Dù Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012) đều lớn lên trong bối cảnh kinh tế biến động, Gen Z thực tế chi trả sinh hoạt phí nhiều hơn so với thế hệ Millennials ở cùng độ tuổi, theo phân tích của Washington Post về dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (Bureau of Labor Statistics - BLS).
"Người tiêu dùng Gen Z chứng kiến tài chính của mình bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch và hậu quả để lại. Chúng thậm chí còn nặng nề hơn những khó khăn mà Millennials phải đối mặt từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cả hai thế hệ này đều phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, nhưng Gen Z thực chất chật vật hơn trong việc trang trải chi phí sinh hoạt mới hiện nay", Michele Raneri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Mỹ tại TransUnion, nhà cung cấp báo cáo tín dụng Mỹ, cho biết.
Gen Z đang đối mặt với chi phí tăng cao ở gần như mọi mặt đời sống. Ảnh minh họa: SHVETS production/Pexels. |
Chi tiêu tăng vọt
Tính đến nay, người lao động thuộc Gen Z được học đại học, có việc làm và kiếm được nhiều tiền hơn so với thế hệ Millennials.
Tuy nhiên, họ cũng đang phải chi trả cho nhà ở nhiều hơn 31% so với mức giá cách đây một thập kỷ, sau khi tính theo lạm phát.
Chi phí nhà ở, vốn đã tăng nhanh kể từ đại dịch, cho đến nay là gánh nặng lớn nhất của Gen Z.
Người trưởng thành dưới 35 tuổi thích thuê nhà hơn là sở hữu nhà và có xu hướng di chuyển thường xuyên hơn. Cả hai điều này có thể là lý do dẫn đến việc giá cả tăng thường xuyên.
Dữ liệu điều tra dân số của RentCafe còn cho thấy Gen Z dự kiến sẽ chi trung bình 145.000 USD cho tiền thuê nhà khi họ bước sang tuổi 30, so với mức 126.000 USD mà thế hệ Millennials ở cùng độ tuổi chi tiêu sau khi lạm phát.
Dữ liệu BLS còn cho thấy chi tiêu cho bảo hiểm ô tô của những người từ 16-24 tuổi đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2012-2022, trong khi tiền bảo hiểm y tế của nhóm tuổi đó tăng 46% sau lạm phát. Dù vậy, thu nhập thực tế của họ (đã tính lạm phát) lại tăng chậm hơn nhiều trong cùng kỳ với khoảng 26%.
Gen Z nợ thẻ tín dụng nhiều hơn những thế hệ khác. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Khoản nợ đeo đẳng
Theo hồ sơ nội bộ của TransUnion, so với thế hệ Millennials ở cùng độ tuổi, Gen Z mắc nhiều loại nợ hơn, bao gồm thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô và thế chấp, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Thêm vào đó, những người từ 22-24 tuổi ngày nay cũng có nhiều khả năng không trả được nợ thẻ tín dụng và vay mua ô tô so với thế hệ trước họ. Chưa kể, khoản nợ còn tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập của Gen Z.
Vào cuối năm 2023, nợ đã tương đương với khoảng 16% thu nhập của nhóm trẻ này. Trong khi đó, khoản này của thế hệ Millennial chỉ chiếm khoảng 12% một thập kỷ trước đó.
Theo ngân hàng Fed New York, khoảng 1 trong 7 Gen Z chạm đến hạn mức tối đa thẻ tín dụng của họ. Đây là một tỷ lệ cao hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Ngoài ra, hậu quả của khoản nợ này còn nghiêm trọng hơn những thời điểm trước vì lãi suất bình quân trên thẻ tín dụng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, lên tới gần 22%.
Thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến thói quen tài chính của Gen Z. Nhiều người thuộc thế hệ này chi tiêu nhiều hơn vì mong muốn bù đắp những trải nghiệm đã mất vì dịch bệnh.
Lúc này, các ngân hàng cũng nới lỏng các quy định để mở được thẻ tín dụng, tạo điều kiện cho những người vay trẻ tuổi. Bên cạnh đó, Gen Z không chỉ có nhiều khả năng vay vốn sinh viên hơn mà còn có số dư nợ cao hơn so với thế hệ Millennials, theo St. Louis Fed.
Tính đến tháng 6 năm 2022, những người vay từ 20-25 tuổi có khoản nợ sinh viên trung bình khoảng 21.000 USD, cao hơn 13% so với thế hệ Millennials ở cùng độ tuổi (sau khi điều chỉnh theo lạm phát). Đây cũng là thế hệ đầu tiên mà sinh viên mới tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng thất nghiệp hơn dân số nói chung.
Gen Z và Millennials cùng đối mặt với khó khăn tài chính song ở hai thời thế khác biệt. Ảnh minh họa: Monstera Production/Pexels. |
Khác biệt thời thế
Gen Z đang trưởng thành ở một thời điểm rất khác so với thế hệ Millennials, những người mà những ngày đầu đi làm trùng với hai cuộc suy thoái kinh tế.
Nhiều người trong số họ đã phải vật lộn để có được việc làm, đặc biệt là sau cuộc Đại suy thoái, khi tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức 10% trong hơn một năm.
Tiền lương của Millennials cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo nhà kinh tế học Kevin Rinz, trung bình, thế hệ này mất khoảng 13% thu nhập từ năm 2007 đến năm 2017.
Ngược lại, đối với Gen Z, sự phục hồi kể từ đại dịch diễn ra nhanh chóng và trên diện rộng. Tính đến tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp ở dưới 4% trong khoảng thời gian dài nhất trong 50 năm. Những người lao động trẻ tuổi cũng đã chứng kiến một số mức tăng lương đáng kể.
Theo ngân hàng Fed Atlanta, tiền lương của nhóm 16-24 tuổi đã tăng 8,6% trong năm qua, so với mức tăng chung là 5,2%. Tuy nhiên, giá cả tăng cao đang giáng một đòn mạnh vào Gen Z.
So với các nhóm tuổi khác, những người trưởng thành dưới 27 tuổi dành nhiều tiền hơn cho những thứ cơ bản như nhà ở, ăn uống, bảo hiểm xăng và xe hơi. Tất cả đều đắt hơn rất nhiều trong những năm gần đây, theo dữ liệu từ các chương trình của Moody's, công ty xếp hạng rủi ro tín dụng.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.