của các vấn đề sức khỏe tâm thần tại Trung Quốc. Họ cam kết ít nhất 80% người mắc trầm cảm được điều trị vào năm 2030.
Còn với Li, chẩn đoán bệnh cách đây 4 năm là bước ngoặt lớn với cô và gia đình. Sau thời gian điều trị, tư vấn, giờ đây, cuộc sống của cô chậm rãi hơn nhưng ổn định và dần trở lại bình thường. Cô đang theo học chuyên ngành tâm lý học và mong muốn dùng kinh nghiệm, kiến thức của bản thân để chữa lành cho người khác.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.