Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), bệnh nhân là anh C.A.S. (33 tuổi, trú xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà). Anh S. đến khám trong tình trạng đột nhiên đau bụng từng cơn kèm buồn nôn. Cơn đau ngày càng dữ dội, tăng dần.
Kết quả siêu âm vùng bụng không phát hiện bất thường, các bác sĩ đã chỉ định nội soi dạ dày - đại tràng bệnh nhân. Khi nội soi, bác sĩ phát hiện niêm mạc đại tràng của người đàn ông đã xung huyết, đoạn đại tràng lên có nhiều giun đũa.
Ngay lập tức, người bệnh được ê-kíp nội soi dùng kìm kẹp gắp giun theo ống nội soi qua đường hậu môn ra ngoài. Giun gắp ra nhiều, vẫn còn sống và dài khoảng 10 cm.
Giun đũa ký sinh trong đại tràng bệnh nhân S. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên. |
Giun đũa là loại ký sinh trùng lây truyền qua đất (trứng giun phát triển ở đất ẩm thông qua thực phẩm, rau, nước…) vào trong ống tiêu hóa để phát triển, sinh sản.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh không có triệu chứng gì. Khi giun phát triển, sinh sôi, chúng di chuyển đến nhiều cơ quan gây ra hàng loạt các triệu chứng như: viêm phổi, viêm mắt, viêm ruột - tắc ruột, áp xe gan…
Để phòng, chống nhiễm giun đũa cũng như các loại ký sinh trùng khác nói chung, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là thực hành vệ sinh sạch sẽ. Cụ thể, người dân cần duy trì các thói quen:
- Ăn chín, uống sôi
- Giữ gìn vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Hạn chế ăn rau sống
- Không nên đi chân trần
- Thường xuyên quét dọn, khơi thông cống rãnh
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, nâng cao thể trạng và khám sức khỏe khi có dấu hiệu nghi ngờ
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.