Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp người kiện lô cốt để... cảnh tỉnh cơ quan công quyền

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, ông Lang đã làm đơn kiện Sở GTVT TP.HCM ra tòa để... cảnh tỉnh cơ quan chức năng.

Theo đơn kiện của ông Nguyễn Văn Lang (SN 1932, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), gia đình ông là chủ sở hữu căn nhà số 12/7 Nguyễn Huy Tự (P.Đa Kao, Q.1), các con ông có mở quán ăn tại căn nhà này. Nhưng đến tháng 1/2005, Sở GTVT TP.HCM bắt đầu thi công dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong quá trình xây dựng, liên doanh nhà thầu TMEC & CHEC-3 lập rào chắn xây dựng (lô cốt) trước cửa nhà ông Lang. Việc thi công kéo dài tới 42 tháng khiến gia đình ông không thể kinh doanh, buôn bán gây thất thu.

Trước khi xây dựng công trình, mỗi tháng quán ăn lãi hơn 6 triệu đồng, do đó ông Lang yêu cầu Sở GTVT đền bù thu nhập 42 tháng, tổng cộng hơn 252 triệu đồng. Ngoài ra, việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn khiến căn nhà bị nứt, lún nhiều nơi buộc gia đình phải sửa chữa hết hơn 60 triệu đồng, cộng với lãi suất chậm thanh toán, nguyên đơn đòi chủ đầu tư bồi thường 120 triệu đồng.

Ông Lang tại tòa phúc thẩm.

Tuy nhiên tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM chỉ buộc Sở GTVT bồi thường hơn 31 triệu đồng (theo giám định thiệt hại của công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn) tiền hư hại căn nhà. Sau đó, Sở GTVT tự nguyện bồi thường thêm 18 triệu đồng, tổng số tiền mà ông Lang nhận được là gần 50 triệu đồng. Không đồng ý với phán quyết của tòa án, sau đó ông Lang cùng gia đình tiếp tục làm đơn kháng cáo.

Ngày 7/10, TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ kiện ra xử Phúc thẩm. Tại phiên tòa, ông Lang cùng luật sư cho rằng công trình trên chỉ được cấp phép xây dựng trong thời hạn 12 tháng nhưng kéo dài tới 42 tháng gây ảnh hưởng xấu tới việc kinh doanh của gia đình. Ngoài ra, việc thi còn khiến căn nhà còn bị hư hại nặng. Do đó việc ông đòi bồi thường hơn 477 triệu đồng là hợp lý (bao gồm 120 triệu sửa nhà, 252 triệu thiệt hại do không thể kinh doanh và 105 triệu lãi do chậm trả 2 số tiền trên).

Đại diện Sở GTVT không chấp nhận yêu cầu của ông Lang và cho rằng Sở xây dựng công trình công cộng và được phép thi công dưới lòng đường. Hơn nữa, khoảng cách từ lô cốt đến căn nhà hơn 5m nên gia đình ông vẫn có thể kinh doanh được. Ngoài ra, khi công trình xong thì căn nhà của ông Lang từ trong hẻm nhỏ trở thành nhà mặt tiền đường Hoàng Sa (Q.1) nên dễ buôn bán hơn, như vậy gia đình ông Lang hưởng lợi rất nhiều từ công trình này.

Sau khi nghe lời tranh luận của các bên liên quan, HĐXX nhận thấy ông Lang đòi bồi thường mất thu nhập nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Việc sửa chữa căn nhà theo giám định hơn 31 triệu đồng, nhưng ông đòi bồi thường 120 triệu là vô lý. Vì thế Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Tiếp xúc với PV, ông Lang cho biết bản thân ông và gia đình không hài lòng với mức án mà tòa đã tuyên. Nhưng ông quyết định không làm khiếu nại giám đốc thẩm nữa mà dừng vụ việc lại đây. Bởi lẽ ông đã già yếu, không còn đủ sức khỏe để theo đuổi vụ kiện kéo dài. Và ông Lang cho biết không muốn dồn ai vào thế “chân tường”.

Như vậy, suốt 7 năm theo đuổi vụ kiện Sở GTVT TP.HCM, cuối cùng ông Lang cũng được tuyên thắng kiện nhưng tiền bồi thường chỉ hơn 50 triệu đồng, không thấm vào đâu so với chi phí mà ông đã bỏ ra trong ngần ấy thời gian để đi kiện. Điều ông cảm thấy tiếc nhất là không có đủ chứng cứ chứng minh bị thiệt hại gần 6 triệu đồng/tháng trong suốt quá trình thi công của Sở GTVT.

Nhưng với ông thắng thua không còn ý nghĩa gì, điều quan trọng nhất là Tòa án đã công nhận Sở GTVT làm sai, “lô cốt” gây ra thiệt hại cho gia đình ông là có thật. “Tôi làm thế chỉ để cảnh tỉnh cơ quan chức năng, làm việc gì cũng phải có trách nhiệm với nhân dân”, ông Lang cười chia sẻ.

Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm