Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân khiến bạn bị rạn da

Việc tăng hoặc giảm cân nhanh, mang thai, phẫu thuật cấy ghép vú hay di truyền là những lý do có thể khiến bạn bị rạn da.

Rạn da là tình trạng phổ biến có thể xảy ra ở cả 2 giới và mọi tuổi tác. Ảnh: News18.

Rạn da về cơ bản là những vệt lõm hình thành do da bị siết chặt và giãn ra liên tục. Các vết rạn thường xuất hiện trên bụng, ngực, hông, mông và đùi.

Rạn da là tình trạng phổ biến không chỉ ở phụ nữ mang thai hoặc mới làm mẹ, mà còn với bất kỳ ai có thể đã đến tuổi dậy thì, tăng hoặc giảm cân đột ngột... Tuy nhiên, điều may mắn là rạn da có thể dần mờ đi.

Nguyên nhân và các rủi ro

Theo Webmd, rạn da xảy ra khi cơ thể bạn phát triển nhanh chóng vì bất kỳ lý do gì. Khi đó, da của bạn không thể căng đủ để theo kịp. Collagen là loại protein làm cho làn da đàn hồi hơn. Nhưng nếu da không có đủ protein, các vết rạn có thể xuất hiện khi da căng ra.

Bạn có thể bị rạn da do:

  • Giảm hoặc tăng cân nhanh (điều này ảnh hưởng đến cả nam và nữ).
  • Sự phát triển nhanh chóng của trẻ trong giai đoạn dậy thì.
  • Mang thai khiến làn da căng ra và sự gia tăng hormone làm suy yếu các sợi da. Chúng có thể mờ dần khi bạn giảm cân sau khi sinh em bé.
  • Phẫu thuật cấy ghép vú.
  • Lượng steroid cao từ thuốc steroid hoặc các bệnh như hội chứng Cushing.
  • Hội chứng Marfan - bệnh di truyền làm suy yếu các sợi da và gây ra sự phát triển bất thường.
  • Có thành viên trong gia đình bị rạn da.

Thông thường, các vết rạn da mới có thể hơi gồ lên và ngứa. Những đường gợn sóng, sọc trên da của bạn có nhiều màu sắc khác nhau. Chúng mờ dần từ màu đỏ hoặc hồng sang xanh tím thành những vệt mỏng, nhạt, giống sẹo hơn theo thời gian.

Những vết rạn da có thể xuất hiện trên nhiều bộ phận trên cơ thể bạn, bao gồm cánh tay, lưng, ngực, mông, hông, vai, bụng.

Nguyen nhan gay ran da anh 1

Mang thai là nguyên nhân phổ biến gây rạn da ở phụ nữ. Ảnh: Metropolis.

Làm gì khi bị rạn da?

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh (NHS), các vết rạn da thường mờ dần theo thời gian nhưng có thể không biến mất hoàn toàn. Nhiều loại kem và lotion được quảng cáo có thể ngăn ngừa, giảm hoặc loại bỏ vết rạn da. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy chúng hiệu quả.

Có một số phương pháp điều trị có thể giúp vết rạn da trông đẹp hơn, nhưng sẽ không loại bỏ được chúng, bao gồm:

  • Kem retinoid (thường được gọi là tretinoin) hoặc axit hyaluronic - những loại kem này có thể hữu ích nếu được sử dụng trên các vết rạn da mới. Tuy nhiên, không nên sử dụng kem retinoid nếu bạn đang mang thai vì chúng có thể gây hại cho em bé.
  • Điều trị bằng ánh sáng hoặc laser.
  • Microdermabrasion (mài da vi điểm) là phương pháp giúp loại bỏ một lớp da mỏng.

Cách ngăn ngừa bị rạn da

Theo Healthshots, cách tốt nhất là ngăn ngừa rạn da xuất hiện với những gợi ý dưới đây:

Kiểm soát cân nặng

Cho dù bạn có mang thai hay không, điều bắt buộc là phải duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các vết rạn da thường phát triển do da bị tách ra nhanh chóng vì tăng cân nhanh. Do đó, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát cân nặng của mình.

Duy trì đủ nước trong cơ thể

Uống đủ nước không chỉ làm cho làn da của bạn ngậm nước và mềm mại mà còn giảm khả năng phát triển các vết rạn da. Mặt khác, uống đồ uống có chứa caffeine, như cà phê, trà hoặc đồ uống có đường, có thể khiến da bạn bị khô và căng.

Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng

Nếu chế độ ăn uống của bạn thiếu dinh dưỡng, bạn sẽ có nguy cơ bị rạn da cao hơn. Vì vậy, hãy đảm bảo chế độ ăn uống bao gồm các loại thực phẩm chứa vitamin C, D, E, kẽm và protein.

Collagen là thành phần chính giúp giữ cho làn da khỏe mạnh và đàn hồi, đồng thời nó cũng làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn. Vì vitamin C là chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển collagen, bạn hãy bổ sung các loại trái cây họ cam quýt, chẳng hạn cam và chanh để có được loại vitamin đó.

Cách dễ nhất để có vitamin D là phơi nắng hoặc bạn có thể hấp thụ từ ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa như sữa hoặc sữa chua. Vitamin D được biết đến là dưỡng chất làm giảm sự xuất hiện của vết chân chim, nếp nhăn và vết rạn.

Kẽm là chất dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe của da vì nó làm giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm trong chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn các loại hạt và cá, ít nhất có thể giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh và căng mọng.

Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Zing giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.

Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Những vấn đề về da có thể gặp phải khi mang thai

Rám má, rạn da, rậm lông hay mụn trứng cá là những thay đổi về da rất thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm