Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp khi đi dạm ngõ cho con trai. Ảnh minh họa: Adobe Stock. |
Bệnh nhân là ông H.V.Đ. (53 tuổi). Ngày 28/5, ông cùng mọi người trong gia đình, họ hàng từ Phú Xuyên (Hà Nội) đến Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để làm lễ dạm ngõ cho con trai.
Sau tiệc rượu tại nhà gái, ông Đ. xuất hiện cơn đau ngực và được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường cấp cứu.
Khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường đã gửi thông tin bệnh cảnh lên nhóm “Cấp cứu Vĩnh Phúc”, một nhóm trao đổi chuyên môn và hội chẩn những ca cấp cứu đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sáng lập, để cùng hội chẩn với các bác sĩ của bệnh viện tỉnh.
Tại đây, trường hợp của ông Đ. được hội chẩn và chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Đồng thời, người bệnh được bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống tập kết tiểu cầu và nhanh chóng chuyển người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để điều trị.
Trên đường vận chuyển người bệnh từ Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đ. ngừng tuần hoàn.
Khi đến khoa Cấp cứu, người bệnh được chẩn đoán ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp và được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện nhiều lần.
Sau 30 phút, tim ông Đ. đã đập trở lại, nhưng người bệnh đi vào hôn mê sâu, phải thở máy và sử dụng thuốc an thần, vận mạch liều cao.
Nhận định tình trạng người bệnh rất nặng nề, các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu đã liên tục hội chẩn cùng các bác sĩ chuyên khoa Can thiệp tim mạch. Hướng xử trí cấp cứu được đưa ra là can thiệp chụp động mạch vành và tái tưới máu vùng nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt để giành giật sự sống cho người bệnh.
Ông Đ. được chuyển can thiệp động mạch vành qua da trong tình trạng hôn mê và sử dụng an thần. Kíp bác sĩ tiến hành chụp chọn lọc động mạch vành qua động mạch quay.
Kết quả cho thấy người bệnh tắc hoàn toàn động mạch mũ, một trong 3 nhánh của động mạch vành. Đây chính là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến ngừng tuần hoàn nhiều lần.
Các bác sĩ đã đặt một stent phủ thuốc tại động mạch mũ. Sau can thiệp, người bệnh được chuyển khoa Cấp cứu để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tới ngày 11/6, người bệnh đã hoàn toàn bình phục, chức năng tim trở lại bình thường và đủ điều kiện xuất viện.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.