Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Một người ở Anh mắc Covid-19 hơn 500 ngày liên tục không khỏi

Các nhà khoa học cho hay trường hợp này có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng khiến gần 1,5 năm vẫn bị nhiễm bệnh. Đây có thể là ca mắc Covid-19 lâu nhất từng được ghi nhận.

Theo AP News, ca bệnh này do tiến sĩ Luke Blagdon Snell, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Guy's & St. Thomas, NHS Foundation Trust, mô tả. Ông và cộng sự sẽ trình bày chi tiết về một số ca mắc Covid-19 nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không khỏi tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 23-26/4.

Ca mắc Covid-19 lâu nhất từng được ghi nhận

Trên thực tế, không có cách nào để biết chắc chắn liệu đây có phải ca mắc Covid-19 lâu nhất thế giới hay không vì không phải ai cũng được xét nghiệm, đặc biệt là thường xuyên như trường hợp này. Tuy nhiên, TS Luke khẳng định “đây chắc chắn là ca mắc Covid-19 lâu nhất được báo cáo”.

Nghiên cứu của ông cũng điều tra những đột biến nào phát sinh và liệu biến chủng nCoV có tiến hóa ở những người mắc Covid-19 trong thời gian dài hay không. Nhóm tác giả phân tích tổng cộng 9 F0 có kết quả dương tính với nCov trong ít nhất 8 tuần. Tất cả đều có hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, mắc HIV, ung thư hoặc đang điều trị bệnh lý khác. Danh tính của những người này được giữ kín nhằm bảo mật thông tin.

mac Covid-19 505 ngay lien tuc khong khoi anh 1

Các chuyên gia phát hiện khi nCoV ở trong cơ thể những người mắc Covid-19 dai dẳng, chúng phát sinh ra nhiều đột biến mới. Ảnh: Bloomberg.

Cả 9 người được thực hiện các xét nghiệm Covid-19 lặp đi lặp lại, cho thấy trung bình tình trạng nhiễm bệnh của họ kéo dài 73 ngày. Hai người mắc Covid-19 trong hơn một năm.

Ngoài ra, họ cũng đã ghi nhận ca nhiễm nCoV trong 335 ngày, được xác nhận bằng xét nghiệm rRT-PCR. Người này có kết quả dương tính với nCoV vào đầu năm 2020. Sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir nhưng cuối cùng không qua khỏi và qua đời vào khoảng năm 2021. Nguyên nhân tử vong không được tiết lộ, song, các tác giả cho hay người này mắc thêm một số bệnh lý nền khác.

5/9 người được nghiên cứu vẫn sống sót. Hai bệnh nhân đã đào thải sạch virus mà không cần điều trị. Hai người khác sau thời gian điều trị bằng thuốc kháng virus cũng đã khỏi bệnh.

Đặc biệt, một trường hợp vẫn liên tục có kết quả xét nghiệm dương tính. Ở lần tái khám cuối cùng vào đầu năm nay, tình trạng nhiễm nCoV của người này đã kéo dài 412 ngày. Đến nay, bệnh tình vẫn chưa được cải thiện và ê-kíp nghiên cứu xác định đây có thể ca mắc Covid-19 vượt qua cả bệnh nhân dương tính 505 ngày liên tục.

Không phải trường hợp bị hậu Covid-19

Theo các tác giả tại Anh, hiện tượng mắc Covid-19 dai dẳng rất hiếm và nó khác biệt với hội chứng Covid-19 kéo dài (hậu Covid-19).

“Ở những người bị hậu Covid-19, virus đã bị loại bỏ khỏi cơ thể nhưng các triệu chứng vẫn tồn tại. Nhưng với những bệnh nhân mà chúng tôi điều tra, quá trình lây nhiễm vẫn đeo bám họ. Virus không ngừng nhân lên trong cơ thể vật chủ và kết quả là các xét nghiệm cho thấy họ dương tính với nCoV”, TS Luke Blagdon Snell giải thích.

Mỗi lần các nhà nghiên cứu kiểm tra bệnh nhân, họ đều phân tích mã di truyền của nCoV để đảm bảo những người này nhiễm cùng một chủng và không phải ca tái mắc Covid-19. Tuy nhiên, kết quả giải trình tự gene cho thấy virus đã thay đổi theo thời gian, biến đổi khi nó thích nghi với hệ miễn dịch của con người.

mac Covid-19 505 ngay lien tuc khong khoi anh 2

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử được phân lập từ một bệnh nhân ở Mỹ, có màu do Viện Y tế Quốc gia cung cấp. Ảnh: NIAID-RML/AP News.

Ông Snell và cộng sự đã ghi nhận nhiều đột biến mới trong trình tự gene của nCoV. Những đột biến này tương tự với loại xuất hiện ở những biến chủng mới khác. Theo vị chuyên gia, không biến chủng mới nào đáng lo ngại được tìm thấy từ 9 người này, cũng không có bằng chứng cho thấy họ lây truyền virus cho người khác.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Guy's & St. Thomas, NHS Foundation Trust nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi nCoV. Họ hy vọng từ những trường hợp được báo cáo, giới chuyên gia sẽ tìm ra nhiều phương pháp điều trị hơn để giúp các bệnh nhân mắc Covid-19 dai dẳng đánh bại nCoV.

Mặc dù số ca nhiễm bệnh dai dẳng rất hiếm, nhóm tác giả lưu ý rất nhiều người có hệ miễn dịch kém vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Họ là nhóm cần được bảo vệ khi giới chức nhiều nước quyết định bác bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang hay những hạn chế khác.

Tiến sĩ Wesley Long, nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist ở Texas, người không tham gia nghiên cứu, cho biết không phải lúc nào chúng ta cũng biết ai là nhóm cần được bảo vệ. Do đó, ông ủng hộ quan điểm tiếp tục đeo khẩu trang.

Trước đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Muzzafer Kayasan, cũng gây chú ý khi xét nghiệm 78 lần vẫn dương tính với nCoV. Người đàn ông này bị cùng lúc ung thư máu và Covid-19. Hãng tin Ihlas cho biết nam bệnh nhân đã phải nằm viện tổng cộng 9 tháng và 5 tháng tự cách ly tại nhà.

Theo các bác sĩ điều trị, ông Kayasan xét nghiệm 78 lần vẫn cho kết quả dương tính vì bệnh ung thư đã khiến hệ miễn dịch quá yếu. Người đàn ông này sống sót nhờ các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Bí mật khiến nCoV đánh bại hệ miễn dịch và gây tử vong

Nhóm chuyên gia Ireland phát hiện các virus corona tương tự nCoV có thể vô hiệu hóa interferon, khiến hệ miễn dịch không ngăn chặn và tiêu diệt được những "kẻ lạ mặt xâm nhập".

WHO đưa khuyến cáo đặc biệt về thuốc chữa Covid-19 mới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Paxlovid đã chứng minh được hiệu quả và ưu điểm đáng kể so với những loại thuốc chữa Covid-19 hiện có.

Tái mắc Covid-19 chỉ sau 3 tuần khỏi bệnh

Một người phụ nữ 31 tuổi ở Tây Ban Nha đã tiêm phòng đủ mũi vaccine có kết quả tái mắc Covid-19 chỉ sau chưa đầy 3 tuần.

Dịch Covid-19

Bảo Hân

Bạn có thể quan tâm